clock

Thế Giới

11:04 15-06-2018

Nhật hạ độ tuổi trưởng thành từ 20 xuống 18 tuổi

Với tình trạng dân số lão hóa nhanh chóng những năm gần đây, việc hạ độ tuổi trưởng thành được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tham gia sớm hơn của giới trẻ trong các hoạt động của xã hội...

Tại cuộc họp Thượng viện ngày 13/6, sau nhiều lần được đề xuất, nội dung sửa đổi về việc hạ độ tuổi trưởng thành của công dân Nhật từ 20 tuổi xuống 18 tuổi đã chính thức được thông qua.

Luật Dân sự sửa đổi có hiệu lực từ tháng 4/2022. Cùng với việc thay đổi độ tuổi trưởng thành, 22 luật liên quan khác cũng được sửa đổi như luật quy định về quốc tịch và hộ chiếu.

Khi luật mới được thực thi, thanh niên Nhật từ 18 tuổi đã có thể tự đứng ra ký kết các hợp đồng vay nợ, mua bán, lập thẻ tín dụng mà không cần sự đồng ý của người bảo hộ. Thanh niên đủ 18 tuổi cũng được cấp hộ chiếu có hiệu lực 10 năm, được quyền lựa chọn quốc tịch với người mang hai quốc tịch, hay được quyền thay đổi giới tính.

Theo Luật dân sự mới, độ tuổi kết hôn của công dân Nhật cả nam và nữ là 18 tuổi. Như vậy, nữ giới Nhật Bản phải chờ thêm 2 tuổi nữa mới được kết hôn so với 16 tuổi như hiện nay. Theo luật hiện hành, nữ giới đủ 16 tuổi và nam giới đủ 18 tuổi đã có thể được pháp luật công nhận hôn thú nhưng bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ. Luật mới đã gộp độ tuổi trưởng thành và kết hôn làm một, đồng nghĩa với việc không cần cha mẹ bảo hộ.

Tuy nhiên, để Luật mới này không làm ảnh hưởng đến an ninh xã hội và sức khỏe của người trẻ, các hoạt động như đánh bạc, đua ngựa, đua xe, uống rượu hút thuốc không nằm trong phạm vi điều chỉnh khi độ tuổi được phép vẫn giữ nguyên mức 20 tuổi trở lên như hiện tại.

Bên cạnh đó cũng có một số lo ngại về một số hệ lụy có thể xảy ra như độ tuổi 18, 19 dễ bị cuốn vào các giao dịch bất hợp pháp. Chính vì vậy, chính phủ cũng đã đề nghị đưa ra sửa đổi Luật Thỏa ước người tiêu dùng, cho phép có thể hủy bỏ hợp đồng mang tính chất lừa đảo lợi dụng nhằm vào đối tượng trẻ điển hình như các giao kèo hẹn hò tình ái.

Những nghị luận và tranh cãi về việc giảm độ tuổi trưởng thành của Nhật đã có từ nhiều năm trước kể từ khi Luật Bầu cử quốc dân được ban hành vào năm 2007 quy định độ tuổi bỏ phiếu là trên 18 tuổi. Các ý kiến cho rằng nếu công dân đã có quyền bầu cử thì cũng có thể coi là những cá thể độc lập và trưởng thành trong xã hội.

Độ tuổi 20 được coi là độ tuổi trưởng thành của Nhật trong suốt 140 năm qua kể từ năm Minh Trị thứ 9 1876. Với tình trạng dân số lão hóa nhanh trong những năm gần đây, việc hạ độ tuổi trưởng thành được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tham gia sớm hơn của giới trẻ trong các hoạt động của xã hội.

 

Trà Giang/ Vneconomy