clock

CEO Việt

11:14 22-06-2018

NỮ TƯỚNG BÚN NGUYỄN BÍNH VÀ GIẤC MƠ VƯỢT BIỂN LỚN

Từ chối thương vụ mua bán hơn 5 triệu USD trước Thai Wah – Doanh nghiệp Thái Lan có bề dày 60 năm trong mảng thực phẩm, thương hiệu Bún Nguyễn Bính là một trong những doanh nghiệp Việt hiếm hoi kiên định với con đường phát triển của mình, quyết không bán mình trước các nhà đầu tư nước ngoài.

 
HÀNG LOẠT THƯƠNG HIỆU VIỆT KHÔNG CÒN LÀ SỞ HỮU CỦA NGƯỜI VIỆT
Những năm gần đây, làn sóng Mua bán & Sáp nhập (M&A) trở nên sôi động hơn tại thị trường Việt Nam. M&A giúp nhà đầu tư có thể được kế thừa nhiều thứ, bao gồm cả thủ tục đầu tư, cơ sở hạ tầng, thị trường, hệ thống phân phối,… và có thể tránh được nhiều rủi ro trong quá trình đầu tư. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2017, đã có 2.501 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỷ USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ 2016. Điển hình trong số này là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Trong một số lĩnh vực như bất động sản hoặc sản xuất, đã bắt đầu có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc. Trong đó, nhà đầu tư Hàn Quốc đã chi 382 triệu USD để góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam, con số của nhà đầu tư Nhật Bản là 199,7 triệu USD, Trung Quốc là 213 triệu USD, Đài Loan 215 triệu USD, Thái Lan gần 287 triệu USD, BritishVirginIslands 230,5 triệu USD… 
 
Hoạt động M&A Việt Nam từ 2006 - 2016
Báo cáo từ diễn đàn M&A Việt Nam 2017, 77% giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam là của các nhà đầu tư ngoại, ước tính tổng giá trị M&A năm 2017 đạt 8,4 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc người Việt đang mất dần quyền sở hữu thương hiệu Việt, thậm chí nhiều thương hiệu quen thuộc đang dần bị xoá sổ. 
 
Nhà đầu tư ngoại dẫn dắt thị trường
Có thể kể tên những thương vụ M&A đình đám như: Deasang mua Công ty Thực phẩm Đức Việt, Phở 24 Highlands Coffee bán cho Jollibee(Philippine), Diana bán cho Unicharm, Kinh Đô bán cho tập đoàn Mondelēz International, Central Group mua lại Big C, TCC cũng đã mua lại hệ thống Metro tại Việt Nam, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã mua xong CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre, Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt của Megastar, Vi tính Phong Vũ sáp nhập cùng Teko Việt Nam, ThaiBev chính thức thâu tóm Công ty Cổ phần bia Sài Gòn (Sabeco), Nawaplastic (thuộc Tập đoàn Siam Cement Group - SCG) hoàn tất nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh,…
 
Ngành chế biến thực phẩm vẫn được nhà đầu tư ngoại đặc biệt chú trọng
Ông Đặng Xuân Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam cho rằng, những động thái của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan và Hàn Quốc cho thấy sự cạnh tranh trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam. “Họ muốn đưa các sản phẩm của Thái Lan và Hàn Quốc vào thị trường rộng lớn 95 triệu dân của Việt”. Còn theo ông Nguyễn Quang Bảo, Phó TGĐ Công ty chứng khoản Bản Việt, trong nhiều thương vụ M&A, lý do quan trọng để doanh nghiệp Việt bán cho nhà đầu tư nước ngoài là bởi nhu cầu về mở rộng vốn nhằm phát triển.
 
 
M&A TẠI VIỆT NAM PHÂN THEO NGÀNH/LĨNH VỰC
Với dân số khoảng 95 triệu người, ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng và cạnh tranh, nhất là khi tâm lý người Việt vẫn sính ngoại, nhu cầu về thực phẩm tăng về chất và lượng. Đó là lí do Bún Nguyễn Bính nằm trong chiến lược thâu tóm của nhà đầu tư Thái Lan. Trong các thương vụ M&A kể trên, không khó để nhận ra những cái tên lớn trong ngành thực phẩm, đồ uống như Sabeco, Kido, Phở 24, Cầu Tre,…đã bị thâu tóm. Được rót vốn để hoạt động, không thể phủ nhận các thương hiệu trên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đối với các doanh nghiệp Việt, khi sức cạnh tranh giảm dần, nguồn lực không đủ sức cạnh tranh, họ buộc phải cân nhắc đến các biện pháp sáp nhập hoặc bán hẳn cho doanh nghiệp khác. Trước áp lực không hề nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam, M&A là một trong những lựa chọn để duy trì và phát triển doanh nghiệp, vừa mở ra cơ hội và cũng là thách thức khi phải đối mặt với nguy cơ thâu tóm từ các đối thủ lớn. 
 
Đoàn chuyên gia Nhật Bản qua thăm và làm việc với Bún Nguyễn Bính
Thương hiệu Bún Nguyễn Bính là một ví dụ điển hình cho doanh nghiệp quy mô nhỏ trước làn sóng M&A đổ bộ. Thai Wah - Doanh nghiệp với bề dày 60 năm về thực phẩm của Thái Lan sau nhiều lần khảo sát, thăm dò đã định giá doanh nghiệp Bún Nguyễn Bính là 100 tỷ đồng, đề nghị mua lại 60% cổ phần của Thương hiệu Việt gần 20 năm tuổi này. Trước cơ hội có thêm nguồn vốn để mở rộng quy mô, đổi lấy việc giảm sức tác động lên hoạt động của doanh nghiệp, bà Nguyễn Bính đã nói lời từ chối.
 
KHI DOANH NGHIỆP MẠNH DẠN CHỌN LỐI ĐI RIÊNG, QUYẾT KHÔNG “BÁN MÌNH”
Có thể nói, động thái từ chối của thương hiệu Bún Nguyễn Bính trước doanh nghiệp ngoại không phải là duy nhất, nhưng đang đi ngược với xu thế hiện tại. Đối thoại trực tiếp với bà Nguyễn Bính, những chia sẻ của người chủ doanh nghiệp cung cấp cho độc giả thêm một góc nhìn mới về nỗi trăn trở của doanh nghiệp trước áp lực cạnh tranh.
 
Business & Brand VN: Chào bà, theo như chia sẻ trước đó, Bún Nguyễn Bính đang gặp khó khăn về vốn đầu tư và phát triển, lí do nào khiến bà từ chối lời mời của Thai Wah?
Bà Nguyễn Bính: Những năm qua, không chỉ duy nhất Thai Wah, chúng tôi nhận nhiều lời đề nghị chia sẻ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp mình. Nhưng chúng tôi cũng biết hoạt động M&A có thể khiến nhiều doanh nghiệp Việt đánh mất thương hiệu chính mình gầy dựng. Trong nhiều thương vụ M&A khác, giá trị của tài sản vô hình như thương hiệu bị định giá thấp, khi chỉ đứng trên góc nhìn, xem xét lợi thế thương mại giữa bên mua và bên bán mà chưa cân nhắc cẩn trọng. Trên thế giới, có những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu chiếm đến 70% tổng giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp kể cả những doanh nghiệp lớn đã không quan tâm đến việc đề cao thương hiệu, cũng như việc đăng ký bảo hộ thương hiệu dẫn đến mất tài sản trí tuệ do mình tạo ra. 
 
Business & Brand VN: Có thể hiểu một phần nguyên nhân bà không đồng ý bán là vì chưa thoả thuận được giá?
Bà Nguyễn Bính: Gần 20 năm gầy dựng, như những lần tôi chia sẻ với báo chí trước đây, Bún Nguyễn Bính trải qua thăng trầm, ảnh hưởng từ khủng hoảng vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng vì mất lòng tin đã quay lưng với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, thiên tai đã làm hư hại 70 tấn gạo trong kho, số nợ ngân hàng của doanh nghiệp lên tới 300 triệu đồng, thời điểm đó là lớn lắm. Để khắc phục hậu quả, chúng tôi phải đi gõ cửa từng cơ quan chức năng, gặp gỡ từng đối tác để được nợ nguyên liệu sản xuất, cọc cạch chiếc xe máy về vùng nguyên liệu Ba Tri, Bến Tre tìm gạo ngon, phù hợp làm bún, rồi nợ nần chồng chất, gánh nặng nhân công,… Kể nghe thì ngắn, nhưng quãng đường đó nhân lên từng tháng, từng ngày, từng giờ trải qua thì khó nhọc, gian nan lắm, cũng như người ta nuôi một đứa con đến ngày khôn lớn, vất vả đến đâu, giá có cao thì ai nỡ bán?
 
Business & Brand VN: Bà có dự định nào để duy trì và phát triển doanh nghiệp của mình?
Bà Nguyễn Bính: Trước áp lực kinh doanh trong ngành lẫn nguy cơ cạnh tranh từ bên ngoài, chúng tôi vẫn chọn con đường kinh doanh chính trực, phát huy nguồn lực sẵn có. Yếu tố được coi trọng nhất của doanh nghiệp Bún Nguyễn Bính là đầu tư con người về nhiều mặt. Năm 2014, đề án xây dựng làng nghề đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Tôi thậm chí còn mở Spa chăm sóc sức khoẻ dành riêng cho công nhân viên, đối tác và khách hàng của mình. Đây là một phương thức chăm sóc khách hàng đặc biệt, có một không hai hiện nay liệu có nhiều doanh nghiệp thực hiện?  Vấn đề sức khoẻ người tiêu dùng là điều luôn được coi trọng, như với sản phẩm đặc thù như các loại bún, phở, hạn sử dụng ngắn hạn, chỉ bảo quản được trong ngày ở nhiệt độ thường, đồng thời không sử dụng chất bảo quản khiến màu sắc của sản phẩm ngả vàng, sẫm màu và không được bắt mắt, không thu hút người mua hàng, Nguyễn Bính vẫn kiên trì sản xuất, giải thích cho người tiêu dùng hiểu được giá trị của sản phẩm. 
Có một điều này cũng chưa thấy cơ sở sản xuất bún phở làm, đó là ngay từ thời gian đầu kinh doanh, Nguyễn Bính đã áp dụng những phương thức tiếp thị thiết thực như tặng hàng dùng thử, tặng quà khi mua hàng. Chúng tôi quan tâm đến trải nghiệm của từng khách hàng, cho họ dùng thử từng bịch bún, ghi nhận từng phản hồi, rồi điều chỉnh dần dần. Cũng may là khách hàng nào dùng thử xong cũng quay lại mua hàng, có người sau này mở tiệm kinh doanh đồ ăn, bún phở đã đặt hàng, giới thiệu cho người thân quen của họ. Nói cách khác, chúng tôi giữ chân khách hàng bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc tận tình, đến bây giờ vẫn vậy.
 
Business & Brand VN: Đến thời điểm hiện tại, quy mô của Bún Nguyễn Bính đã mở rộng như thế nào?
Bà Nguyễn Bính: Về sản phẩm, mặt hàng của Nguyễn Bính đã rất đa dạng, đầy đủ sản phẩm từ bún phở, hủ tíu, mì Quảng,.. với 17 loại khác nhau, thích hợp từng món ăn, phương pháp chế biến và vùng miền. Về quy mô, chúng tôi mở rộng hơn 400 lò bún, đảm bảo đồng bộ về chất lượng, được giám sát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. Đồng thời hệ thống phân phối phủ khắp Tp.HCM, Đồng Nai và một số khu vực lân cận, thương hiệu vẫn tuân chỉ giá trị thực, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn và hợp vệ sinh. Rất dễ dàng tìm mua được Bún Thủ Đức tại các tiểu thương ở chợ, cửa hàng tiện lợi và trong hệ thống các siêu thị. Từ vài kg bún ban đầu, mỗi ngày doanh nghiệp này cũng đã xuất ra khoảng 1000 tấn sản phẩm, dự kiến xuất hàng đông lạnh ra nước ngoài dưới tên Bún Thủ Đức. Gần đây, Nguyễn Bính bắt đầu triển khai E-commerce – Hình thức kinh doanh thương mại điện tử và giao hàng tận nơi. Đội ngũ giao hàng gồm 6 xe tải, 6 xe gắn máy luôn hoạt động thường trực để đảm bảo tiến độ giao hàng cũng như chất lượng sản phẩm. Chúng tôi thường xuyên cải tiến máy móc, công nghệ để nâng cao chất lượng, thời gian bảo quản sản phẩm.
 
Business & Brand VN: Khi sản xuất đã đi vào ổn định như vậy, bà có ý định mở rộng thị trường?
Bà Nguyễn Bính: Chúng tôi đã tính đến điều này từ nhiều năm trước và đã có những bước chuẩn bị. Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch, Nguyễn Bính dự định phối hợp với bà con nông dân để sản xuất ra lúa gạo đạt chuẩn Organic, cho ra đời sản phẩm bún, phở 100% Organic, ngay cả sản phẩm hiện tại của Nguyễn Bính cũng đã có chứng nhận đạt Organic rồi. Nguyễn Bính tự tin là một trong những chuyên gia đầu tiên nghiên cứu về công nghệ máy móc để cải tiến quy trình sản xuất bún phở, tạo ra sản phẩm an toàn, có hạn sử dụng lâu hơn mà hoàn toàn không sử dụng hoá chất. Quá trình nghiên cứu đã hoàn thiện, chúng tôi đã đăng kí bằng sáng chế tại Mỹ và đang tiến hành đăng kí tại Việt Nam. Mới đây, chúng tôi đã mua 10.000 m2 đất ở Củ Chi để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy sản xuất trong tương lai. Với các bước chuẩn bị này, tôi hi vọng thương hiệu Bún Nguyễn Bính sẽ xuất hiện rộng rãi không chỉ trong nước mà còn ở thị trường Mỹ, Nhật và các quốc gia khác. Thú thực, sự chuẩn bị này đã tiêu tốn rất nhiều tiền, và đến nay chúng tôi đã cạn vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
 
Business & Brand VN: Liệu rằng Bún Nguyễn Bính có phá vỡ nguyên tắc, gia nhập vào làn sóng M&A?
Bà Nguyễn Bính: Chúng tôi vẫn chưa nghĩ đến việc này, nhưng đang cân nhắc về việc hợp tác sản xuất, phân phối với một doanh nghiệp Nhật Bản hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành về việc cùng phát triển ở thị trường thế mạnh của mỗi doanh nghiệp. Tự tin với hệ thống phân phối sâu rộng, đối tác uy tín, chúng tôi có thể giúp đỡ nhà đầu tư Nhật Bản phát triển sản phẩm của họ trong mạng lưới sẵn có và ngược lại. Đồng thời, Nhật Bản vốn là quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, điều này có thể giúp cải tiến dây chuyền sản xuất của Nguyễn Bính theo kịp với sự phát triển khoa học kĩ thuật tiên tiến trên thế giới. Tôi kì vọng đây là một thương vụ win-win, đưa cái tên Nguyễn Bính xuất hiện trên thị trường Nhật Bản.
 
Business & Brand VN: Với thương vụ này, Nguyễn Bính có những nguyên tắc nào cho phía nhà đầu tư Nhật Bản? 
Bà Nguyễn Bính: Trước hết, chúng tôi vẫn là chủ doanh nghiệp của mình, toàn quyền quyết định các hoạt động của doanh nghiệp. Chúng tôi tự tin có thể kiểm soát, đảm bảo quy trình sản xuất. Và quan trọng nhất, Bún Nguyễn Bính giữ được thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. 
 
Xin cám ơn bà!
 
KÌ VỌNG VỀ DOANH NGHIỆP TIÊN PHONG TRONG NGÀNH BÚN VIỆT NAM BƯỚC RA 
THẾ GIỚI
Điều đáng ngạc nhiên là bà Nguyễn Bính đã làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn về ngành bún, biến nó thành một chuỗi sản xuất, phân phối phủ rộng theo quy trình bài bản, áp dụng thiết bị máy móc do chính doanh nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm và đi vào sản xuất, mở hướng đi mới xuất khẩu rộng rãi sang thị trường nước ngoài. Từ chối cuộc chơi M&A, liệu rằng giấc mơ vươn ra biển lớn của Bún Nguyễn Bính có thành hiện thực, vẫn còn nhiều điều cần chờ đợi?
 
 
HOÀI TRẦN