clock

Công Nghệ

06:03 02-01-2018

Phải chăng smartphone đã đạt đến đỉnh điểm của thiết kế?

11 năm đã trôi qua kể từ ngày Apple giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên, và chúng ta đã quá quen thuộc với lối thiết kế smartphone: một thanh chữ nhật với màn hình cảm ứng ở đằng trước. Liệu đây có phải là cách thiết kế di động duy nhất hay không?

Tại Hội nghị & Triển lãm Macworld 2007, khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone thế hệ đầu tiên, ông đã nói rằng: "Hôm nay, Apple sẽ tái phát minh ra điện thoại".

Sự thực là Steve Jobs đã đúng

Cho dù bạn nghĩ gì về Apple, iPhone, hay Steve Jobs, không thể phủ nhận rằng lịch sử phát triển của điện thoại di động đã được chia thành 2 thời kỳ rõ rệt: tiền-iPhone và hậu-iPhone. Chiếc smartphone của Apple chính là kẻ đã thay đổi cuộc chơi, kẻ tái phát minh toàn bộ ngành công nghiệp điện thoại di động.

Như đã nói ở đầu bài, 11 năm đã trôi qua, điện thoại di động ngày càng lớn hơn, nhanh hơn, và mạnh mẽ hơn, được trang bị hàng loạt tính năng mới mà ngay cả Steve Jobs cũng không thể nghĩ đến được. Thế nhưng về thiết kế, hầu như mọi chiếc smartphone thành công đến ngày hôm nay đều có một dạng như nhau: một thanh đen hình chữ nhật, với mặt trước là màn hình cảm ứng để khởi chạy các ứng dụng.

Vào đầu những năm 1960, những chiếc điện thoại có nút bấm đầu tiên dành cho người dùng phổ thông đã xuất hiện. Chiếc điện thoại có vòng xoay số như hình trên phổ biến trong rất nhiều năm sau đó, rồi biến mất hoàn toàn, bởi sử dụng một chiếc điện thoại có nút bấm nhanh và đơn giản hơn nhiều.

Bên cạnh đó, âm chuông phát ra khi nhấn nút đã gợi mở nhiều loại công nghệ mới, như tin nhắn thoại có mật khẩu, tự động gọi lại, hay mua sắm qua điện thoại.

55 năm sau đó, chúng ta vẫn đang sử dụng một chiếc điện thoại có nút bấm. Đó có thể là một thiết bị VOIP, hoặc một thiết bị không dây, nhưng về cơ bản thì phương thức hoạt động của một chiếc điện thoại năm 1960 và năm 2017 là gần như nhau: bạn nhấc máy lên, nhấn số cần gọi, đưa nó lên tai và miệng. Khi cuộc gọi kết thúc, bạn đặt nó lên một dock, hoặc lên bàn, hoặc cắm sạc!

55 năm cải tiến và phát triển, nhưng chiếc điện thoại không có nhiều thay đổi. Thiết kế hoạt động của nó đã "đụng nóc" vào năm 1963. Hay nói chính xác hơn theo ý kiến của một số người, thì thiết kế hoạt động của điện thoại di động đã "đụng nóc" vào năm 2007 - năm của iPhone.

Bạn không tin ư? Hãy thử điều này nhé: đưa một chiếc điện thoại có vòng xoay số được sản xuất từ năm 1965 cho một đứa trẻ và bảo chúng thử quay số, chúng sẽ khá khổ sở. Tuy nhiên, nếu bạn đưa cho nó một chiếc điện thoại có nút bấm, cũng từ 1965, chúng sẽ gọi cho bất kỳ ai bạn yêu cầu. Có thể chiếc điện thoại có nút bấm từ 1965 hơi cồng kềnh đôi chút, nhưng cảm giác trên tay lại khá quen thuộc.

Bây giờ bạn hãy đưa cho đứa trẻ đó một chiếc Nokia 2760 (ra mắt cùng năm với iPhone 2G) và bảo nó thử gởi một tin nhắn cho bố mẹ. Bạn có nghĩ đứa trẻ sẽ chật vật với bàn phím T9 hay không? Bạn có nghĩ nếu thay bằng chiếc iPhone 2G thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn không?

Việc cho rằng công nghệ điện thoại di động phát triển với tốc độ tên lửa chỉ đúng một nửa mà thôi. Các điện thoại mới được tung ra mỗi ngày, nhiều trong số chúng tự cho rằng mình có những tính năng sẽ thay đổi cả ngành công nghiệp.

Chip xử lý rõ ràng ngày một mạnh lên, thời lượng pin cũng được kéo dài ra, công nghệ camera có thể giúp những người không chuyên tạo nên những bức ảnh như dân pro.

Nhưng không có chiếc điện thoại nào vượt qua được khuôn khổ về mặt thiết kế: chúng vẫn là những thanh chữ nhật đen với màn hình cảm ứng. Những chi tiết trên điện thoại có thể thay đổi nhanh chóng, nhưng về cốt lõi chẳng có gì khác ngày xưa.

Tất nhiên, nhiều nhà thiết kế vẫn đang cố gắng tạo ra đột phá

Chiếc ZTE Axon M mới ra mắt gần đây trông giống như một chiếc smartphone thông thường, trừ việc nó khá dày. Nguyên nhân của sự dày cộm này là bởi mặt sau của nó khi lật ra sẽ là một màn hình thứ hai, biến chiếc điện thoại hình chữ nhật của bạn thành một chiếc điện thoại hình vuông lớn. Đó là một ý tưởng thú vị, dù chiếc điện thoại này không nhận được sự chào đón nồng nhiệt cho lắm.

Samsung trước đó cũng từng thử nghiệm một đột phá khác, lần này là với chiếc điện thoại màn hình cong Galaxy Round. Nó trông giống như một chiếc Note 3 được gắn vào một bộ khung cong, và được nhiều chuyên gia công nghệ tán dương là thể hiện tư duy đi trước của Samsung, và có một vài ưu điểm nhất định (như giảm độ loá màn hình), tuy nhiên doanh số Galaxy Round cực kỳ èo uột.

Tiếp đó là BlackBerry, tìm cách mang bàn phím vật lý trở lại trên chiếc KEYone. Dù hấp dẫn đối với các fan trung thành, hầu hết người dùng khi tìm mua điện thoại mới đều không hề quan tâm hay muốn một bàn phím vật lý.

Phải chăng smartphone đã đạt đến đỉnh điểm của thiết kế? - Ảnh 1.

Sự sáng tạo vẫn chưa dừng lại. Chiếc Galaxy X sắp tới được cho là có màn hình gập lại được, ở giữa màn hình sẽ là một bản lề tương tự laptop Lenovo Yoga, và khi bạn muốn bỏ điện thoại vào túi, bạn sẽ đóng nó lại như một chiếc vỏ sò. Rất thú vị đấy. Nhưng sẽ có bao nhiêu người mua? Có lẽ là không nhiều.

Người tiêu dùng không muốn những thiết kế sáng tạo, giống như họ không muốn một chiếc điện thoại mà không có nút bấm để gọi điện. Các dòng smartphone thành công nhất từ trước đến nay đều có thiết kế hoạt động tương tự như chiếc iPhone 2G ra mắt năm 2007, và dù một số hãng đã đưa vào một vài tuỳ biến (như bút S-Pen trên Galaxy Note hay màn hình tràn viền như Galaxy S8), chúng cũng chỉ là những đột phá nhẹ mà thôi.

Nếu thiết kế của smartphone đã đạt đến đỉnh điểm, điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Cái gì sẽ phá vỡ định kiến?

Series phim Star Trek nguyên bản nổi tiếng vì đã tạo nên những công nghệ chỉ có trong tưởng tượng, và bây giờ nhiều trong số đó đã thành hiện thực. Có lẽ những chiếc máy tính như trong phim Minority Report sẽ thành hiện thực, và chúng ta sẽ có thể điều khiển smartphone của mình trong tương lai mà không cần chạm vào màn hình nữa.

 

Có lẽ công nghệ cấy ghép sinh học mà chúng ta thấy trên show truyền hình Black Mirror sẽ trở nên phổ biến. Có lẽ công nghệ hologram điều khiển bằng giọng nói như trong Blade Runner 2049 sẽ chiếm lĩnh thị trường.

Để ngành công nghiệp di động phát triển, các thiết bị trong tương lai sẽ phải có những khác biệt rất lớn so với hiện nay, có thể chúng sẽ không còn được gọi là smartphone nữa. Ngành công nghiệp âm nhạc đã không thể phát triển vào thập niên 60 nhờ những thiết bị trông như các máy thu âm cả chục năm tuổi.

Nó đã phát triển nhờ các cuộn băng 8-Track cho phép người dùng nghe nhạc trong xe hơi. Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt về công nghệ giữa một bên là đĩa than, và một bên là băng 8-Track, cũng như giữa băng VHS và đĩa DVD, nến và bóng đèn, hay bao cao su và thuốc tránh thai.

Cho dù điều tiếp theo sẽ diễn ra là gì, bạn cũng không nên quá hi vọng rằng nó sẽ đến sớm. Điện thoại có nút bấm vẫn còn sống tốt sau nửa thập kỷ xuất hiện. Và các điện thoại dạng thanh thì mới chỉ là trào lưu trong vòng 10 năm trở lại đây mà thôi.

Có thể chắc chắn rằng, chiếc điện thoại bạn mua vào năm 2027 sẽ hoạt động khá tương đồng với thiết bị mà có lẽ bạn đang dùng để đọc bài viết này.

Tham khảo: Android Authority

 

 

theo Trí Thức Trẻ