clock

Trong Nước

05:18 28-08-2018

Phân biệt màu biển số xe để cạnh tranh bình đẳng?

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được nhận xét là mảnh áo quá chật cho sự phát triển của đất nước...

Sáng 27/8, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự án luật giao thông đường bộ sửa đổi.

Thời gian dự kiến trình Quốc hội thông qua luật này là quý 4/2020.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là mảnh áo quá chật cho sự phát triển của đất nước. Vì thế, rất cần thiết phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ với những quy định mới phù hợp.

7 nhóm vấn đề dự kiến sửa đổi

Giới thiệu tổng quan về dự án luật, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giao thông vận tải cho biết việc sửa đổi luật sẽ tập trung vào 7 nhóm vấn đề nóng hiện nay.

Thứ nhất, sửa đổi bổ sung các quy định về quy tắc giao thông đường bộ đảm bảo phù hợp với công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ, công ước về giao thông đường bộ và các quy định chưa phù hợp thực tế hiện nay.

Thứ hai, điều chỉnh việc phân loại hệ thống đường bộ, nội dung bảo trì đường bộ, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thứ ba, bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, quản lý chất lượng, khí thải đổi với xe mô tô.

Thứ tư, xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải.

Thứ năm, xem xét quy định trách nhiệm đăng ký tài khoản ngân hàng của chủ xe ô tô.

Thứ sáu, điều chỉnh hạng giấy phép lái xe phù hợp với Công ước Viên và các vấn đề có liên quan.

Thứ bảy, phân lại các loại hình kinh doanh vận tải, trên cơ sở đó điều chỉnh, sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải.

Phải "tâm phục khẩu phục"

Với dự thảo luật ở mức đề cương, chưa thể góp ý sâu, song các ý kiến tại hội thảo cũng đề cập khá nhiều vấn đề liên quan đến 7 nhóm nội dung dự kiến cần sửa đổi nêu trên.

Liên quan đến vấn đề thứ tư và thứ năm, bà Nga nói, trong thời gian qua việc sử dụng phương tiện cá nhân vào kinh doanh vận tải diễn ra khá phổ biến, gây nên tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận tải, tạo ra bất bình đẳng.

Vì thế, cần có quy định phân biệt giữa phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện cá nhân để đảm bảo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, minh bạch, công bằng cũng như đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải đường bộ.

Báo cáo tác động chính sách của Bộ Giao thông vận tải cho rằng quy định phân biệt ngay từ khi đăng ký sở hữu phương tiện sẽ làm hạn chế một phần quyền tự do của người dân vì vậy cần được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Đồng tình với dự kiến quy định màu biến số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải với xe cá nhân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng xung đột hết sức quyết liệt của taxi truyền thống và Grab là chỗ này. Bởi một anh mũ mão cân đai còn anh chả có gì, lẫn với xe cá nhân.

Phân biệt rõ màu biển số xe để người trần mắt thịt cũng biết được ông nào kinh doanh, như thế cùng cạnh tranh bình đẳng, ông nào yếu kém thì phải rời bỏ  thị trường một cách "tâm phục khẩu phục", ông Thanh góp ý.

Phân biệt màu biển số cũng nhận được sự đồng tình của một số ý kiến khác, trong đó có đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội.

Liên quan đến khái niệm và điều kiện kinh doanh, ông Phạm Minh Sương, Phó chủ tịch Hiệp hội taxi Tp.HCM nêu một số con số rất đáng chú ý.

Đó là hiện tại có khoảng  218 ngàn xe  ôtô tham gia kinh doanh,  nhưng dù ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thì xe để kinh doanh du lịch cũng chỉ chiếm chưa đến 1%. Xe tuyến cố định chỉ có 19 ngàn chưa đến 9%, xe bus chiếm chưa đến 4%.

Điều này có nghĩa là du lịch là ngành mũi nhọn, vận tải công cộng ưu tiên phát triển nhưng 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ vẫn dậm chân tại chỗ, ông Sương nhận định.

Sau đó vị này nhấn mạnh rằng xe hợp đồng đang chiếm 51%, và chỉ trong năm vừa qua tăng 47% nhưng vẫn cứ tranh luận miết khiến cho càng quản thì vận tải càng rối.

Ông Sương cho rằng sở dĩ xe hợp đồng phát triển mạnh vì kết nối giao thông chưa thuân lợi, dân đi lại từ nhà ra bến xe cao hơn chi phí tuyến chính và đó là sự bất hợp lý.

Vì thế sửa luật lần này nên xem xét yêu cầu định hình các điểm trung chuyển mới giải quyết được tận gốc vấn đề xe tuyến và xe hợp đồng, còn cứ loay hoay như hiện nay thì luật  mới có ra đời cũng không giải quyết được những vấn đề của giao thông, ông Sương góp ý.

 

Nguyễn Lê/Vneconomy