clock

Trong Nước

05:08 25-06-2018

Sau IPO, Nhà nước vẫn nắm 65% vốn điều lệ Vinalines

Hình thức cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ...

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Theo đó, hình thức cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sau cổ phần hoá là hơn 14.046 tỷ đồng.

Tổng số cổ phần là 1,4 tỷ đơn vị, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 913 triệu cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 2,3 triệu cổ phần, chiếm 0,16% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo số năm làm việc tại khu vực nhà nước là 1,6 triệu cổ phần, chiếm 0,11% vốn điều lệ.

Bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo số năm cam kết làm việc tiếp cho công ty cổ phần là 694.900 cổ phần, chiếm 0,05% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức Công đoàn: 500.000 cổ phần, chiếm 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược: 207,8 triệu cổ phần, chiếm 14,8% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai: 281 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ.

Việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ theo kết quả bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là 10.000 đồng/ cổ phần.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng; thực hiện đăng ký, lưu ký cổ phần trúng đấu giá tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch tại các sàn giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hà Nội.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thực hiện thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 1.415 người, tổng số lao động chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần là 1.096 người; tổng số lao động nghỉ việc tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 319 người.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam công bố thông tin về doanh nghiệp cổ phần hoá; tổ chức, triển khai thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn; thực hiện chuyển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thành công ty cổ phần theo đúng quy định của pháp luật.

Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho đến khi bàn giao toàn bộ tài sản, tiền vốn, lao động, đất đai cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty Cổ phần.

Năm 2017, tổng doanh thu công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt 3.106 tỷ đồng, bằng 50,5% so với năm 2016, lợi nhuận trước thuế đạt 306 tỷ đồng - chỉ bằng 12,2% so với năm ngoái.

Năm 2018, lãnh đạo công ty xây dựng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giảm so với năm 2017 như: doanh thu hợp nhất đạt 13.638 tỷ đồng, giảm 13,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 668 tỷ đồng, giảm 3%.

 

Kiều Linh/ Vneconomy