clock

DU LỊCH

10:43 27-04-2016

Sau vụ cá chết, đại gia du lịch biển miền Trung cũng ngấm đòn

Tổng cục Du lịch và các cơ quan chức năng cùng địa phương cần lên tiếng để cảnh báo và có xử lý kịp thời để xử lý khủng hoảng với ngành du lịch trước tình trạng cá chết dọc biển miền Trung.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hà, Giám Đốc Công ty Luxury Travel Việt Nam cho rằng các cơ quan trong ngành du lịch cần sớm có thông tin đến du khách, tránh gây hoang mang và cùng vào cuộc xử lý dứt điểm những vấn đề môi trường tại khu vực biển miền Trung, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

Thưa ông, vụ việc cá chết dọc ven biển miền Trung và nghi vấn xả thải độc hại ra môi trường của một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng song đã có tác động rất lớn đến các ngành kinh tế biển, trong đó có du lịch. Từ góc độ là đơn vị làm du lịch, ông đánh giá thế nào về tác động này?

Dọc ven biển miền Trung được đánh giá là nơi tập trung nhiều bãi biển nhất cả nước cả nước. Dưới góc độ làm du lịch chuyên nghiệp, tôi rất lo lắng những tác động của việc cá chết hàng loạt ở một số bãi biển từ Nghệ An đến Quảng Trị, Thừa Thiên Huế như báo chí gần đây đã đưa, cả trước mắt và lâu dài.

Chúng tôi đã có một số khách đặt và hủy. Chắc chắn khách du lịch nghỉ biển năm nay đến vùng này sẽ sụt giảm đáng kể do người dân lo ngại vấn đề sức khỏe, không dám tắm hoặc tham gia các hoạt động vui chơi ở bãi biển. Du khách cũng không dám ăn thủy hải sản vì lo ngại chất lượng an toàn thực phẩm và dịch bệnh. Điều này sẽ khiến cho nhiều nhà hàng, khách sạn có nguy cơ ế ngay cả trong mùa cao điểm (nghỉ hè).

Từ phía các Công ty du lịch, chúng tôi sẽ cũng khuyến cáo khách hàng hạn chế nghỉ biển ở những vùng đang có nguy cơ ô nhiễm (theo như khuyến cáo của Giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc trong việc tìm ra nguyên nhân và xử lý tình trạng này để bước đầu sớm khắc phục cũng như hỗ trợ cho bà con ngư dân. Nhưng đối với ngành du lịch, theo ông các cơ quan chức năng liên quan đến ngành đã có chủ động trong việc hỗ trợ ngành khắc phục khó khăn này hay chưa?

Theo tôi Chính phủ phải khẩn trương vào cuộc và có Ủy ban chuyên trách về vấn đề ô nhiễm. Cần đưa ra các thông tin chính xác, và các hướng xứ lý ngay để không xảy ra và thông báo khẩn cho các hiệp hội du lịch và lữ hành, cũng như truyền thông, tránh hoang mang. Còn hiện nay mọi việc đang quá chậm.

Tôi nhận thấy, đã có Giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch ở những khu vực bị ảnh hưởng đã chủ động cập nhật tin tức tới các đơn vị kinh doanh du lịch nhà hàng khách sạn quanh khu vực bãi biển, khuyến cáo khách của họ việc không đến những khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm nghiêm trọng, không lấy những nguồn thủy hải sản ô nhiễm cho du khách.

Mặc dù vậy có tỉnh thông báo, có tỉnh không, nên khách rất hoang mang. Khách vào vùng Tuy Hòa và Nha Trang còn hoang mang, sợ vẫn bị ảnh hưởng do luồng hải lưu đưa chất độc hại vào. Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch phải có phát ngôn chính thức ngay và luôn để khuyên du khách chuẩn bị mấy ngày lễ sắp tới tới vùng du lịch nào thì an toàn.

Theo ông, vấn đề quan trọng nhất trong việc xử lý những tác động của vụ việc cá chết và nghi vấn xả thải đối với ngành du lịch hiện nay là gì, bởi đã có tình trạng rất nhiều địa điểm du lịch lớn vắng khách, giảm khách vì thông tin trên.

Không phải vắng và không có khách nữa và cũng khuyến cáo là không nên đến khu đó vào lúc này cho đến khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Vấn đề như tôi nói là phải minh bạch thông tin và truyền thông tới mọi người đúng bản chất.

Vụ việc cá chết góng lên hồi chuông báo động về ô nhiễm nguồn du lịch biển ở miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây cũng là vấn đề cần giải quyết đối là xem xét kiểm soát và xử lý nguồn nước thải của các đơn vị kinh doanh du lịch ở các khu vực xung quanh bãi biển.

Phát triển du lịch bền vững, luôn tạo ra nơi đẹp hơn để người dân sinh song và nơi đẹp hơn để khách đến thăm quan và trải nghiệm. Không phải lựa chọn cá hay nhà máy thép.

Về lâu dài, hướng xử lý đối với ngành du lịch biển để đảm bảo phát triển bền vững và tránh những tác động từ những thông tin hiện này là gì, thưa ông?

Các tỉnh thành liên quan cần có ngay một Ban xử lý khủng hoảng, đưa ra thông tinh chính thống, cập nhật tình hình khi có kết luận. Xử lý nghiêm vi phạm và đảm bảo không tái diễn.

Khi đã thực sự an toàn, kết hợp các nhà hàng, hàng không, khách sạn, vận tải… mời các đoàn nhà báo, lữ hành đến, trăm nghe không bằng một thấy.

Cần các ngành nhận thức du lịch là một nghành kinh tế như bao công nghiệp năng và cần cơ chế phát triển, tập trưng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm/trải nghiệm đặc trưng, và xúc tiến.

Phải phát triển bền vững, giữ gìn cảnh quan biển, đảo, sạch sẽ về môi trường cả trên bờ và dưới nước. Không được phát triển quá nóng, phát triển có quy hoạch tránh phá nát cảnh quan.

Các tỉnh ven biển phải hợp tác và phối hợp với nhau. Qua vụ việc tại Hà Tĩnh nhưng nhiều tỉnh phải chịu.

An Ngọc/Theo Trí thức trẻ