clock

Tài Chính

07:03 05-11-2015

Standard Chartered: Nạn nhân đầu tiên của làn sóng điều chỉnh mới

Vụ việc ngân hàng Standard Chartered phải cắt giảm nhân viên và vay thêm tiền là một minh chứng nữa cho quyết định đầu tư sai lầm của nhiều tổ chức sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008.

Hầu hết doanh thu của Standard Chartered đến từ khu vực Châu Á và cũng dễ hiểu khi ngân hàng này quyết định đầu tư vào những thị trường mới nổi như Ấn Độ, qua đó khiến doanh nghiệp này phải gia tăng vay nợ. Mới đây, ngân hàng Standard Chartered đã phải sa thải 15.000 nhân viên và vay nợ thêm 5,1 tỷ USD.

Ngân hàng Standard Chartered là một tổ chức có nhiều kinh nghiệm về đầu tư tại thị trường Châu Á và nhà đầu tư thường sử dụng phân tích của ngân hàng này trong các quyết định kinh doanh.

Hiện tại, dù số doanh nghiệp bị phá sản tại Châu Á vẫn thấp hơn nhiều khu vực đang phát triển khác nhưng tình trạng gia tăng vay nợ ở hàng loạt các quốc gia, từ Ấn Độ cho đến Indonesia đang làm các chuyên gia lo lắng về rủi ro thanh toán tín dụng. Những trường hợp như Standard Chartered đang khiến tăng trưởng cho vay tại Châu Á chậm lại và làm các doanh nghiệp gặp khó trên thị trường tín dụng.

Tại nhiều nước đang phát triển, hàng loạt các công ty đã tận dụng lãi suất thấp ở nước ngoài để vay vốn, nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến các doanh nghiệp này gặp khó trong việc thanh toán khoản vay.

Hãng Fitch Ratings đã cảnh báo khoảng 11% các khoản vay nợ tại Ấn Độ sẽ rơi vào mục “nợ khó đòi” vào cuối năm tài khóa tháng 3/2016. Tại Trung Quốc, tập đoàn thép SinoSteel đã chậm thanh toán lãi vay vào tháng 10/2015 và là công ty mới nhất của nước này có nguy cơ vỡ nợ.

Trên thực tế, không phải tình hình kinh tế giảm tốc tại Châu Á là nguyên nhân duy nhất khiến Standard Chartered lâm vào cảnh khó khăn mà còn do chính quyết định sai lầm của ngân hàng này. Dưới thời Cựu Giám đốc điều hành Peter Sands, ngân hàng Standard Chartered đã nới lỏng các quy định cho vay nhằm mở rộng thị phần ở các thị trường mới nổi.

Trong khi đó, một ngân hàng khác là HSBC cũng có thị trường chủ yếu tại Châu Á nhưng không hề có động thái nới lỏng như vậy, Kết quả là báo cáo lợi nhuận trước thuế quý III của họ đã vượt dự đoán và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Tình trạng khó khăn của Standard Chartered vẫn chưa quá nghiêm trọng và khả năng vỡ nợ hàng loạt tại Châu Á là rất thấp, Hiện Standard & Poor dự đoán hãng khai thác than PT Berau Coal Energy của Indonesia là công ty duy nhất có khả năng vỡ nợ tại Châu Á trong năm nay, thấp hơn rất nhiều so với 7 doanh nghiệp tại Châu Mỹ Latinh và 9 tập đoàn tại Đông Âu và Trung Đông.

Mặc dù vậy, một số tập đoàn như Kaisa Group Holdings hay Winsway Enterprises Holdings, những công ty có tỷ lệ vay nợ lớn bằng ngoại tệ, đã không thể thanh toán các khoản nợ đáo hạn từ đầu năm đến nay. Mới đây, tập đoàn khai thác than Hidili Industry International Development cũng cho biết họ không thể thanh toán khoản nợ kèm lãi suất đáo hạn 190,6 tỷ USD vào ngày 4/11.

Quản lý quỹ Steve Hooker của NewFleet nhận định việc tăng trưởng tín dụng bùng nổ tại Châu Á khiến nhiều chuyên gia lo ngại, đặc biệt là tình hình vay nợ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Hooker cho rằng rủi ro tín dụng là điều tất yếu trong một số ngành đặc thù.

Việc các ngân hàng bị thua lỗ đã khiến thị trường tín dụng bị kiềm chế. Số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy các khoản vay tại thị trường Châu Á ngoài Nhật Bản đã giảm 25% từ đầu năm đến nay xuống 259 tỷ USD.

Hãng Fortress Investment Group đã cảnh báo rằng khả năng suy giảm tín dụng tại các nước đang phát triển có thể thúc đẩy một đợt bán tháo giống như những gì đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng Châu Á năm 1997.

Nhà sáng lập David Tawil của Maglan Capital cho rằng nhà đầu tư đã có sự thay đổi trong quan điểm nắm giữ các cổ phiếu ngành năng lượng và khai thác mỏ cũng như việc chuyển vốn đầu tư khỏi thị trường mới nổi. Theo ông Tawil, đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một làn sóng điều chỉnh mới.

Hoàng Nam/ Trí Thức Trẻ