clock

Doanh Nghiệp

14:42 01-02-2016

Sức hút mới từ các Khu Công nghiệp sinh thái

Yêu cầu về phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường đã kéo theo xu hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái.

Đầu tháng 12.1015 Công ty Amata Việt Nam PLC thuộc Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, nhằm huy động vốn cho các dự án khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam. Theo đó, Amata Việt Nam sẽ xây dựng một khu đô thị-công nghiệp trên một diện tích rộng 1.285 ha tại Long Thành, Đồng Nai. Dự án này sẽ bao gồm 3 khu chức năng, trong đó khu thứ nhất là khu công nghệ cao, hai khu còn lại là khu dịch vụ và đô thị.

Trong kế hoạch của mình, Tập đoàn Amata còn muốn xây dựng một dự án khu phức hợp đô thị và công nghiệp nữa tại Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD. Có một điểm chung giữa hai dự án mới mà Amata đang có kế hoạch phát triển tại Việt Nam, đó là cả hai đều hướng đến một mô hình KCN xanh, có nghĩa là vừa là nơi sản xuất và cũng là nơi sinh sống của người dân.

Bà Somhatai Panichewa, Giám đốc điều hành Amata Việt Nam, trong một cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết rằng Amata đang theo đuổi phát triển mô hình KCN sinh thái, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam và cũng là xu thế chung của cả thế giới. Thậm chí, khi đề xuất phát triển dự án tại Quảng Ninh, Amata còn đề nghị chính quyền địa phương di dời hai cảng than và cũng yêu cầu nhà máy nhiệt điện Uông Bí nâng cấp công nghệ để đảm bảo dự án của Amata không bị ô nhiễm.

Thực tế, không chỉ Amata đang là nhà đầu tư duy nhất hướng đến mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam. Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và Rent-A-Port (Bỉ) đều có những kế hoạch mở rộng các khu công nghiệp tại Việt Nam theo mô hình này. Rent-A-Port, chủ đầu tư KCN Đình Vũ, mới đây đã nhận thêm được giấy phép đầu tư xây dựng thêm hai KCN tại Hải Phòng và Quảng Ninh.

Công ty VSIP-nhà phát triển KCN và đô thị lớn nhất tại Việt Nam, hiện cũng đã đầu tư vào 7 dự án KCN trên khắp cả nước. Có thể, dự án thứ 8 cũng sẽ sớm được xây dựng tại Bình Định. Cũng giống như Amata, tất cả các KCN mà VSIP đang xây dựng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đều là những KCN sinh thái.

Khi mới thành lập năm 1994, VSIP cũng chỉ đơn thuần xây dựng một KCN tại Bình Dương, với diện tích khoảng 500 ha mà không bao gồm đất cho khu đô thị và dịch vụ. Sự chuyển hướng chỉ bắt đầu khoảng 10 năm về trước, khi tốc độ đô thị hóa tăng cao, tình trạng tắc đường và chi phí trong thành phố cũng tăng theo.

Ông Kelvin Teo, Tổng Giám đốc điều hành của Sembcorp Development và cũng là đồng Chủ tịch của VSIP, chia sẻ rằng Ban lãnh đạo của VSIP đã nhận thấy các KCN kết hợp với đô thị tại các tỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu sống, làm việc và nghỉ ngơi của người lao động cũng như gia đình họ tại cùng một điểm. Như vậy, khả năng thu hút đầu tư từ các công ty sản xuất cũng như công ty cung cấp dịch vụ cũng tốt hơn.

Bằng chứng là cho đến nay, VSIP đã thu hút được khoảng 500 nhà đầu tư, với tổng số vốn đầu tư hơn 6,4 tỷ đô la. Các khu công nghiệp của VSIP cũng là nơi làm việc của hơn 140.000 người lao động.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2015 cả nước đã có 304 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 85.000 ha. Các KCN này đã thu hút hơn 60% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và một lượng lớn dòng vốn trong nước. Mặc dù vậy, hầu hết các dự án đều phát triển theo mô hình truyền thống, đặc biệt là các KCN được phát triển bởi các công ty trong nước. Thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các KCN, thiếu dịch vụ thiết yếu về nhà ở và các dịch vụ khác đang là cản trở lớn trong thu hút đầu tư của các công ty phát triển KCN nói chung.

“Việc chuyển đổi các KCN thông thường sang khu công nghiệp sinh thái là hướng phát triển mới nhằm gắn kết phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng xung quanh khu công nghiệp,” Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định trong bản báo cáo gửi Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển các KCN gần đây.

Cần phải nói rằng, mô hình KCN sinh thái không phải là mới mẻ gì tại các nước phát triển cũng như một số nước trong khu vực như Thái Lan. Nhưng do quá trình phát triển nóng vội trong một thời gian dài, hầu hết các chủ đầu tư đã không chú ý đến mô hình này.

Tuy vậy, theo ý kiến của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều công ty phát triển KCN đã dần nhận thức được và đang hướng tới mô hình KCN sinh thái.

Theo ông Đông, các KCN sinh thái sẽ dễ thu hút đầu tư hơn, bởi lẽ các công ty nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng thường mang theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường mà họ áp dụng ở bên ngoài vào. Do đó, những khu đô thị thân thiện với môi trường sẽ được lựa chọn nhiều hơn.

 

Theo Anh Linh