clock

Doanh Nghiệp

10:16 20-09-2017

Tại sao Kido vượt trội ở ngành kem, bỏ xa các đại gia Unilever, Vinamilk và cả các thương hiệu nổi tiếng Tràng Tiền, Thủy Tạ?

Theo số liệu mới được Euromonitor công bố, kem Kido tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu trong ngành với thị phần lên tới 40,2%, bỏ xa các đối thủ đứng sau như Vinamilk 9,1%, Unilever 8,4% hay kem Fanny, kem Tràng Tiền lần lượt là 4,8% và 4,5%. Vậy, tại sao các đối thủ của Kido lại bị Kido bỏ xa đến vậy?

Unilever: Từng thất bại, bán nhà máy cho chính Kido và đang phải gây dựng lại từ đầu

Unilever gia nhập thị trường kem Việt Nam vào năm 1997 và đã đầu tư 22 triệu USD để thành lập nhà máy Wall's tại TP. HCM – nhà máy sản xuất kem lớn nhất tại Việt Nam vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, Unilever gặp thất bại về mặt tăng trưởng do kem chưa phù hợp với túi tiền của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam ở thời điểm đó nên đến năm 2003, Wall's quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam và bán nhà máy lại cho Kido.

Trong năm 2008, ngay sau khi thời hạn thỏa thuận không cạnh tranh với Kido kết thúc, Wall's của Unilever lập tức trở lại Việt Nam nhưng lần này với sản phẩm nhâp khẩu từ Thái Lan chứ không sản xuất kem tại Việt Nam như trước.

Do cần bảo quản lạnh, vận chuyển kem từ Thái Lan có thể có chi phí khá cao. Do vậy, Wall's rất thận trong trong việc lựa chọn các loại sản phẩm lưu kho nên chỉ mang khoảng 20 loại kem đến Việt Nam.

Điều này, cùng với thực tế không có cơ sở sản xuất nào trong nước làm giảm tốc độ phản ứng cho vấn đề hết hàng tồn kho, khiến Wall's gặp bất lợi so với Kido trong việc đàm phán với các điểm bán lẻ, đặc biệt là tại các cửa hàng thương mại truyền thống.

Do vậy, Unilever hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng lại cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm tăng tính cạnh tranh của Wall's. Trong tương lai, việc tái thành lập cơ sở sản xuất ở Việt Nam sẽ giúp Wall's cải thiện được các điểm yếu của mình và nâng cao thị phần.

Vinamilk: Chê thị trường bé, không tập trung nguồn lực cho ngành kem

Quy mô thị trường kem còn nhỏ nên chưa khiến Vinamilk để mắt tới. Đây là điều đã được bà Mai Kiều Liên chia sẻ tại Đại hội cổ đông năm 2017 của Vinamilk.

Hiện nay, tổng quy mô của cả thị trường kem ở Việt Nam chỉ đạt dưới 6% tổng doanh thu của Vinamilk năm 2016, một con số khá nhỏ bé.

Mặc dù vậy, Vinamilk vẫn đang có chỗ đứng nhất định khi chiếm lĩnh 10% thị phần trong mảng kem, nhờ lợi thế thương hiệu. Nếu quy mô thị trường kem tăng lên, khiến khi Vinamilk thèm muốn và đẩy mạnh mảng kem, các công ty trong ngành như Kido sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Công ty chứng khoán Bản Việt cho biết, hiện nay, tính đa dạng sản phẩm của Vinamilk vẫn còn hạn chế.

Danh mục sản phẩm kem của Vinamilk bao gồm 50 loại sản phẩm (so với khoảng 20 của Wall's và 200 của Kido) với 4 thương hiệu: Kem hũ Vinamilk (để sử dụng tại nhà), Delight, Nhóc Kem (kem đá), và Twin Cows.

Vinamilk và Nhóc Kem cạnh tranh trong phân khúc giá rẻ với các hương vị cơ bản trong khi Twin Cows, được triển khai năm 2015, là thử thách đầu tiên của VNM thâm nhập vào phân khúc cao cấp.

 

Hệ thống phân phối của Vinamilk chủ yếu được thiết kế cho các sản phẩm sữa thay vì kem. Dù công ty sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp và chất lượng nhất ở Việt Nam, sản phẩm sữa của VNM chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ thông thường hoặc vận chuyển và kho chứa ở nhiệt độ mát. Điều này rất khác so với với kem, phải bảo quản ở nhiệt độ lạnh.

Các chuỗi cửa hàng kem: Thiên về trải nghiệm

Không giống kem bán lẻ, thường là sản phẩm mua dùng ngay, người tiêu dùng thường đến các cửa hàng bán kem để trải nghiệm. Các cửa hàng này cung cấp chỗ ngồi cho các buổi tụ họp gia đình và bạn bè, hẹn hò hoặc thậm chí gặp gỡ đối tác kinh doanh. Kem từ các chuỗi cửa hàng này thường có có giá cao hơn gấp vài lần so với kem bán lẻ.

Do đó, đây là một phân khúc riêng biệt và không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các công ty tập trung bán lẻ như Kido.

theo Trí Thức Trẻ