clock

Doanh Nghiệp

06:17 11-01-2018

Tăng chiết khấu quá cao, Grab bị tài xế đình công phản đối

Việc tăng chiết khấu lần thứ 2 trong vòng 6 tháng, chạm mốc 23,6% khiến hãng công nghệ đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ đội lái xe. Hàng trăm tài xế đình công cả ở Hà Nội và TP HCM, tìm tới trụ sở để đối chất.

Kể từ ngày 1/1, Grab chính thức áp dụng mức chiết khấu mới đối với tài xế GrabBike. Theo đó, mức chiết khấu được tính thêm thuế thu nhập, phí của các đối tác. Cụ thể, mức phí mà hãng áp dụng được công bố là vẫn tương đương với tỷ lệ từ ngày 5/9 là 20%, nhưng phần thu hộ thuế lên tới 4,5% trên phần 80% cước còn lại mà tài xế được nhận, tương đương 3,6%. Tổng hai mức này là 23,6%.

Phía Grab cho biết, chính sách chiết khấu thay đổi là do kể từ năm 2018 hãng sẽ không dùng ngân sách riêng đề hỗ trợ đối tác và Grab chỉ thu hộ thuế, sau đó hoàn trả cho Nhà nước.

Sau 10 ngày chịu mức chiết khấu mới, tài xế GrabBike mới kêu gọi đình công, tắt ứng dụng tập thể. Sáng nay, tại TP HCM, có tới hàng trăm tài xế tới tận trụ sở của Grab để phản đối. Phía Hà Nội, lời kêu gọi tắt ứng dụng thậm chí còn lên mức cực đoan khi nhiều tin nhắn để lại trên cộng động Grab ở Hà Nội còn cho biết sẽ đặt cuộc gọi xe ảo đối với những người không tham gia chiến dịch đình công này.

Theo nhóm tài xế GrabBike, khác hẳn với thời gian đầu khi mới triển khai, Grab ngày càng bóp nghẹt đường sống của họ khi điều chỉnh phí và giảm giá cước. Nếu những tài xế tham gia trong năm đầu tiên có thể sống được với mức thu nhập trung bình 300.000 - 500.000 đồng mỗi ngày thì giờ con số về thu nhập đã giảm tới một nửa.

"GrabBike tuyển dụng liên tục, giảm giá, áp dụng chiết khấu mạnh cho khách hàng nhưng lại không quan tâm tới những đối tác của họ là cánh lái xe. Các chi phí để tham gia Grab từ cố định như đồng phục, duy trì app, rồi chi phí theo ngày như phí sử dụng ứng dụng, giờ lại đến thuế thu nhập. Trong khi đó, các chi phí sửa xe, 3G, xăng xe chúng tôi đã chịu cả.

Không còn hỗ trợ như trước đây, lượng khách giảm, cạnh tranh trong Grab tăng mà cả với các đối thủ khác cũng ngày càng nhiều, tài xế không biết lấy gì để sống. Không có một kiểu đối tác nào lại phải chịu nhiều thiệt thòi như thế trong một mối quan hệ được gọi là hợp tác", anh Tuấn Tài, một đối tác của GrabBike chia sẻ.

Trong khi đó, phía Grab việc kê khai, việc thu hộ và nộp thuế chỉ áp dụng với các đối tác của hãng trong dịch vụ GrabBike và GrabExpress có doanh thu trung bình tháng là 8,3 triệu đồng, tức 100 triệu đồng một năm. Các khoản phí hỗ trợ dành cho đối tác căn cứ theo thành tích số chuyến xe hoặc doanh thu, sẽ khấu trừ 1%.Với các khoản phí hỗ trợ khác từ Grab không mang tính chất doanh thu, bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10%. Grab chỉ làm đúng quy định pháp luật, hãng cho hay.

 

theo Nhịp sống kinh tế