clock

CEO Việt

06:22 07-01-2017

TGĐ An Tín Travel Group: “Thương trường là kho báu”

Buổi trò chuyện với TS Nguyễn Đức Thọ đúng lúc năm 2017 vừa bắt đầu những tờ lịch đầu tiên. Trong niềm vui của một “thuyền trưởng” vừa hoàn thành trọng trách đưa “con thuyền” An Tín Travel vượt qua những chặng đường đầy thử thách, ông lạc quan chia sẻ những kế hoạch trong năm 2017 và tâm thế sẵn sàng bước vào chặng đường mới.

TS Nguyễn Đức Thọ bộc bạch: “Theo dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2017, đây sẽ là tín hiệu vui cho nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là các DN du lịch khi kế hoạch đón 10 triệu lượt khách trong năm 2017 vừa được lãnh đạo ngành đưa ra. Đặc biệt, hàng loạt khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng đã được xây dựng sẽ giúp tăng thêm điểm đến. Vui hơn nữa, Quốc hội đang chuẩn bị thông qua Luật Du lịch sửa đổi , du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Với những tin vui này, tôi tin, 2017 sẽ là năm mở ra nhiều vận may và cơ hội cho các DN” .

* Từng là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á, cố vấn đầu tư Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình, cố vấn chiến lược trường ĐH Nguyễn Tất Thành…, vì sao ông lại “lấn sân” vào mảng du lịch và An Tín Travel lại ra đời vào thời điểm thị trường du lịch đã quá “chật chội” và đầy cạnh tranh, đây cũng không phải ngành “dễ làm” như 5-10 năm trước?

- Tôi làm du lịch vì có nhiều mong muốn. Song, đằng sau bài toán kinh doanh du lịch còn là trách nhiệm của người làm doanh nhân, của một người con đối với đất nước.

Sau nhiều năm chiến tranh, giờ là lúc Việt Nam phải kiến quốc và vươn ra thế giới, nhiệm vụ của chúng ta là phải xây dựng một đất nước Việt Nam hùng mạnh. Muốn vậy, phải quảng bá những hình ảnh đẹp về dân tộc, đất nước Việt Nam và du lịch chính là nhịp cầu. Ngoài ra, du lịch cũng đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế. Ước tính ngành du lịch đã đóng góp vào 10% GDP và hơn 10% việc làm trên toàn cầu.

Cũng thông qua du lịch, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ được kết nối với nhau, nhiều “màu cờ sắc áo” được tập hợp để cùng nhau kiến quốc, trong đó, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, xây dựng chính sách, cơ chế, còn DN tạo ra sản phẩm, xây dựng thương hiệu quốc gia, tạo sức mạnh cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu.

* Những năm qua, nhiều thương hiệu Việt Nam có chút tên tuổi lại rơi vào làn sóng M&A, ông thấy thế nào về vấn đề này?

- Ở Mỹ, cứ 1.000 dân thì có 100 doanh nhân, Trung Quốc thì 300, còn Việt Nam thì chỉ có 6 doanh nhân. Con số này còn quá nhỏ, đã vậy, năng lực tài chính, xuất phát điểm của chúng ta còn thấp, khi gặp “cơn bão” khủng hoảng tài chính, thị trường nhiều áp lực cạnh tranh, nhiều DN không đủ sức lớn và chống đỡ nên phải chọn cách M&A để thoát khó. Có thể đó cũng là chiến lược ngắn hạn của một số công ty.

Tuy nhiên, nếu chúng ta bớt đi rào cản không đáng có, nhất là có đủ tinh thần chiến đấu kiên trì và quyết liệt thì các DN Việt Nam cũng vẫn có thể đạt được tham vọng. Ở các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, khởi đầu các DN cũng gặp khó khăn, họ cũng phải vay mượn vốn liếng, không ít lần “lên bờ xuống ruộng”, nếm trải thất bại và trải qua nhiều phép thử để đi đến mục tiêu, nhưng họ vẫn thành công vì trong mỗi doanh nhân, sự khát vọng, máu lửa và tinh thần “chiến đấu” của họ rất kiên trì.

* Có một số lý giải cho rằng, do Việt Nam nhiều rào cản, khó khăn?

- Nhiều người sau khi thất bại thường hay “đổ lỗi” cho khó khăn nhưng so với các nước, cơ hội làm ăn tại Việt Nam rộng mở và “dễ thở” hơn rất nhiều, mức độ cạnh tranh cũng không quá khốc liệt, các điều kiện để DN cung cấp sản phẩm cho xã hội cũng chưa đến nỗi khắt khe. Song, điểm yếu của DN Việt Nam, nhất là các DN trẻ là hay nóng vội, thiếu sự kiên trì, trong làm ăn thì thiếu tinh thần kết nối, liên kết, sự hỗ trợ nhau cũng chưa thật cởi mở, chặt chẽ.

* Ông vừa đưa ra con số DN Việt Nam còn quá ít. Vậy theo ông, làm thế nào để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp?

- Theo tôi, xây dựng DN là yêu nước nên tinh thần khởi nghiệp kiến quốc rất nên khuyến khích. Chúng ta cần có nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, phải đưa được tinh thần khởi nghiệp đến với các bạn trẻ. Và tinh thần khởi nghiệp ở đây không đơn thuần là chuyện kinh doanh, kiếm lợi nhuận, mà là ý thức, sự “dấn thân” của tuổi trẻ, cống hiến phục vụ cho đất nước. Song hiện nay, số lượng cán bộ công chức tính trên đầu dân của Việt Nam quá đông. Theo các nhà phân tích từng đưa ra so sánh, tổng dân số Mỹ gần 350 triệu, Việt Nam gần 90 triệu dân.

Về dân số Việt Nam gần bằng ¼ Mỹ, xét về địa lý thì Việt Nam bằng 1/10 Mỹ. Thế nhưng Mỹ có 2,1 triệu công chức, còn Việt Nam 2,8 triệu công chức. Nếu theo tỉ lệ công chức trên đầu dân của Mỹ, thì Việt Nam chỉ cần 500.000 công chức. Việt Nam có khoảng 7,5 triệu người chiếm 8,3% dân số hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước “hụt hơi” là do chi thường xuyên tăng với tốc độ “chóng mặt”. Vì vậy, chúng ta phải tái cấu trúc lại lực lượng sản xuất , kinh doanh, làm thế nào để lực lượng này phải chiếm 80% dân số thì đất nước mới phát triển được.

* Ông vừa nói: Xây dựng DN là yêu nước…

- DN là hạt nhân tạo ra vật chất cho xã hội, một đất nước mạnh phải có nền kinh tế mạnh, muốn kinh tế mạnh thì phải có đội ngũ doanh nhân, DN mạnh. Vậy nên, xây dựng DN là góp phần kiến thiết đất nước, tạo ra sản phẩm cho xã hội, giải quyết công ăn việc làm, đóng thuế cho Nhà nước. Nếu một đất nước mà mọi người đều có tinh thần khởi nghiệp, tạo ra một quốc gia khởi nghiệp thì đất nước sẽ mạnh, sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

* Gần đây, nhiều chương trình cũng đề cao tinh thần khởi nghiệp nhưng vẫn chưa tạo hiệu ứng mạnh. Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm để thành công?

- Hai quốc gia có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ nhất trên thế giới là Israel và Singgapore. Ở Israel, họ đã đúc kết ba nguyên nhân dẫn đến khởi nghiệp thành công, đó là: Chính sách của chính phủ; sự năng động của công dân và sự đóng góp của môi trường quân đội. Trong đó, yếu tố đóng góp sâu sắc, căn cơ nhất cho tinh thần khởi nghiệp của Israel chính là nền giáo dục, là quá trình tạo dựng “gene cơ bản” cho tinh thần khởi nghiệp trong mỗi công dân. Người Israel cho rằng, ý chí khởi nghiệp, sáng tạo hình thành ngay từ giai đoạn sơ sinh. Trẻ con được khuyến khích sống với thiên nhiên, phát triển tính tò mò, tìm hiểu mọi thứ trong thiên nhiên và cuộc sống.

Ở Singapore, tinh thần khởi nghiệp cũng được khơi dậy mạnh mẽ nhờ các chính sách ủng hộ của chính phủ. Nhà trường ở Singapore giảng dạy tinh thần khởi nghiệp và các đại học thúc đẩy gắn kết việc đào tạo kinh doanh với giới doanh nghiệp.

* Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Việt Nam chưa mạnh lại quá cạnh tranh, cơ chế cho hoạt động du lịch còn bị bó buộc và lệ thuộc vào nhiều ngành khác nhau nên khó… “cất cánh”, ông có cùng quan điểm này không?

- Du lịch Việt Nam còn rất nhiều hạn chế và rào cản. Vì vậy, trong mắt nhiều du khách nước ngoài, Việt Nam vẫn chưa phải là thiên đường du lịch và là điểm đến hấp dẫn. Hàng loạt hạn chế như: cơ sở hạ tầng, phương tiện đi lại, điểm đến, an toàn thực phẩm, vệ sinh, ô nhiễm môi trường, cướp giật…là điểm “trừ” khiến chúng ta mất đi lợi thế và hình ảnh đẹp so với nhiều nước xung quanh trong khu vực.

Thậm chí, ngay cả sản phẩm du lịch thì Việt Nam cũng còn nghèo nàn, chưa có sự đầu tư tổng thể, những lợi thế cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng thì đang khai thác vô tội vạ, thiếu quy hoạch, tôn tạo, thiếu sự trùng tu, gìn giữ nên ngày càng xuống cấp. Dù thế mạnh của mỗi địa phương đều có nét đặc thù, văn hóa riêng nhưng để làm bật lên nét riêng đó thì chưa nơi nào đầu tư tới. Du khách đi đâu cũng thấy những sản phẩm na ná nhau, thiếu hẳn điểm đến độc đáo.

Nếu so sánh tỷ trọng khách nước ngoài đến Việt Nam thì con số đạt được còn rất thấp. Đơn cử năm 2015, Việt Nam chỉ đón được 8,6 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu chỉ đạt 12 tỷ đô la Mỹ, trong khi đó Singapore đón 15 triệu khách, đạt 22 tỷ đô la Mỹ và Thái Lan đón 27 triệu lượt khách, đạt doanh thu 67 tỷ đô la Mỹ.

Song, nhìn ra hạn chế không phải để bi quan, đổ lỗi mà để mỗi DN phải biết tìm ra sức mạnh riêng, kết hợp với sức mạnh chung để cùng nhau tạo ra cơ hội. Theo tôi, chính sách, cơ chế chỉ là kiến trúc thượng tầng, là động lực giúp DN đi nhanh hơn, còn mỗi DN phải tự tìm hướng đi riêng, tự “đào giếng” để tìm mạch nước ngầm. Nhiều người hay nói: “Thương trường là chiến trường”. Tôi quan niệm: “Thương trường chính là kho báu”. Bởi nếu nghĩ, “thương trường là chiến trường” thì phải triệt hại nhau, ai cũng đua nhau cạnh tranh theo chiều hướng xấu thì DN sẽ không lớn được, thậm chí phá sản. Còn nếu nghĩ “thương trường là kho báu” thì DN nào cũng tích cực, cùng nhau liên kết để tạo sức mạnh khai thác. Hiện nay, các DN làm du lịch còn hoạt động rất rời rạc, chưa liên kết. Đó là điểm yếu vì khi hội nhập, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.

* Vậy ông đã tìm được “mạch nước ngầm” nào được xem là lợi thế riêng của An Tín?

- Rất nhiều người hỏi tôi: “Làm thế nào An Tín Travel đạt được tham vọng vươn lên thành một thương hiệu có uy tín không chỉ trong nước mà cả nước ngoài trong một thị trường du lịch cạnh tranh như hiện nay?”. Câu hỏi này không khác câu hỏi: “Trên thị trường đã có Coca Cola , làm sao Pepsi vẫn tồn tại và phát triển?”. Vấn đề là chúng ta phải biết chọn lối đi riêng , tìm ra “mạch nước ngầm” .

Và “mạch nước ngầm” cũng là điểm khác của An Tín Travel, chính là đội ngũ nhân lực chất lượng cao được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, có tinh thần phục vụ khách hàng ân cần, tận tụy, chu đáo. An Tín hướng đến, đó là du lịch nhân dân, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao, khám phá,mạo hiểm, teambuilding. Trước đây nhiều người cho rằng du lịch là xa xỉ, chỉ khi dư dả mới dám nghĩ đến thì nay, An Tín đang mang đến cho mọi người những sản phẩm du lịch mà ai cũng có thể đi, phù hợp với từng ngành, từng đối tượng như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giáo dục, du lịch y tế, hoang dã, nông thôn, du lịch gia đình, ẩm thực… theo mô hình “ đi du lịch trước, trả tiền sau”.

Ngoài ra, trong rất nhiều sản phẩm du lịch mà An Tín đã nghiên cứu, xây dựng thì du lịch thưởng ngoạn hoa cũng là sản phẩm khác biệt của chúng tôi. Ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu…,họ có những tour du lịch xem hoa, ngắm hoa theo mùa rất đẹp, trong khi Việt Nam cũng có nhiều loại hoa đẹp mà thế giới không có như: mùa hoa tam giác mạch trên cao nguyên Hà Giang, hoa ban trắng núi rừng Tây Bắc, hoa sữa Hà Nội, hoa cải trắng ở Mộc Châu, hoa hướng dương ở Nghệ An, hoa dã quỳ Đà Lạt….. Tuy nhiên, ở các nước khi họ xây dựng các tour du lịch này thì có sự đầu tư, kết hợp chặt chẽ với các điểm đến, có sự hợp tác chung tay của nông dân, DN và Chính phủ. Còn ở Việt Nam thì DN làm du lịch còn bị động, chưa có sự liên kết, chưakiểm soát được sản phẩm du lịch. Ví dụ, ở làng hoa Sa Đéc thì cần sự đầu tư hạ tầng để tạo ra được làng hoa ấn tượng, thu hút.

* Phải chăng đây cũng là lợi thế của người đi sau, tìm khoảng trống của người đi trước?

- Lợi thế của An Tín là được kế thừa thành công các DN đi trước và thấy được những điểm thiếu của các DN “đàn anh”.Tôi luôn đặt câu hỏi: “Điểm yếu của các DN khác là gì?” để từ đó tìm ra nguyên nhân, lấp khoảng trống đó.

Ngoài ra, điểm khác của An Tín là phần mềm quản trị điều hành du lịch (Core Travel) đã được đầu tư hơn chục tỷ đồng. Không ít người cho rằng : Quản lý du lịch khá đơn giản, đầu tư công nghệ cho ngành này là lãng phí, nhưng từng làm ngân hàng, tôi hiểu tầm quan trọng của công nghệ trong quản lý. Chỉ có công nghệ quản lý hiện đại, mới nâng tầm được sự chuyên nghiệp cũng như chất lượng dịch vụ, mang lại nhiều giá trị cho khách hàng.

Cụ thể, với phần mềm quản lý, mọi dữ liệu thông tin được lưu giữ, các sản phẩm du lịch như điểm đến, nhà hàng, xe cộ, khách sạn…đều được video hóa giúp khách hàng có thể xem, trải nghiệm và hình dung ra toàn bộ chuyến đi thực tế trên điện thoại trước khi đăng ký mua sản phẩm. Đây là điểm mới, rất ít DN lữ hành ứng dụng nên khi khách hàng tiếp cận, họ tỏ ra rất hài lòng, thích thú.

* Có người nói kinh doanh du lịch lữ hành: không dễ; có người lại nói: cực khó, theo ông thì sao?

- Khi làm điều gì, tôi cũng xác định khó khăn luôn ở phía trước để thử thách,rèn luyện chứ không để chùn bước. Tôi luôn lạc quan với công việc mình làm và tràn đầy năng lượng. Đặc biệt, với tâm thế một người đến sau, tôi càng phải làm việc gấp ba, bốn lần, phải có động cơ và tốc độ làm việc cao hơn người khác mới có thể đi đến đích nhanh và vượt qua đội bạn.

* Để du lịch mở rộng cửa hơn, nhiều ý kiến cho rằng phải thay đổi tư duy và chính sách quản lý điều hành, còn quan điểm của ông thì thế nào ?

- Nhà nước nên nới lỏng thủ tục visa và thực hiện visa điện tử. Bên cạnh đó, chúng ta phải tư duy lại điều hành du lịch, phải đặt du lịch trong tầm nhìn trở thành Trung tâm du lịch thế giới, phải tạo ra một ngành du lịch mở , tạo được sự thoải mái, lưu thông giữa các ngành, từ đó thể chế hóa vào luật, quy hoạch du lịch cụ thể, hoạch định chiến lược cho du lịch phát triển từ kiến trúc thượng tầng đến hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các chính sách quản lý , không để xảy ra tình trạng kẹt xe, ăn xin, giá cả tăng, ô nhiễm và nên hành động ngay phong trào “Nụ cười Việt Nam”. Đặc biệt, nên xem du khách là đối tượng kiến tạo ra du lịch, mang lại lợi nhuận cho Việt Nam chứ không phải là đối tượng ….bị quản lý.

* Từng làm diễn giả, chia sẻ kinh nghiệm trong các buổi tọa đàm về quản trị DN , vậy nguyên tắc quản trị của ông ?

- Một DN cần phải có ba trụ cột chính mới tồn tại và phát triển bền vững, đó là: Chiến lược kinh doanh –hệ thống quản lý (quy trình, quy chế)- văn hóa DN (Niềm tin, sức mạnh, tầm nhìn). Trong đó, văn hóa DN là yếu tố quan trọng nhất. Tại An Tín, chúng tôi có một cuốn binh pháp, triết lý và văn hóa An Tín. Đây là cuốn sách do tôi chấp bút, được xem là cuốn giáo trình để tất cả nhân viên phải thấm nhuần, cùng chung một ý chí, cùng chung một triết lý trước khi bước vào “trận đấu” chung.

Trong quản trị, nghệ thuật của người lãnh đạo là phải biết tổ chức và giao việc. Phải biết phát hiện ra năng lực nhân viên và cho họ phát huy. Bên cạnh đó là phải biết thay đổi liên tục. Triết lý này được tôi rút ra từ câu nói rất tâm đắc của vị Chủ tịch Tập đoàn Samsung, ông Lee Kun Hee : “Nếu bạn thấy năng suất chưa cao thì phải thay đổi liên tục. Trong công việc, hãy thay đổi tất cả. Trừ vợ và con”. Còn ông Lý Quang Diệu thì nói rằng: “Tôi không làm tù nhân cho bất cứ lý thuyết nào”.

* Ông tự hào có hai đức tính tốt nhất, đó là tính kỷ luật và kiên trì…

- Đó là những đức tính tôi học được từ cha tôi. Được trưởng thành và rèn luyện trong quân đội, cha tôi đã áp dụng những bài học “kỷ luật” trong quân đội để rèn giũa tôi từ nhỏ, và tôi cũng học được từ cha tinh thần của một “chiến binh”, không khuất phục và chùn bước trước khó khăn, đã “xung trận” thì phải quyết chiến, quyết thắng, đi đến tận cùng lý tưởng, hoài bão và con đường mình đã chọn.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện với những chia sẻ rất thú vị.

 

P.V