clock

CEO Việt

05:33 03-08-2016

TGĐ Nestlé VN: Giữ gìn niềm say mê nông nghiệp

Hai mươi bốn năm làm việc cho Nestlé ở nhiều thị trường khác nhau nhưng với Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, ông Ganesan Ampalavanar, Việt Nam là nơi làm việc thú vị nhất vì nơi đây có nhiều thách thức và công việc phải làm. Trong đó, cải thiện năng suất cho cây cà phê và nâng cao thu nhập cho nông dân là hai việc ông đặt nhiều tâm huyết và cũng nhận được từ đó nhiều niềm vui.

Trở về từ Diễn đàn Phát triển châu Á tại Malaysia diễn ra gần đây, ông Ampalavanar cho biết: "Tôi rất vui khi được chia sẻ tại Diễn đàn những kinh nghiệm và con số ấn tượng mà dự án hợp tác công tư (PPP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nestlé Việt Nam đồng chủ trì đạt được trong 5 năm qua. Cụ thể là năng suất cà phê tăng 17%, thu nhập của nông dân tăng 14% và giảm 55% khí thải nhà kính trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh dự án PPP, Nestlé còn có dự án NESCAFÉ với 50 chuyên gia nông nghiệp, thực hiện hơn 20.000 buổi tập huấn cho nông dân về cách canh tác, cung cấp 17.000 hạt giống cây cà phê kháng bệnh tốt, giúp nông dân Tây nguyên đạt được chứng chỉ cà phê quốc tế. Song, điều đáng nói là chúng tôi hỗ trợ nông dân nhưng không ràng buộc họ phải ký hợp đồng thu mua với chúng tôi".

TRĂN TRỞ VỚI NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN

* Được biết, mục tiêu của Diễn đàn Phát triển châu Á là thảo luận về vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững, thưa ông, vì sao vấn đề này lại trở nên quan trọng, nhất là tại Việt Nam?

- Tại một số nước châu Á, nông nghiệp vẫn đóng vai trò là một ngành kinh tế trọng yếu, đặc biệt là các nước có truyền thống nông nghiệp lâu đời như Việt Nam hay Myanmar. Việt Nam có hơn 40 triệu người ở độ tuổi lao động, với một đất nước có nền nông nghiệp nhiều lợi thế như Việt Nam, nếu có định hướng phát triển bền vững, Việt Nam có thể dễ dàng tận dụng nguồn nhân lực dồi dào này để mang lại lợi nhuận cao cho nền kinh tế.

Vì vậy, thử thách đặt ra ngay lúc này là phải tìm ra giải pháp để nông nghiệp phát triển, giúp nông dân tối ưu sản lượng và chất lượng sản phẩm. Ngay bây giờ, nếu không giúp đỡ nông dân cũng như không bảo vệ môi trường, sự say mê trong nông nghiệp sẽ dần mai một, họ sẽ không còn hứng thú với lĩnh vực này nữa, như vậy sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế về sau.

* Ông vừa nói đến lợi thế của nông nghiệp Việt Nam, nhưng chắc hẳn cũng có không ít bất cập?

- Nền nông nghiệp Việt Nam đang có những thành tựu nổi bật, đứng thứ 2 trên toàn thế giới về xuất khẩu gạo và cà phê. Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn mang giá trị chưa cao do đa phần chỉ là xuất khẩu thô, nhất là cà phê và gạo, bởi Việt Nam chưa có những thương hiệu gạo và cà phê mạnh trên thị trường.

Để thu được giá trị cao cho ngành cà phê Việt Nam, việc xây dựng thương hiệu và marketing cho thương hiệu quốc gia là rất quan trọng. Thương hiệu quốc gia mạnh sẽ giúp nâng cao giá trị, thu được lợi nhuận cao hơn cho các sản phẩm. Nhưng trước đó, chúng ta phải tạo dựng được môi trường bền vững về nhiều mặt, từ kinh tế, xã hội cho tới năng suất, chất lượng và thu nhập của người nông dân.

Hiện nay, Nestlé thu mua 20 - 25% lượng cà phê của Việt Nam. Bên cạnh việc thu mua, chúng tôi còn đầu tư cho nhà máy chế biến cà phê lớn nhất Đông Nam Á tại Đồng Nai. Ngoài cà phê hòa tan, chúng tôi còn sản xuất hạt cà phê tách caffeine và cà phê phin để xuất khẩu nhằm tăng giá trị cho thương hiệu cà phê Việt Nam.

Một bất cập khác là tại Việt Nam, khu vực thành thị chỉ chiếm 1/3 dân số nhưng lại góp tới 2/3 tổng GDP cả nước, trong khi nông thôn thì ngược lại. Vậy nên, để đảm bảo sự phát triển bền vững và cân bằng giữa hai khu vực, trong đó thành thị sẽ tập trung vào công nghiệp hóa còn nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh nền nông nghiệp. Việt Nam cần tập trung nhiều hơn nữa các yếu tố cần và đủ để nông nghiệp phát huy thế mạnh, trong đó việc tăng năng suất cần phải được ưu tiên.

* Nhưng liệu việc gia tăng năng suất có làm giảm chất lượng đầu ra?

- Chúng tôi không quan niệm hy sinh chất lượng để tăng năng suất. Gia tăng năng suất phải nằm trong chất lượng quy định. Đơn cử, trong dự án PPP, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với 4.500 hộ nông dân khu vực Tây nguyên và phát triển vườn mô hình cà phê mẫu hiệu quả.

Trong mô hình này, chúng tôi chia ra hai khu vực: canh tác theo phương pháp truyền thống và phương pháp canh tác mới bền vững. Kết quả thu được rất khả quan, năng suất cà phê tăng 15%, giảm lượng nước tưới 40%, phân bón hóa học giảm 10%, mức xả thải carbon cũng giảm 15%. Sử dụng ít nước, ít phân bón hơn nhưng chất lượng cà phê lại tăng.

* Có ý kiến cho rằng Nestlé quan tâm đến cây cà phê và người nông dân Việt Nam vì cà phê đang đem lại doanh thu lớn cho Tập đoàn, ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

- Tăng trưởng và doanh thu luôn là mục tiêu hàng đầu của tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, triết lý kinh doanh của Nestlé là phát triển đi cùng sự bền vững và Việt Nam không ngoại lệ. Với lợi thế là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới và nhu cầu tiêu thụ cà phê sẽ cao hơn khi 5 năm nữa dân số thế giới sẽ đạt con số 9,5 tỷ người, Việt Nam là thị trường đem lại nguồn thu hấp dẫn cho Nestlé.

Song, chúng tôi cũng tự hào vì đã góp phần vào thành tích xuất khẩu cà phê của Việt Nam khi sản lượng mỗi năm của Nestlé chiếm 20 - 25% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước. Năm 2014, Công ty đã thu mua hơn 20% trong số 1,7 triệu tấn hạt cà phê thu hoạch tại Việt Nam.

Lượng hạt cà phê này được chế biến và xuất khẩu sang các nhà máy của Tập đoàn tại 22 nước. Song, mục tiêu của chúng tôi không chỉ là mua càng nhiều cà phê càng tốt mà còn muốn phát triển bền vững, muốn xây dựng Việt Nam thành điểm tham chiếu cà phê Robusta trên thế giới.

Tuy nhiên, một điểm yếu là cà phê của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá tương xứng với vị thế và tiềm năng của nó như Brazil đã làm với cà phê Arabica. Hiện, cây cà phê Việt Nam đang ngày một già cỗi, nhất là tại các tỉnh Tây nguyên, năng suất giảm tới 50%, ước tính diện tích phải trồng mới trong 10 năm tới đạt khoảng 140.000 - 150.000 hecta.

Do đó, vấn đề cấp thiết là phải lai tạo những giống cà phê mới. Bên cạnh đó, các trang trại cà phê của Việt Nam cũng còn nhiều bất cập. Đa số nông dân trồng cà phê đang canh tác trên những trang trại nhỏ, chỉ rộng khoảng một hecta và họ sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nước tưới.

Điều này làm giảm sản lượng thu hoạch và làm hạt cà phê kém chất lượng, ảnh hưởng đến giá bán cũng như khó cải thiện đời sống của nông dân. Đó là lý do và cũng là động cơ để Nestlé cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đối tác khác thực hiện dự án PPP, góp phần cải thiện phương thức sản xuất cà phê của nông dân Việt Nam.

Về lâu dài, khi năng suất của cây cà phê được nâng cao, nông dân được đào tạo bài bản sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho chính bản thân họ mà Nestlé cũng thu mua được những hạt cà phê chất lượng cao.

* Thực hiện dự án này, ông nói là còn nhận được rất nhiều niềm vui...

- Trong thời gian thực hiện dự án Nescafé Plan và PPP, có dịp đến các vùng nông thôn Việt Nam, nghe tâm tư của người nông dân, chúng tôi đã tạo được mối quan hệ tình cảm khăng khít với họ và sau mỗi chuyến đi đều lưu lại trong tôi nhiều niềm vui, suy nghĩ, kể cả sự trăn trở. Tôi luôn nhớ nụ cười thân thiện và nồng hậu của người nông dân Buôn Ma Thuột khi chào đón chúng tôi.

Họ tổ chức rất nhiều tiết mục văn nghệ và chuẩn bị nhiều món ăn dân dã để đón khách. Đây chính là tình cảm mà tiền bạc không thể mua được. Nhờ vậy, nhiều năm theo đuổi dự án, chúng tôi vẫn luôn thấy háo hức và tràn đầy động lực.

Có một nghịch lý khiến tôi suy nghĩ, đó là người nông dân Việt Nam rất chăm chỉ, cần cù, những sản phẩm họ làm ra đều mang lại giá trị kinh tế nhưng cuộc sống của họ vẫn còn quá nghèo và thiếu thốn. Tuy nhiên, họ vẫn rất lạc quan. Nhiều người cho rằng nông dân thường bảo thủ, khó tiếp cận cái mới, nhưng trong quá trình làm việc với họ, tôi thấy họ rất thông minh, nhiều người có tư tưởng cấp tiến và tinh thần học hỏi, thích ứng nhanh với các kỹ thuật, công nghệ mới.

* Việt Nam đang kêu gọi "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", điều này có gây áp lực với một công ty đa quốc gia như Nestlé không?

- 90% sản phẩm Nestlé Việt Nam được sản xuất trong nước nên tôi không cảm thấy áp lực gì với chủ trương này và thực tế, sản phẩm của chúng tôi còn tự hào là xuất xứ từ... Việt Nam.

CÁC BẠN TRẺ HÃY BIẾT NHÌN XA

* Theo ông, cái khó nhất của người làm lãnh đạo là gì?

- Trong nhiều cái khó của người làm lãnh đạo thì cái khó nhất là tạo được sức ảnh hưởng đến mọi người và phải luôn nỗ lực, làm việc hết sức để mang lại nhiều giá trị cho công ty.

* Ông cũng là người tạo được cảm hứng làm việc cho nhân viên, làm thế nào để làm được điều này, thưa ông?

- Đó là sự trải nghiệm và nỗ lực tự thân. 24 năm làm việc ở Nestlé và đi lên từ một quản trị viên tập sự, với tôi, đó không phải hành trình chạy nước rút mà là marathon, 13 lần ở nhiều vị trí khác nhau, không phải đầy hoa hồng mà cũng có thất bại lẫn thành công nhưng tôi vẫn hướng đến tương lai.

Trên hành trình dài đi đến thành công trong sự nghiệp, người đã truyền cảm hứng cho tôi chính là người cha đáng kính của tôi. Sự tận tâm, cống hiến hết sức mình khi làm việc cho một công ty công ích của ông đã trở thành tấm gương để tôi noi theo. Tấm gương đó cộng với môi trường làm việc và văn hóa tại Nestlé đã giúp tôi trưởng thành và thành công.

Còn nhớ, khi tôi vào Nestlé với vai trò quản trị viên tập sự, các sếp của tôi không phân biệt vị trí và đã hun đúc tinh thần làm việc cho tôi. Quá trình làm việc, tôi luôn học hỏi, quan sát cách làm việc, tư duy, đầu óc thực tiễn của các lãnh đạo cấp cao ở các nước Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Thụy Sỹ và tự trang bị cho mình thói quen, kỹ năng tốt trong công việc.

* Nhiều công ty nước ngoài nhận xét, các bạn trẻ Việt Nam rất năng động, ham học hỏi, có năng lực làm việc tốt và có kỹ năng tiếng Anh, theo ông lợi thế này đã đủ để các bạn trẻ gặt hái thành công?

- Tất cả các yếu tố nêu trên chỉ mới là viên ngọc thô chờ bàn tay mài giũa. Muốn thành công trong sự nghiệp hay một tổ chức, bạn còn cần những giá trị khác, chẳng hạn như sự hòa nhập và mang đến các giá trị mà công ty, tổ chức đó đang cần.

Ngoài điểm mạnh, nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng còn nhiều điểm yếu như quá vội vã và tập trung vào thăng tiến trước mắt. Tôi luôn nhắn nhủ nhân viên: hãy nhìn xa hơn. Muốn có một vị trí cao hơn thì cá nhân bạn phải là người làm việc, sau đó phải biết quan sát, học hỏi cách làm việc của lãnh đạo và cuối cùng là tự hỏi mình đã làm được gì cho tổ chức và công ty.

* Ông có lời khuyên gì cho người trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam?

- Đừng sợ thất bại, phải biết nhẫn nại và kiên trì mới thành công. Thực ra đây cũng là tính cách có sẵn trong bản chất con người Việt Nam. Khi bắt đầu làm việc tại bất kỳ đất nước nào, điều đầu tiên là phải tìm hiểu về nền văn hóa cũng như lịch sử của đất nước đó, như vậy bạn sẽ dễ hòa nhập vào cuộc sống và công việc cũng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn chưa hiểu rõ những vấn đề quan trọng này, thậm chí nhiều bạn còn chưa hiểu hết lịch sử của đất nước mình.

* Cảm ơn ông về những thông tin đã chia sẻ.

LỮ Ý NHI (Thực hiện)