clock

Bất Động Sản

04:40 17-04-2017

Thận trọng với siêu dự án

Thông tin Tập đoàn Tuần Châu của ông Đào Hồng Tuyển đề xuất đầu tư nhiều công trình tại TP.HCM với số vốn lên đến 65.000 tỷ đồng rất được dư luận chú ý. Tuy nhiên, tính khả khi của các dự án này cần được đánh giá một cách thận trọng.

Cụ thể, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn Marina City tại bãi biển Cần Giờ có tổng diện tích 1.430ha, trong đó có cảng du thuyền kết nối với Singapore, Hong Kong, Thái Lan, tuyến phà biển và tàu cao tốc kết nối Cần Giờ với Vũng Tàu, tàu cao tốc và du thuyền kết nối TP.HCM với các vùng biển phụ cận, khu vui chơi giải trí biển, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái, phố hải sản...

Tập đoàn này cũng đề xuất đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn từ ngã ba đường Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng (quận 1) đến cầu Bến Súc (Củ Chi) có tổng chiều dài khoảng 60km; đề xuất đầu tư xây dựng trung tâm thương mại hương liệu, hóa chất trên khu đất khoảng 20ha tại phường Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

Tổng giá trị đầu tư cho các công trình trên ước tính 65.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của Tập đoàn Tuần Châu chiếm 50%. Chủ đầu tư cam kết trong 18 tháng sẽ hoàn thành việc san lấp tạo mặt bằng và mở cửa giai đoạn 1 đối với Sài Gòn Marina City (sau khi hoàn thành pháp lý và được bàn giao mặt bằng), 18 tháng cơ bản xong phần thô đường ven sông từ Củ Chi về cầu Phạm Văn Đồng; san lấp và đầu tư các đường xương cá cho khu đô thị thông minh nối đại lộ ven sông Sài Gòn với Sài Gòn New City.

Chia sẻ với báo chí, ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu cho biết, để xây dựng các siêu công trình trên, ông đã thuê 5 công ty tư vấn nước ngoài, 25 chuyên gia quy hoạch và hàng chục kỹ sư làm việc xuyên đêm trong hơn 10 ngày để hoàn tất công việc khảo sát, lập đồ án. Đối với dự án tại Cần Giờ, doanh nghiệp ông đang đầu tư một thành phố biển nhân tạo và đã nhập khẩu mọi nguyên vật liệu xây dựng cần thiết, việc còn lại là chờ chính quyền TP.HCM "bật đèn xanh".

"Ban đầu TP.HCM đã chấp thuận chủ trương thực hiện việc nghiên cứu tiền khả thi dự án Sài Gòn New City tại Củ Chi. Chúng tôi đang tiến hành khoan thăm dò địa chất, khảo sát đền bù và tiến hành thực hiện các quy trình đúng tiến độ để báo cáo các cấp lãnh đạo Thành phố về tuyến đường quận 1 - Bến Súc. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về siêu công trình này, nhưng chúng tôi khẳng định rằng đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ là công trình cốt yếu và như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, hạn chế tối đa đền bù giải toả thì mới kịp tiến độ đề ra", ông Tuyển khẳng định thêm.

Cũng theo ông Tuyển, nguồn lực tài chính hiện đã có sẵn từ nhiều đối tác trong nước ký cam kết tài trợ vốn và thép xây dựng. Tập đoàn Tuần Châu cũng đã thành lập 3 pháp nhân riêng biệt (mỗi công ty có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng) gồm nhiều đối tác là công ty xây dựng trong và ngoài nước để triển khai các dự án trên.

Sau khi xem xét các đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản thông báo chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thống nhất ghi nhận đề xuất đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh - Tập đoàn Tuần Châu tự cân đối chi phí lập, trình duyệt đề án, lập dự án tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn theo hình thức đối tác công tư (PPP). Chấp thuận giao cho Tuần Châu tự cân đối chi phí lập, trình duyệt đề xuất dự án trong 4 tháng; nghiên cứu phương án giao thông kết nối khu đô thị Tây Bắc với hệ thống giao thông trên.

"Nếu đề xuất không khả thi, không được các cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua hoặc quá 4 tháng mà Tuần Châu không hoàn thành việc nghiên cứu đề xuất thì coi như Tuần Châu từ chối tiếp tục tham gia đầu tư dự án và tự chịu mọi chi phí thực hiện", văn bản nêu rõ.

UBND TP.HCM lưu ý tên dự án tại Củ Chi là Sai Gon New City không phù hợp, do vậy Tập đoàn Tuần Châu cần xem xét lại và trình lãnh đạo Thành phố trong thời gian sớm nhất.

Về dự án Sai Gon Marina City tại huyện Cần Giờ, Thành phố đang tổ chức thi tuyển đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 huyện Cần Giờ để làm cơ sở triển khai các dự án. Sau khi thực hiện xong đồ án trên và được phê duyệt, TP.HCM sẽ mời các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng tại khu vực này theo đúng quy hoạch.

Tại cuộc họp với các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố ủng hộ chủ trương xây dựng đường ven sông, không đồng ý xây dựng khu đô thị mới 15.000ha bằng cách giải tỏa trắng xã Trung An. Sở dĩ người đứng đầu chính quyền TP.HCM nêu rõ quan điểm này bởi Thành phố đã có dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khoảng 6.000ha, nhưng sau hàng chục năm khu đô thị này vẫn chưa hình thành.

Thực ra tại khu vực này, ngoài dự án khu đô thị Tây Bắc còn có một số siêu dự án khác, như khu đô thị đại học của Tập đoàn Berjaya đến từ Malaysia với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, nhưng sau cả chục năm vẫn không mấy tiến triển. Mới đây, dự án này chỉ giải ngân thêm được 2,5 triệu USD.

Hay dự án khu đô thị mới An Phú Hưng của Công ty TNHH MTV An Phú có quy mô hơn 610ha tại xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì (Hóc Môn), sau nhiều năm có Quyết định 573/QĐ giao đất để triển khai, nhưng mới đây UBND TP.HCM phải ban hành Quyết định 5195 thu hồi, hủy bỏ dự án nói trên, do chủ đầu tư chưa bồi thường giải tỏa và việc giải phóng mặt bằng kéo dài quá lâu.

Tuy mới chỉ là thông tin ban đầu, nhưng những ngày gần đây giá đất ở Củ Chi, Hóc Môn đã có dấu hiệu "sốt". Do đó các chuyên gia bất động sản khuyến cáo nhà đầu tư nên cẩn trọng, vì thực tế đã có nhiều hệ lụy trước những thông tin của những dự án kiểu như "trục đường tâm linh", "thủ đô Ba Vì” của Hà Nội, hay Thành phố mới Nhơn Trạch của Đồng Nai...

 

 
KHÁNH ĐINH/DNSG