clock

Doanh Nghiệp

06:26 29-11-2017

Thấy gì từ việc Văn Phú Invest dùng 1.000 tỷ vốn góp thanh toán các khoản nợ?

Cùng với màn tăng vốn chóng mặt, từ 262 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng trước khi chính thức lên sàn, Văn Phú Invest dùng 1.000 tỷ đồng vốn góp của cổ đông để thanh toán các khoản nợ cá nhân...

Ngày 28/11, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (Văn Phú Invest) sẽ chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với 160 triệu cổ phiếu mã VPI. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 27.600 đồng/cổ phiếu.

Tiền thân là Công ty CP kinh doanh nhà Quảng Ninh, đến năm 2008, CTCP Đầu tư Văn Phú Invest tách ra khi công ty triển khai xây dựng KĐT Văn Phú quận Hà Đông, Hà Nội với tổng mức đầu tư 18.000 tỷ đồng. Đây cũng là dự án lớn đầu tiên đánh dấu bước chân của Văn Phú Invest trong thị trường BĐS.

Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Văn Phú Invest đạt hơn 314 tỷ đồng. Trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2016, năm 2015 Văn Phú Invest lỗ hơn 3 tỷ đồng và lỗ hơn 8,6 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2016.

Một điểm đáng lưu ý, năm 2015, năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, khoản mục "lợi nhuận khác" của Văn Phú Invest vẫn tiếp tục lỗ ròng và mức độ lỗ tăng lên từ 3,1 tỷ đồng trong năm 2015 lên 13,4 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017.

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2017 cũng cho thấy nợ phải trả của Văn Phú Invest là 1.811 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.458 tỷ đồng, nợ dài hạn là 352 tỷ đồng. 

Hiện Văn Phú Invest đang vay ngắn hạn hơn 530 tỷ đồng, trong đó, Techombank cho vay hơn 114 tỷ đồng, Ngân hàng TNHH Indovina cho vay 339,8 tỷ đồng. Vay dài hạn hơn 276,2 tỷ đồng, trong đó Vietcombank cho vay hơn 268,2 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, Văn Phú Invest còn có màn tăng vốn "chóng mặt" trước khi lên sàn. Theo đó, năm 2008, vốn điều lệ ban đầu của Văn Phú Invest chỉ là 45,8 tỷ đồng. Hơn 9 năm sau, tính đến tháng 7/2017, Văn Phú tăng 35 lần vốn thông qua các đợt phát hành cổ phiếu, từ 45,8 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng.

Riêng lần tăng vốn "khủng" trước thềm niêm yết thực hiện vào tháng 7 vừa qua, Văn Phú Invest sử dụng gần 1.000 tỷ vốn góp thêm để thanh toán các khoản vay cá nhân, ngân hàng; đầu tư tài chính vào các công ty như CTCP Đầu tư và phát triển thương mại Văn Phú, CTCP Văn Phú số 1, Công ty cổ phần tài nguyên và môi trường Trường Minh... Ngoài ra, công ty dùng tiền để bổ sung vốn cho cty con cty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú-Giảng Võ ...

Về cơ cấu cổ đông, tính đến 31/10/2017, Văn Phú Invest có 3 cổ đông lớn, trong đó có 1 tổ chức là CTCP Đầu tư THG Holdings sở hữu 23,44% vốn điều lệ. Hai cổ đông lớn còn lại là Chủ tịch HĐQT công ty, ông Tô Như Toàn sở hữu 25% vốn và Tổng Giám đốc công ty, ông Tô Như Thắng, sở hữu 7,06% vốn.

Thực tế, việc tăng vốn chóng mặt trước ngày niêm yết không chỉ riêng Văn Phú Invest, mà xuất hiện nhiều trường hợp DN có xu hướng tăng vốn trước khi lên sàn.

Trên sàn thời gian qua nhiều DN đã tiến hành tăng vốn "chóng mặt" trước khi lên sàn. Việc tăng vốn sẽ là tích cực nếu nó phục vụ cho nhu cầu, cũng như triển vọng sáng sủa của DN, song thực tế thì chưa hẳn là như vậy.

Khi lên sàn HNX dù không yêu cầu quá cao về công bố thông tin như sàn HoSE, tuy nhiên, việc DN lên chịu sự quản lý của Sở GDCK cũng tạo thêm tầng kiểm soát mới cho việc tăng vốn, chưa kể ảnh hưởng của việc tăng vốn tác động trực tiếp đến diễn biến giao dịch cổ phiếu.

Với các quy định trên, có thể thấy, DN dễ có xu hướng tăng vốn trước khi đại chúng hóa và lên sàn. Trong tình huống này, nhiều ý kiến cho rằng, việc thẩm định tính minh bạch của quá trình tăng vốn là rất khó đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi mua cổ phiếu đối với các DN tăng vốn khủng trên sàn chứng khoán...

Tăng vốn theo lẽ thường là tăng quy mô vận hành của DN. Điều này dẫn tới những đòi hỏi của cổ đông về hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế, không phải DN nào sau khi tăng vốn "khủng" cũng cho thấy nhiều DN có những kết quả kinh doanh không tương xứng.

Theo các chuyên gia, DN tăng vốn lớn trước khi lên sàn là động thái tích cực, nhưng trong việc tăng vốn này, nếu tăng vì nhu cầu phục vụ triển vọng kinh doanh sáng sủa thì DN sẽ rất đẹp khi khoác "tấm áo" vốn mới. 

Nhưng nếu tăng vì mục đích muốn làm đẹp hình ảnh DN, rồi đưa lên sàn, kiếm lợi cá nhân, nhất là khi vốn đưa vào DN là những nguồn vốn lòng vòng, vay mượn của chính cổ đông lớn, thì tương lai của DN khó mà trụ vững...Do vậy, các nhà đầu tư rất cẩn trọng khi đầu tư vào các dự án tăng vốn khủng trước khi lên sàn...

Văn Phú Invest được biết với các dự án lớn đình đám như: Dự án The Van Phu – Victoria (CT9) có tổng diện tích đất 15.000m2, là 3 tòa nhà cao 39 tầng với 1.290 căn hộ, hoàn thành năm 2014. Đây là dự án nằm trong KĐT Văn Phú do Văn Phú Invest làm chủ đầu tư qua các công ty thứ cấp như Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Thế Kỷ; Công ty CP Đầu tư Tài chính An Thịnh; Công ty cổ phần tập đoàn Đông Thiên Phú; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng bất động sản Landmark; Công ty cổ phần kiến trúc Trường An; Công ty cổ phần Vietinco…

 

Trước đây, dự án gặp khá nhiều rắc rối là việc khách hàng đã nộp tiền theo tiến độ cho các công ty thứ cấp này, tuy nhiên, do một số đơn vị thứ cấp đã không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư khiến nhiều khách hàng mua căn hộ dự án này đối diện với thực tế sẽ không nhận được nhà. Hiện tại, những vấn đề này đã được giải quyết khá ổn thỏa và dự án đã bán gần hết.

Dự án mới nhất của Văn Phú Invest là khu nhà ở thấp tầng kết hợp văn phòng cho thuê V5, V6 cũng tại KĐT Văn Phú, hoàn thành năm 2017.

Mới đây nhất, tháng 4/2017, hàng trăm cư dân tại dự án chung cư Home City do Văn Phú Invest làm chủ đầu tư đã nhiều lần tụ tập, lên tiếng bày tỏ bức xúc, thậm chí xuống đường căng băng rôn để phản đối chủ đầu tư "đóng" lối đi từ chung cư ra phố Trung Kính. 

Lúc đó, chủ đầu tư Văn Phú có lý giải vấn đề lối đi nhưng nhiều người dân lúc đó chưa thấy thỏa đáng. Vụ việc này hiện đang tạm lắng lại để chờ cơ quan chức năng can thiệp....

Ngoài những dự án đã bán xong thì Văn Phú Invest còn khá nhiều dự án chưa hoàn thành. Trên bản cáo bạch niêm yết của Văn Phú Invest, danh sách các dự án đang và "sẽ" triển khai còn khá nhiều, trong đó phần lớn là các dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2019 và 2020; một số dự án còn dự kiến hoàn thành vào năm 2021 và 2023...

 

theo Diễn đàn doanh nghiệp