clock

SỰ KIỆN

11:44 07-09-2016

THỊ TRƯỜNG ĐIỆN MÁY: NHỘN NHỊP M&A

Mấy năm gần đây, những tưởng thị trường bán lẻ điện máy ở nước ta đã bước vào giai đoạn bão hòa với sự ra đi của hàng loạt tên tuổi đình đám. Thế nhưng, từ năm 2015 đến nay, nhiều tín hiệu cho thấy dường như thị trường này bắt đầu có dấu hiệu “hồi sinh” và nóng dần trở lại. Có vẻ như đó là lý do khiến các thương vụ M&A giữa các “đại gia” ngoại với các doanh nghiệp nội trong lĩnh vực điện máy đang ngày càng trở nên nhộn nhịp.

CEO Hoàng Đình Trọng – Chủ tịch Công ty TNHH Đào tạo Tư vấn PDCA

Trong vòng 5 năm trở lại đây, sự ra đi của hàng loạt tên tuổi như Best Carings, Việt Long, WonderBuy, HomeOne, Topcarer... đã khiến người ta có cái nhìn hết sức bi quan về tương lai của thị trường điện máy. Nguyên nhân chủ yếu là do sức ép cạnh tranh lớn, thị trường ảm đạm, trong khi đó nguồn lực của doanh nghiệp yếu và không chạy đua kịp các chương trình khuyến mãi “khủng” mà các “ông lớn” tung ra liên tục. Thế nhưng, trong năm 2015 vừa qua đã có gần 200 siêu thị và cửa hàng điện máy, công nghệ mới được dựng lên khiến cuộc đua trên thị trường điện máy ngày càng khốc liệt. Trong đó, các đại gia của lĩnh vực này cũng liên tục tung ra mọi phương thức để giữ vững vị thế và cạnh tranh. Nếu như đại gia tỷ USD đình đám của thị trường bán lẻ là Thế giới Di động mở rộng chuỗi Điện Máy Xanh, lên con số gần 100 điểm bán trên cả nước, thì tại miền Bắc ông lớn Trần Anh cũng tiếp tục công bố kế hoạch mở thêm 12 đại siêu thị điện máy, tập trung ở miền Bắc và miền Trung và nâng tổng số lên 35 trung tâm. Theo dự báo của hãng Nghiên cứu Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt doanh số 100 tỷ USD/năm vào 2016, trong đó ngành hàng điện tử tiêu dùng khoảng 10 tỷ USD. Sự hấp dẫn này của thị trường điện máy đang hối thúc nhiều nhà đầu tư ngoại nhảy vào tìm cơ hội cho mình và đó chính là lý do khiến các thương vụ M&A nhộn nhịp như mới đây, Đại gia Thái Central Group thâu tóm Pico và Nguyễn Kim, còn Trần Anh bán 30,92% cổ phần cho Nojima Group của Nhật,…Theo Ông Tô Chính Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Chiến lược phát triển & Marketing của VHC cho rằng: “M&A là nước và không khí của thị trường bản lẻ điện máy nói riêng cũng như nhiều ngành nghề khác nói chung trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển thị trường nói chung và thị trường vốn, giúp DN chuyển giao công nghệ quản trị, quản lý hay nhượng quyền nói riêng… Không có bất cứ DN nào muốn phát triển lại có thể tránh được xu thế này. Họ chỉ có thể khác nhau về tỷ lệ, quy mô hay hình thức mà thôi”.  Tuy nhiên, song song với làn sóng “bán mình”, vẫn có những doanh nghiệp đang tự tìm cách vươn lên và phát triển nhanh chóng như: chuỗi siêu thị điện máy VinPro của VinGroup hay Điện máy Xanh đi lên từ kinh nghiệm của thegioididong.com. Việc các siêu thị điện máy thi nhau mọc lên nấm đã khiến cuộc cạnh tranh thị phần giữa các DN ngày càng khốc liệt. Và trong cuộc cạnh tranh này, các DN của ta tiếp tục đang gặp phải nhiều vấn đề do nguồn lực không bằng các đối thủ ngoại, sự đa dạng về sản phẩm, sức cạnh tranh….đều yếu hơn. Do đó, xu hướng tìm đến các hoạt động M&A được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất có thể nhiều thương hiệu Việt lại bị “nuốt chửng”.  Chính vì lý do đó, mà chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1 đã cho lên sóng chủ đề: “Chiến lược M&A – Quyết định khó khăn” vào ngày 11/9/2016 sắp tới, để các Doanh nhân bàn bạc, tìm ra lối đi cho DN.

Chương trình đề cập đến vấn đề của một Doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi cửa hàng bán đồ điện máy vừa và nhỏ. Hiện nay, do sức ép cạnh tranh trên thị trường quá lớn nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và đang đứng trước nguy cơ phải rời khỏi thị trường. Trước tình hình này, đối tác là nhà phân phối chính của một hãng điện tử lớn đến từ Hàn Quốc, đề nghị hợp tác theo hình thức đầu tư mua lại 40% cổ phần của công ty, có ghế trong HĐQT và đặc biệt phải được trưng bày tối thiểu 70% diện tích mặt bằng các mặt hàng của doanh nghiệp. Điều này đã khiến CEO và các cổ đông phải ngồi lại với nhau để bàn bạc và tìm giải pháp. CEO cho rằng: Doanh nghiệp không nên hợp tác với đối tác này theo hình thức nói trên. Vì điều này sẽ khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp bị xáo trộn, phụ thuộc và thậm chí có thể bị thâu tóm. Do đó, doanh nghiệp tự dựa vào sức mình để phát triển vì đã có sẵn hệ thống, có kinh nghiệm, cơ hội trên thị trường vẫn còn nên quyết liệt tiến hành tái cấu trúc, đầu tư thêm vốn để gia tăng năng lực cạnh tranh. Các cổ đông lại cho rằng: Tình cảnh doanh nghiệp hiện tại như “ngàn cân treo sợi tóc”, nếu không dựa vào đối tác này để tìm đường sống sót thì thời điểm doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường không xa. Do đó, các cổ đông cho rằng doanh nghiệp cần phải hợp tác với đối tác này để phát triển. Hơn nữa, việc đưa hàng của hãng điện tử nổi tiếng vào hệ thống sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, cải thiện doanh số và lợi nhuận.  Đồng ý với quan điểm của CEO bạn Nguyễn Bảo Trâm chia sẻ: “Để cho DN nước ngoài nhảy vào sớm muộn gì cả DN mình cũng rơi vào tay họ. Cơ ngơi gây dựng bao lâu cho vào tay kẻ khác đơn giản như vậy, không hề được”. Ngược lại, bạn Ngô Bảo Long cho rằng: “CEO nên chớp lất thời cơ này để làm việc với đối tác nước ngoài, DN vừa sống xót và có sự "chống lưng" của thương hiệu lớn sẽ qua nhanh thời kì khủng hoảng”. Những ý kiến đa chiều này luôn làm cho Fanpage tạo được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng xã hội.

Để xem lại chương trình, vui lòng truy cập kênh CEOtvnext trên Youtube. Để tham gia góp ý kiến về chủ đề này, hãy truy cập trang facebook fanpage của chương trình: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Để đăng ký tham gia làm người chơi trong chương trình liên hệ theo địa chỉ: chiakhoathanhcong@hoanggia.com.vn hoặc số điện thoại : 04.22670444

 

Lê Việt Chinh