clock

SỰ KIỆN

06:34 02-12-2015

Thói quen cũ bó hẹp môi trường kinh doanh

Có một điểm đặc biệt tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 (VBF 2015) diễn ra hôm qua (ngày 1/12) là cụm từ thói quen cũ được nhắc lại khá nhiều lần.

Lo khó vì thói quen cũ

Là người đại diện Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại trực tiếp gửi 6 nhóm kiến nghị, với 10 trang nội dung và 11 trang phụ lục, liên quan đến việc thực thi Luật Doanh nghiệpvà Luật Đầu tư tới VBF 2015, Luật sư Trần Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật Vilaf Hồng Đức cười rất tươi sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh kết thúc phần trả lời. Gần như các vướng mắc của Nhóm đưa ra đều đã có phương án giải quyết.

“Tôi tin khi Bộ trưởng cam kết đã và sẽ làm hết sức để tháo gỡ các vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp đề xuất với tinh thần thông thoáng nhất, mọi việc sẽ thuận lợi. Tất nhiên, chúng tôi muốn mọi việc sẽ thuận lợi ngay, nhưng cũng hiểu, sẽ phải có thời gian để quy định mới thực sự được thực thi. Song điều mà chúng tôi lo ngại, đó là nếu thói quen cũ vẫn còn thì việc thực thi các quy định mới sẽ mất rất nhiều thời gian”, ông Đức trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Với phần trả lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nhiều vướng mắc của Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại đã có phương án giải quyết

Trong đề xuất gửi VBF 2015, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại đã dành riêng một đầu mục về vấn đề này với hàng loạt ví dụ cụ thể. Chẳng hạn, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cho phép cơ quan quản lý đầu tư và đăng ký kinh doanh ở địa phương có quyền chủ động trong giải quyết hồ sơ thuộc thẩm quyền của mình, nhưng trên thực tế, các cơ quan này vẫn tiến hành các thủ tục xin ý kiến các cơ quan cấp bộ, khiến thời gian giải quyết các hồ sơ đăng ký đầu tư bị kéo dài ra một cách không cần thiết.

“Có nhà đầu tư đã đợi 5 tháng mới có được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và doanh nghiệp dù hồ sơ nộp đủ và không thuộc diện thẩm tra, nhưng sở kế hoạch và đầu tư ở địa phương vẫn gửi công văn lấy ý kiến các bộ, ngành và chờ đến cả tháng để có hồi âm”, ông Đức lý giải khi phải đặt nặng đề xuất này.

Ngay cả sự chậm trễ trong việc hoàn tất các văn bản hướng dẫn hai luật này, nhất là danh mục điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, cũng được đặt dấu hỏi về những khó khăn khi đưa các quy định mới với tư duy đột phá, thậm chí là cách mạng, như nguyên tắc chọn bỏ thay vì chọn cho của Luật Đầu tư, vào thực tế.

Có một điểm đặc biệt tại VBF lần này, đó là cụm từ thói quen cũ được nhắc lại khá nhiều lần. Ông Dominic Scrivin, Tổng giám đốc Dragon Capital, thành viên Nhóm Công tác Thị trường vốn của VBF cũng phải tỏ thái độ khó hiểu khi nhiều quy định rất mở về cổ phần hóa đã có, trong đó có cả việc bỏ áp lực phải bảo toàn vốn nhà nước - lý do mà các doanh nghiệp nhà nước từng cho là khó nhất khi cổ phần hóa - nhưng tốc độ cổ phần hóa vẫn chậm.

“Có thể quy định đã thay đổi, nhưng suy nghĩ của những người trong cuộc vẫn như cũ khiến họ e dè, thậm chí không dám thực hiện các quy định mới. Như vậy, sự cải thiện chỉ dừng lại ở văn bản. Tôi rất tiếc khi đáng ra chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để thực sự tạo nên những thay đổi, cải cách”, ông Dominic Scrivin bày tỏ quan điểm.

Cần các dấu mốc cụ thể

Mặc dù vẫn chưa hết băn khoăn, nhưng cả luật sư Trần Anh Đức và ông Dominic Scrivin đều bày tỏ sự vui mừng khi họ đã nhận được hai cam kết rất cụ thể để có thể giải quyết những vướng mắc mà giới đầu tư đang rất quan tâm.

Một là, lời hứa của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh về việc công bố Danh mục Điều kiện đầu tư cho nhà đầu nước ngoài trên Cổng thông tin Quốc gia về đầu tư nước ngoài vào ngày 27/12 tới, đúng thời điểm có hiệu lực của Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

Hai là, phương án xác định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán là có tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trên 65%, liên tục trong thời gian 1 năm.

“Tiêu chí này vẫn đang được xin ý kiến trước khi ban hành. Có thể còn có ý kiến khác nhau về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, hay tính khả thi của tiêu chí này, song chúng tôi ủng hộ việc cần phải có một quy định cụ thể để thị trường cùng có cách hiểu và ứng xử thống nhất”, ông Dominic Scrivin lạc quan.

Thậm chí, ông Dominic Scrivin còn dự liệu, ngay cả khi tiêu chí này có thể sẽ phải sửa đổi trong năm tới khi có đánh giá tác động từ thực tiễn. “Song tác động tích cực của các điều kiện này vẫn là chủ yếu và vì vậy vẫn nên thực hiện”, ông Dominic Scrivin bàn thêm.

Đây cũng là nguyên nhân của nhiều đề nghị phải có khung hành động và trọng tâm trong cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là thực thi các hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực trong năm 2016.

Thực ra, khi trao đổi với các nhà đầu tư tại VBF, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhiều lần nhấn mạnh tới khó khăn khi vẫn chưa thực hiện được cam kết về việc công bố các điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài.

“Nhiều bộ, ngành vẫn chưa hoàn tất việc rà soát vì cách tiếp cận của Luật Đầu tư theo hướng chọn bỏ, thay vì chọn cho rất mới so với nhiều hiệp định thương mại tư do song phương, đa phương mà Việt Nam cam kết. Vì vậy, chúng tôi phải mất nhiều thời gian để phân loại. Nhưng nguyên tắc chính phải tuân thủ là cái gì minh bạch được thì sẽ làm ngay”, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn trả lời các nhà đầu tư.

 

ý kiến - nhận định
Sẽ tháo gỡ kịp thời các vướng mắc chính đáng của doanh nghiệp
- Ông Vũ Văn Ninh, Phó thủ tướng Chính phủ
Chúng tôi đánh giá cao các nhận xét, kiến nghị của các nhà đầu tư, hiệp hội, các nhóm công tác. Đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, thực hiện các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới. Chúng tôi muốn đây không phải chỉ là cơ hội của Việt Nam, mà là cơ hội của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Chính phủ Việt Nam sẽ kề vai, sát cánh với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến để có giải pháp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc chính đáng của doanh nghiệp.n
Cách làm mới minh bạch hơn, nhưng vô cùng khó
- Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 được soạn thảo với một cách tiếp cận mới, đó là quy định doanh nghiệp và người dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm của Hiến pháp 2013. Nguyên tắc chọn bỏ được áp dụng thay vì chọn cho. Cách làm mới minh bạch hơn, nhưng vô cùng khó và không nhiều nước làm được.
Tới thời điểm này, chúng tôi vui mừng thông báo, tất cả 6 nghị định, 3 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được ban hành. Đây là nỗ lực rất lớn của chúng tôi, nên dù thời gian chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của Luật, nhưng rất mong được nhà đầu tư ủng hộ.
Thời điểm vàng cho Việt Nam 

- Ông Kyle F Kelhofer, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)
Thách thức của môi trường kinh doanh Việt Nam hiện tại là làm sao để năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đủ sức hội nhập sâu hơn, tạo nhiều việc làm hơn. Hiện tại, nhiều vấn đề về thủ tục chưa sáng rõ, cơ sở hạ tầng vẫn còn khó khăn... Nhưng đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp vì việc cải thiện để xóa bỏ những thách thức chính là tạo ra cơ hội mới.
Tôi tin rằng, đây là thời điểm vàng để Việt Nam thực hiện kế hoạch trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt hơn 
- Bà Virginia B. Foote, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam
VBF 2015 diễn ra vào thời điểm rất tốt để thảo luận các vấn đề cụ thể. Đó là thời điểm Việt Nam bắt đầu thực hiện và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), mới nhất là FTA giữa Việt Nam và EU. Nhưng các nội dung của những hiệp định này vẫn chưa rõ ràng. 
Để tận dụng được các cơ hội, phía Việt Nam cần có sự chuẩn bị, bắt đầu bằng việc công bố các điều kiện để có các giải pháp thực hiện phù hợp, với tinh thần là không bỏ lỡ cơ hội. Hiện tại, ở Mỹ, chúng tôi đều nói rằng, vấn đề bây giờ chỉ là thời gian, còn mọi việc đều đã sẵn sàng.n

 

 
Khánh An/ Baodautu.vn