clock

Doanh Nghiệp

14:10 10-11-2017

THƯƠNG HIỆU VIỆT TẦM CỠ THẾ GIỚI, TẠI SAO KHÔNG?

Nếu như Nhật Bản có Hitachi, Honda hay Sony, Hàn Quốc nổi tiếng vì Deawoo, Huyndai và Samsung thì Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu nào tầm cỡ khu vực và thế giới.

TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HÓA, nơi mỗi biển hiệu có thể trở thành biên giới cho sức mạnh và quyền lực của các thương hiệu toàn cầu, thì vì sao một nền kinh tế có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực nhưng phần lớn đều chưa có thương hiệu hoặc mang lại hình ảnh tích cực cho quốc gia? Trong khi đó, một trong những thước đo trình độ phát triển đối với một nền kinh tế phụ thuộc vào số lượng các thương hiệu nổi tiếng mà nền kinh tế đó sở hữu. Đó là một góc nhìn quen thuộc và khá phổ biến trên thế giới dựa trên khía cạnh thương hiệu kinh tế. Nhưng ở Việt Nam dường như đó vẫn là một điều gì đó còn mới mẻ thậm chí cả với những cơ quan quản lý và quy hoạch nền kinh tế.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2017, Doanh nghiệp và Thương hiệu Việt Nam đã ghi nhận những ý kiến đóng góp, những trăn trở của giới doanh nhân đang trên bước đường đưa thương hiệu Việt ra thế giới.
 
 
“CUỘC CHƠI RỦI RO CAO”
BÀ TRẦN UYÊN PHƯƠNG – PHÓ TGĐ TẬP ĐOÀN TÂN HIỆP PHÁT: 
Xây dựng thương hiệu là một bài toán khó đối với tất cả doanh nghiệp bởi mấu chốt quan trọng của việc doanh nghiệp làm thương hiệu trước tiên là nhằm xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình để bán được hàng chứ không phải chỉ nhắm đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu. Chi phí đầu tư để xây dựng thương hiệu là rất lớn. Đây là “cuộc chơi” rủi ro cao, nên rất hiếm các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Theo thống kê của các công ty đa quốc gia rất kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu thì chỉ có 20% xác suất thành công.
 
Có được thương hiệu đã khó mà giữ và làm cho nó ngày càng phát triển theo thời gian càng khó hơn khi nhu cầu người tiêu dùng liên tục thay đổi. Do đó, để có được thương hiệu Việt có sức ảnh hưởng lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp và quyết tâm của doanh nghiệp ấy nhưng cũng cần đến sự chung tay của rất nhiều thành phần trong xã hội: các nhân tài, hệ thống truyền thông, các cấp quản lý nhà nước, ... hỗ trợ và động viên. Chẳng có nhà vô địch nào có thể chiến đấu một mình, họ có cả một đội ngũ vững vàng phía sau.
 
“HÒA MÌNH VÀO DÒNG CHẢY CỦA THỜI ĐẠI”
ÔNG NGUYỄN VĂN HÙNG – TỔNG GIÁM ĐỐC 
LIÊN DOANH SEYOUNG HÒA HIỆP: 
Mỗi Quốc gia, mỗi dân tộc đều có niềm tự hào và lợi thế riêng, làm doanh nghiệp cũng vậy, để phát triển và khẳng định thương hiệu của mình thì mỗi doanh nghiệp sẽ phải tìm ra được những thế mạnh của doanh nghiệp và tận dụng các lợi thế của quốc gia để hỗ trợ và tạo đà phát triển. 
 
Việt Nam được coi là nước có lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp, có lợi thế so sánh về du lịch với quần thể di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo ở cả ba Miền của đất nước. Về công nghiệp thì Việt Nam đặt mục tiêu tới 2020 trở thành đất nước công nghiệp, nguồn nhân lực rồi rào, nhiệt huyết và chăm chỉ, chính trị ổn định. Bên cạnh đó chúng ta cũng phải xác định được mình là quốc gia đi sau, có nền công nghiệp chưa phát triển, nhân lực thiếu kỹ năng và cách làm việc chưa thực sự chuyên nghiệp. 
 
Do đó các doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn thì hãy hòa mình vào dòng chảy của thời đại toàn cầu hóa, áp dụng và học hỏi các công nghệ, khoa học tiên tiến, các phương pháp và hệ thống quản lý mới để từ đó hoạch định được chiến lược của doanh nghiệp phù hợp với thị trường của từng quốc gia mà doanh nghiệp muốn vươn ra.
Đối với những doanh nghiệp có tầm nhìn rõ ràng và chiến lược, mục tiêu cụ thể, tôi tin rằng với trí thông minh sáng tạo và ham học hỏi của người Việt thì những nhà lãnh đạo sẽ biết cách dựa vào lợi thế quốc gia để biến thành lợi thế doanh nghiệp và bổ sung, triệt tiêu những tồn tại yếu kém để xây dựng một doanh nghiệp phát triển bến vững, khỏe mạnh và có trách nhiệm với xã hội. Chúng ta sẵn sàng hòa mình vào biển lớn để mang thương hiệu Việt ra thế giới. 
 
“DOANH NGHIỆP LÀ SỰ NGHIỆP”
ÔNG NGUYỄN VĂN LINH – TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP PHÂN BÓN HỮU CƠ - DAITO: 
Để trở thành một doanh nghiệp mạnh, có tầm ảnh hưởng ra thế giới theo tôi trước tiên doanh nghiệp ấy phải xây dựng được một thương hiệu có uy tín. Và người lãnh đạo phải coi doanh nghiệp như một sự nghiệp chứ không đơn thuần là phương tiện kiếm tiền.
 
Để thành công, người lãnh đạo phải luôn xác định rõ sản phẩm của mình là gì? Đối tượng khách hàng là ai và kế đến phải có công nghệ cụ thể để làm ra sản phẩm đó. Đồng thời, người lãnh đạo doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, có chiến lược phát triển doanh nghiệp bài bản. Đặc biệt, doanh nghiệp cần phải có linh hồn, tức là phải có một người thực sự có tài, có tầm nhìn, có đủ tri thức để đón nhận thông tin mới để biết rõ vị trí của doanh nghiệp trên thương trường và nâng tầm doanh nghiệp. 
 
 
 
Mỹ Dung