clock

Tài Chính

05:16 13-07-2017

Trái phiếu doanh nghiệp - "miếng bánh ngon" bị bỏ quên

Là một sản phẩm đầu tư tạo lợi nhuận ổn định và bảo toàn vốn, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ giúp danh mục đầu tư của nhà đầu tư đa dạng, cân bằng và ít biến động hơn.

Hiện nay, thị trường TPDN đang được hỗ trợ bằng nhiều chính sách của Chính phủ nên đã nâng cao thanh khoản, gia tăng quy mô và dần trở thành công cụ đầu tư phổ biến đối với nhà đầu tư.

Thực trạng trái phiếu doanh nghiệp hiện nay

Trái phiếu là một khoản vay mà bên mua trái phiếu (trái chủ) cho bên phát hành trái phiếu vay. Nếu nhà đầu tư mua TPDN có nghĩa là cho doanh nghiệp vay tiền. Trái phiếu trả lãi định kỳ như một khoản vay và hoàn trả vốn gốc vào một thời điểm xác định gọi là ngày đáo hạn.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2016, có 129.636 tỷ đồng TPDN được phát hành, tăng 203% so với cùng kỳ năm 2015. So với mức tăng trưởng chung của toàn thị trường trái phiếu (tăng trưởng khoảng hơn 30% trong năm 2016) đã chứng tỏ sự phát triển mạnh của thị trường TPDN trong năm qua.

Số dư TPDN tăng trưởng mạnh cả về con số tuyệt đối lẫn con số tương đối (tính theo quy mô GDP). Số dư TPDN trong năm 2016 tăng đến gần 245.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 71,7% so với cuối năm 2015. Tính theo quy mô của nền kinh tế, khối lượng TPDN tăng mạnh từ 3,24% năm 2014 và 3,39% năm 2015 lên 5,27% GDP năm 2016.

Theo thống kê, lợi suất TPDN thường cao hơn lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp từ 2-5% tùy doanh nghiệp, sản phẩm, và bằng hoặc cao hơn lãi suất cho vay doanh nghiệp trên thị trường thời điểm phát hành trái phiếu từ 1 - 3%. TPDN có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm và là lợi tức thực nhận.

Nếu so với cổ phiếu thì lợi tức của trái phiếu được trả định kỳ, ổn định hơn và không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp như cổ tức. Đầu tư vào trái phiếu an toàn hơn, ít chịu rủi ro của thị trường nên khả năng bảo toàn vốn tốt hơn.

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như thế nào?

TPDN thường được phát hành với lô lớn nên là "sân chơi riêng" của các tổ chức tài chính. Ở thị trường sơ cấp, các tổ chức tài chính sẽ mua trái phiếu lô lớn, rồi chia nhỏ để bán lại trên thị trường thứ cấp. Đây là cách mà các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã thực hiện để nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận được trái phiếu.

Với việc chia nhỏ TPDN từ các lô lớn, với vốn đầu tư ban đầu chỉ vài chục triệu đồng tới vài trăm triệu đồng để mua các lô nhỏ, nhà đầu tư có thể đầu tư trái phiếu và hưởng lợi tức lên đến 9,5%/năm.

Một ưu điểm của TPDN dành cho khách hàng cá nhân là khi đầu tư giao dịch trái phiếu, nhà đầu tư chỉ phải trả 0,1% thuế bán lại và không bị thuế trên lợi nhuận, giống như giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán và thấp hơn nhiều so với thuế bán bất động sản. Phần thu nhập định kỳ từ trái tức chỉ phải trả 5% thuế thu nhập, tức là thấp hơn nhiều so với mức thuế mà nhà đầu tư sẽ phải đóng nếu là nguồn thu nhập từ việc cho thuê nhà hoặc căn hộ.

Hiện nay các công ty chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư đang phát triển TPDN tới nhà đầu tư cá nhân như sản phẩm Tcbond do TCBS (Techcombank Securities) phân phối bao gồm các TPDN của Vingroup, Vicentra HCM, Novaland Group, Anco, Techcombank, TNTI Masan, hoặc các sản phẩm C-Bond Safe của Vietinbank Capital, v.v... với lợi tức hấp dẫn.

Như vậy, có thể thấy, TPDN không còn là của các định chế tài chính như trước đây nữa, mà nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia dễ dàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân bổ tài sản, giảm thiểu rủi ro. 

 

THÀNH LONG