clock

Trong Nước

05:25 20-09-2017

Vì sao Bộ Công Thương họp khẩn trước "cơn lốc" hàng Thái Lan?

Không phải ngẫu nhiên, Bộ Công Thương phải tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày làm việc cuối cùng trong tuần qua liên quan đến câu chuyện nhập siêu từ Thái Lan. Lý do là vì, đã đến lúc cần cảnh báo nhập siêu từ quốc gia này.

Thực tế, con số nhập siêu 3,5 tỷ USD từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016, không phải quá lớn so với mức nhập siêu 18,1 tỷ USD từ Trung Quốc hay 21,2 tỷ USD từ Hàn Quốc trong cùng thời gian trên.

Nhưng điều này thực sự đáng lo, bởi thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy trong số 36 mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Thái Lan, có tới 22 mặt hàng trong nước có thể sản xuất được.

Và cũng bởi lâu nay, nhắc tới nhập siêu từ Thái Lan, dư luận luôn luôn nghĩ đến sự bành trướng của hệ thống bán lẻ Thái Lan tại Việt Nam. Đến cả hệ thống Metro Cash&Carry, rồi BigC giờ đây đều thuộc quyền sở hữu của các đại gia Thái Lan.

Thậm chí, có hiện tượng hàng Việt Nam bị cản trở đưa vào các hệ thống trung tâm thương mại này.

Thêm nữa, trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc phần lớn là trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu đầu vào để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu đi thị trường khác, thì tỷ lệ này ở Thái Lan chỉ là 50%.

Tuy cũng là tỷ lệ đáng kể, song một thực tế rất dễ nhận thấy là hàng tiêu dùng Thái Lan, từ ô tô, rau quả, đến hàng điện tử, đồ may mặc…đang ngập tràn thị trường Việt Nam.

Một cách thẳng thắn, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, nhập siêu là chuyện bình thường bởi đó là vấn đề của thị trường, chứ không hẳn là chuyện quản lý.

Khó có thể dùng ý chí chủ quan của cơ quan quản lý để siết chuyện nhập khẩu mặt hàng này hay mặt hàng kia từ Thái Lan. Càng không thể cực đoan dùng rào cản thương mại để hạn chế nhập siêu từ thị trường này.

Chính Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã thừa nhận điều đó và cũng thừa nhận câu chuyện “rau quả Việt Nam vẫn phun thuốc sâu thì làm sao cạnh tranh với họ được”.

Một thực tế rất dễ nhận thấy là hàng tiêu dùng Thái Lan, từ ô tô, rau quả, đến hàng điện tử, đồ may mặc…đang ngập tràn thị trường Việt Nam.

Vấn đề không phải là người dân “sính ngoại”, mà bởi chất lượng nhiều mặt hàng do Việt Nam sản xuất chưa sánh được hàng Thái Lan và bởi người Việt lâu nay vẫn tin tưởng chất lượng sản phẩm Thái Lan.

Vì thế, không thể cản trở nhập siêu từ Thái Lan bằng mọi giá, bằng các hàng rào kỹ thuật được dựng lên một cách cực đoan, mà phải làm sao để nâng cao chất lượng hàng Việt.

Trong câu chuyện này, ngoài vấn đề trách nhiệm của nhà sản xuất, còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Đó là phải có giải pháp để phát triển bền vững thương mại nội địa, làm sao để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, làm sao tận dụng được các cơ hội do các hiệp định thương mại nội khối mang lại...

Một thực tế rất dễ nhận thấy là hàng tiêu dùng Thái Lan, từ ô tô, rau quả, đến hàng điện tử, đồ may mặc…đang ngập tràn thị trường Việt Nam.

Có một câu chuyện từng được nhắc tới. Đó là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chuẩn bị thành lập, thì hàng Thái Lan đã chờ sẵn bên cửa khẩu để vào Việt Nam.

 

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam và ngay cả cơ quan quản lý vẫn đang loay hoay thảo luận, AEC đã và sẽ mang lại cơ hội và thách thức gì cho Việt Nam.

Nếu chậm chân, nếu không chuẩn bị kỹ, thì không riêng hàng Thái Lan, hàng hóa từ các thị trường khác cũng sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam.

Trong câu chuyện nhập siêu với Thái Lan, cũng không thể không nhắc tới một quan ngại lâu nay. Đó là việc chúng ta đã tập trung quá mức cho phát triển hệ thống bán lẻ có yếu tố nước ngoài trong thời gian qua.

Thực trạng trên đòi hỏi các nhà quản lý phải suy nghĩ, phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ trong nước để thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển lành mạnh, thông suốt.

 

theo Báo đầu tư