clock

Thị Trường

05:47 21-10-2017

Vì sao người Ấn làm được xe siêu rẻ, giá chỉ 70 triệu đồng?

Khi ông lớn Renault muốn chế tạo một chiếc xe có giá dưới 4.000 USD, nhiều người mỉa mai họ nên làm một chiếc công nông chứ không phải một chiếc ô tô 4 chỗ. Kết quả là chiếc Renault Kwid giá 3.500 USD ra đời.

Với người Ấn, xe giá 150 triệu đồng vẫn là quá đắt

Mumbai ồn ào đến ngạc nhiên. Là thành phố lớn và đông dân nhất Ấn Độ, mỗi m2 của Mumbai đều đầy ắp người sinh sống, đi kèm là âm thanh từ cuộc sống sinh hoạt thường nhật và tiếng động cơ ô tô xe máy không ngừng nghỉ. Người ta gọi âm thanh ở Mumbai là tiếng động của một thành phố di chuyển, "thành phố trên xe".

Nhu cầu cho những chiếc xe ô tô ở đây bức thiết hơn ở bất kỳ đâu trên thế giới, một phần vì dân số, phần khác vì thời tiết. Ấn Độ là một trong những quốc gia có khí hậu nóng vào bậc nhất thế giới. Đường phố Ấn có thể tan chảy dưới nhiệt độ ngoài trời đôi lúc vượt ngưỡng 50 độ vào mùa hè. Họ khao khát hơn bao giờ hết việc có một chiếc xe ô tô để di chuyển trong điều kiện khắc nghiệt đến thế.

Năm 2010, xe máy và xe đạp vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu, vì nó rẻ. Quy mô thị trường ô tô của Ấn Độ khi ấy chưa bằng 25% so với xe hai bánh, lại bị chi phối bởi ông lớn nước Nhật với modern Maruti Suzuki 800 - chiếc xe nhỏ, kiểu dáng cũ kỹ, đời 1986-2011, hầu như không có nội thất, giá 4.000 USD. Cho đến nay, Maruti vẫn chiếm tới 47% thị phần ô tô Ấn.

Vì sao người Ấn làm được xe siêu rẻ, giá chỉ 70 triệu đồng? - Ảnh 1.

Những chiếc xe Suzuki đời cổ từ 1986 từng là phương tiện 4 bánh gia đình phổ biến tại Ấn Độ.

Với dân số đứng thứ hai thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ sớm trở thành quốc gia có thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Mỹ) trong thập kỷ tới, tăng trưởng ở mức 2 con số. Nhìn thấy tiềm năng của Ấn Độ, nhiều hãng xe nước ngoài muốn nhảy vào đây.

Thế nhưng trước năm 2010, ngoài Huyndai với khả năng thích ứng cao, những cái tên khác đều thất bại. Vấn đề chủ yếu của người Ấn là ở mức giá. Thu nhập bình quân của người Ấn khi ấy chỉ là 1.600 USD, và giá bán xe, ở mức nào, cũng hầu như vượt quá khả năng chi trả. Giấc mơ xe ô tô giá siêu rẻ gần như không có cơ hội trở thành sự thật, cho đến khi Renault vào cuộc.

Trong qúa khứ, Renault có trải nghiệm không mấy vui vẻ ở Ấn Độ. Liên doanh của tên tuổi này với một công ty nội là Mahindra nhận thất bại cay đắng trên thị trường Ấn, phải chia tay nhau trong ồn ào vào năm 2010. Khi đó, đứng trước thành công của Huyndai, và nhất là Suzuki, CEO Carlos Ghosn của Renault đã quyết định phải tạo ra một phiên bản ô tô có giá thấp hơn con số 4.000 USD. Dự án này được trao vào tay một giáo viên dạy toán nghỉ hưu.

Chiếc xe giá không tưởng của giáo viên toán học

Gerard Detourbet vốn là giáo viên môn toán học. Ông tham gia vào đội ngũ của Renault năm 1971, làm về nghiên cứu tính toán trừu tượng, phân tích kinh tế, phân tích đầu tư và dần dần trở thành một lãnh đạo của công ty này.

Ban đầu, Detourbet sử dụng một mẫu xe cơ bản của Renault để tính toán cải thiện bài toán chi phí. Mục tiêu của Detourbet là giảm 50% giá xe sau khi đã loại bỏ tất cả những tùy chọn có thể, thay đổi trong kết cấu, thậm chí là nguyên vật liệu, nhằm đưa giá về dưới 4.000 USD. Thế nhưng, dù mất hàng tháng trời, Detourbet vẫn không xoay xở nổi.

"Bỏ đi, chúng ta sẽ làm một chiếc xe khác. Hãy xây nó lên từ con số 0!", Detourbet nói với nhóm của mình.

Kế hoạch của Detourbet được CEO Carlos Ghosn ủng hộ, nhưng lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của các cổ đông Renault, bởi thực tế đập thẳng vào mắt họ: Không nhà cung cấp nào có thể tạo được khung sườn, động cơ, bộ truyền động với cái giá mà Gerard Detourbet đề nghị. "Làm công nông mới có giá đó, ô tô thì đừng mơ!", người ngoài thầm cười với nhau như vậy khi nói về tham vọng của Renault.

Vì sao người Ấn làm được xe siêu rẻ, giá chỉ 70 triệu đồng? - Ảnh 2.

Đây là thành quả ngọt ngào từ dự án không tưởng của Renault.

Không ngại khó, Debournet quyết định hợp tác với các nhà cung cấp trong nước, những đơn vị trước đó thực sự chế tạo máy công nông. Họ phát triển chiếc ô tô giá rẻ đặt thương hiệu ông lớn nước Pháp với mức giá bằng một chiếc công nông bằng việc cắt bỏ tất cả các tùy chọn có thể, tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 98%, giữ lại điểm cốt yếu nhất là khả năng lái ổn định, độ rung chấp nhận được, sức bền và độ an toàn.

Kết quả sau 4 năm ngọt ngào hơn bất cứ điều gì Renault và Debourbet tưởng tượng: Chiếc Renault Kwid thuộc dòng hatchback có giá chỉ 3.500 USD - 4.200 USD (khoảng 70 - 85 triệu đồng) ra đời năm 2015, trở thành cú sốc lớn cho cả thế giới. Doanh số bán 2015 đạt 54.000 xe, đến năm 2016 là 130.000 xe. Từ con số 0, sau 1 năm, Renault nắm giữ 5% thị phần bán xe tại quốc gia 1,3 tỷ dân.

Vì sao người Ấn làm được xe siêu rẻ, giá chỉ 70 triệu đồng? - Ảnh 3.

Những mẫu xe Kwid sau này ra nhiều phiên bản tùy chọn hơn, nhưng mẫu cơ bản được cải tiến vẫn có giá chỉ 4.300USD.

Dù bị chê bai là mẫu xe thiếu mạnh mẽ và chẳng hề tinh tế, nhưng với người Ấn, Renault Kwid là chiến thắng của họ. Hơn 90% số xe Kwid được mua là chiếc xe đầu tiên của người chủ sở hữu, và chiếc xe, dù với mức giá cực kỳ khiêm tốn, cũng đã biến đổi cuộc sống của họ sâu sắc, đưa họ vào tầng lớp dân trung lưu ở Ấn Độ.

Và với tỷ lệ nội địa hóa ở mức không có một hãng xe nhập khẩu nào có thể tiếp cận được, người Ấn mua xe không chỉ vì chính họ, mà còn đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của cả quốc gia. Đó là lý do dù nhiều người gọi Renault Kwid là "xe nông dân", nhưng những người khác lại coi đó biểu tượng mới của đất nước này.

 

theo Nhịp sống kinh tế