clock

Thị Trường

05:40 30-09-2017

Vì sao nhiều nông sản Việt kém cạnh tranh với hàng Thái, Trung Quốc?

Đại diện một số doanh nghiệp nhập khẩu nông sản trong nước cho biết, giá cao hơn và mẫu mã chưa đồng đều... là một trong số nguyên nhân khiến nông sản Việt khó cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan.

Tại buổi xúc tiến thương mại đưa nông sản Việt Nam vào Hàn Quốc diễn ra sáng 29/9, các chuyên gia cho biết mặc dù có tới trên 70% dân số đã và đang sống nhờ vào đầu tư, canh tác và kinh doanh nông sản song vấn đề tìm đầu ra cho các sản phẩm còn rất nhiều khó khăn.

Thị trường tiêu thụ hẹp được xác định một rào cản lớn với nông sản Việt Nam, do vậy việc tìm và mở rộng tiêu thụ luôn là nỗi trăn trở của doanh nghiệp và người nông dân.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó chủ tịch Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA Việt Nam) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp khi tìm kiếm và phát triển thị trường còn khó khăn đó là do cách làm "tự phát" của chúng ta.

"Chúng ta chưa có định hướng và quy hoạch rõ ràng vùng chuyên canh, chưa có tiêu chuẩn cụ thể và sự ràng buộc giữa nhà phân phối và người nông dân, chưa có chuẩn quy định về thị trường nông sản… do vậy dẫn đến sự không minh bạch giữa và khó tạo niềm tin cho người mua hàng về ranh giới giữa sạch và bẩn", ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Chính vì điều này, Phó chủ tịch Hội DAA Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, chúng ta khó có thể thuyết phục được đối tác đặc biệt là đối tác nước ngoài mua hàng nông sản của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, để chất lượng hàng nông sản của Việt Nam có thể đáp ứng được những thị trường khó tính thì cần có định hướng phát triển một cách căn cơ.

"Ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu và quy hoạch vùng nông sản rất rõ ràng và chặt chẽ để đảm bảo phát huy được lợi thế địa hình, khí hậu và hơn nữa sẽ giám sát được chất lượng nông sản", ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Bên cạnh đó, cần hạn chế và phải tiến đến loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi đồng ruộng Việt Nam, đầu tư mạnh mẽ vào quy trình thu hoạch và sau thu hoạch bằng phương pháp organic...

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng Chính phủ, bộ ngành nên để các doanh nghiệp tự tìm kiếm và xúc tiến thị trường vì họ sẽ hiểu về chất lượng và nhu cầu cụ thể của từng thị trường. Từ đó họ chủ động trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cho từng loại để đảm bảo theo đúng nhu cầu và tiêu chí của thị trường đó.

Đại diện CJ Freshway, doanh nghiệp thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc - cho biết họ đang nhập khẩu rất nhiều các loại sản phẩm nông sản từ Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand… mà không phải từ Việt Nam.

Theo vị này, một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt khó cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu Hàn Quốc đó là vấn đề về mẫu mã, chất lượng.

Cụ thể như với mặt hàng cà rốt tươi thì sản phẩm Việt Nam từng bị thông báo nhiễm bệnh, sau đó lệnh cấm nhập khẩu được tháo gỡ nhưng có ràng buộc điều kiện nên rủi ro cho đơn vị xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, giá cà rốt của Trung Quốc rẻ hơn khoảng 20% và mẫu mã lại đồng đều hơn so với cà rốt Việt Nam.

Không chỉ cà rốt, theo vị này, các rau củ quả khác như hành, hẹ, hành tây, tỏi… của Việt Nam cũng được chỉ ra rằng đang có giá cao gấp 1,5 lần so với thị trường Trung Quốc. Chưa kể, Việt Nam thiếu nhà máy có cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất phù hợp cho loại mặt hàng này.

Một số doanh nghiệp khác cũng chỉ ra những vấn đề trong khâu thiết kế bao bì sản phẩm của nhiều nông sản Việt Nam như: thiếu chuyên nghiệp, kém hấp dẫn hơn so với những mặt hàng cùng loại của các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc…

 

theo Bizlive