clock

Doanh Nghiệp

06:04 28-02-2018

Vì sao sau gần một năm Eximbank và khách VIP không tìm được phương án đồng thuận?

Đại diện Eximbank cho hay, dù đã thể hiện phần trách nhiệm của ngân hàng trong sự việc này nhưng giữa ngân hàng và khách hàng chưa đạt được thỏa thuận chung.

Vì sao vẫn còn vướng mắc?

Liên quan đến sự việc ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh TP HCM rút hàng trăm tỷ đồng của khách hàng rồi bỏ trốn, dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm bồi thường 245 tỷ đồng của Ngân hàng Eximbank đối với khách hàng sẽ như thế nào? 

Tại sao hiện giờ ngân hàng và khách hàng vẫn chưa tìm được tiếng nói đồng thuận và phải chờ đến phán quyết của tòa án?

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank cho biết, Eximbank đã có văn bản trả lời khách hàng trong sự việc này là bà Chu Thị Bình, theo hướng ngân hàng này cam kết bảo đảm quyền lợi, hoàn trả cho bà Bình toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm sau khi tòa án phán quyết ngân hàng bị thiệt hại theo vụ việc Eximbank khởi kiện ông Lê Nguyễn Hưng.

Tuy nhiên, theo vị đại diện của ngân hàng Eximbank, do khách hàng Chu Thị Bình không đồng ý ra tòa cũng như không đồng thuận với phương án tạm ứng vừa được hội đồng quản trị Eximbank đề xuất (gần nhất là trong cuộc họp giữa hai bên vào ngày 27/2), nên ngân hàng và bà Bình chưa tìm được tiếng nói chung liên quan đến sự việc.

"Giải pháp tạm ứng một tỉ lệ cho khách hàng thể hiện phần trách nhiệm trả tiền cho khách hàng của ngân hàng trong sự việc này. Nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận giữa hai bên, nên Eximbank vẫn chờ quyết định của toà để tính toán các khoản cần thanh toán cho khách hàng", ông Lê Văn Quyết cho hay.

Lý giải thêm cho việc vì sao ngân hàng Eximbank vẫn chưa thể bồi hoàn tiền cho khách hàng và kiên định với việc chờ phán quyết của tòa án, vị Tổng giám đốc nhấn mạnh, Eximbank là ngân hàng có niêm yết nên mọi việc phải thông qua cổ đông.

Do đó, phán quyết của tòa án là cơ sở để ngân hàng thực hiện việc đưa ra các phương án giải quyết, nhằm đảm bảo quy trình xử lý khiếu nại của khách hàng theo đúng pháp luật.

"Nếu tòa xác định ngân hàng sai đến đâu thì chúng tôi sẽ bồi hoàn cho khách hàng đến đó, ngay lập tức", ông Quyết nói.

Về vụ việc này, ông Lê Văn Quyết cũng cho biết thêm về các biện pháp mà ngân hàng này đã triển khai để kiểm soát tình hình cũng như ngăn chặn những tình huống tương tự có thể xảy ra.

Đại diện Eximbank cho hay, ngay tại thời điểm phát hiện và tố giác hành vi của ông Lê Nguyễn Hưng, ngân hàng đã rà soát, kiểm tra toàn bộ khách hàng VIP, tăng cường giám sát giao dịch khách hàng có liên quan đến ủy quyền giao dịch cho nhân viên ngân hàng.

Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ áp dụng quy trình khi giao dịch tiền mặt tại nhà cần phải có tối thiểu 3 người gồm kế toán, thủ quỹ, kế toán và bảo vệ.

Trách nhiệm trả 245 tỷ đồng cho khách của Eximbank như thế nào?

Mặc dù khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, nhưng gần một năm trôi qua, kể từ ngày 6/3/2017 khi Eximbank gửi đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của ông Lê Nguyễn Hưng đến Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an, đề nghị điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ.

Liên quan đến trách nhiệm của ngân hàng Eximbank trong vụ việc mất hàng trăm tỷ đồng của khách hàng, chuyên gia kinh tế ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đưa ra hai tình huống.

Nếu ngân hàng Eximbank chỉ mở vụ kiện với cán bộ của mình là ông Lê Nguyễn Hưng và khách hàng không liên đới đến việc phạm pháp của ông Hưng, thì trách nhiệm trả tiền cả gốc lẫn lãi cho khách hàng là phải ngay lập tức. Sau khi bồi thường cho khách hàng, ngân hàng theo đuổi vụ kiện với nhân viên và lấy lại khoản tiền đã mất.

Nếu có, trong vụ kiện mà Eximbank nêu, ngoài cán bộ ngân hàng là can phạm, nếu khách hàng được nêu tên là đồng phạm thì ngân hàng sẽ chờ phán quyết của tòa án sau đó mới đưa ra phương án giải quyết tiếp theo.

Hiện tại, Eximbank cần nhanh chóng đưa ra thông báo chính thức về vụ kiện đang theo đuổi, cụ thể hơn về vị trí của khách hàng trong vụ kiện, như vậy mới có thể tìm được tiếng nói chung giữa hai bên và nhanh chóng thúc đẩy giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, đúng như Eximbank cam kết.

"Trong sự việc này, giả sử khách hàng không liên đới đến hành vi gian lận của nhân viên ngân hàng thì khi thời gian vụ việc kéo dài lâu, người chịu thiệt hại là khách hàng", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

 
 

theo Nhịp sống kinh tế