clock

SỰ KIỆN

10:04 17-10-2016

Việt Nam tiếp nhận vai trò chủ trì tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017

Trong hai ngày 14-15/10/2016, Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế thành viên APEC đã nhóm họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 23 tại Lima, Peru. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà làm trưởng đoàn cùng các thành viên từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tham dự hội nghị.

 

Các trưởng đoàn tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 23.

Các trưởng đoàn tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 23.

Với chủ đề “Tăng cường chính sách công vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hội nhập và bền bỉ”, các Bộ trưởng đã thảo luận về tình hình kinh tế tài chính quốc tế và khu vực, các chủ đề hợp tác ưu tiên, sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào tiến trình hợp tác, cũng như việc triển khai Kế hoạch hành động Cebu và đổi mới tiến trình hợp tác Bộ trưởng Tài chính APEC.

Tại phiên họp nội bộ, các Bộ trưởng đã thảo luận về tình hình kinh tế khu vực và những nỗ lực cải cách cơ cấu của các nền kinh tế thành viên APEC hướng tới tăng trưởng bền vững, mạnh mẽ, cân bằng và bao trùm vì lợi ích của mọi người.

Các Bộ trưởng đã nhấn mạnh vai trò của cải cách cơ cấu đối với cải thiện tăng trưởng, đặc biệt là thúc đẩy thương mại, đầu tư và sự ổn định của hệ thống tài chính. Các Bộ trưởng khuyến khích tất cả các nền kinh tế APEC thực thi chính sách cải cách cơ cấu, đồng thời chú trọng đào tạo kỹ năng cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực thi chính sách.

Tại phiên họp chính thức, các Bộ trưởng đã thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô khu vực và toàn cầu năm 2016, triển vọng trong năm 2017 và một số năm tiếp theo; thông qua đổi mới tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC và Kế hoạch hành động Cebu; nghe báo cáo và cho ý kiến về các chủ đề sáng kiến 2016 và những nội dung liên quan.

Về tình hình kinh tế thế giới và khu vực, các Bộ trưởng đều có chung nhận định tình hình kinh tế thế giới và khu vực đều giảm sút hơn so với năm 2015. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực APEC trong năm 2016 chỉ đạt 2,9%, thấp hơn năm 2015 (3,1%).

Mặc dù triển vọng năm 2017 tăng trưởng dự báo có thể đạt mức 3,2%, song khu vực vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự phục hồi chậm của một số nền kinh tế đầu tầu của khu vực, tác động của việc nước Anh rời khỏi EU, và xu hướng bảo hộ đang gia tăng trong khu vực.

Thảo luận về những nỗ lực đổi mới và định hướng các hoạt động hợp tác trong tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC, các Bộ trưởng đã thông qua đề xuất đổi mới tiến trình hợp tác hướng tới các hoạt động hợp tác cụ thể và hiệu quả, tăng cường vai trò của các nước thành viên.

Theo đó, các sáng kiến được đề xuất cần gắn với các quyết định và chương trình hành động đã được các Bộ trưởng thông qua tại các hội nghị trước. Việc triển khai các sáng kiến cần được thường xuyên đánh giá về mục tiêu, hoạt động, tiến độ triển khai. Các hội nghị của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC cũng cần tập trung thảo luận về các vấn đề cụ thể gắn với các kết quả đầu ra.

Về việc tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động Cebu đã được các Bộ trưởng thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tháng 9/2015 tại Cebu, Philippines, các Bộ trưởng đã thông qua Chiến lược triển khai Kế hoạch hành động Cebu, theo đó khuyến khích các nền kinh tế thành viên lựa chọn 1 đến 3 sáng kiến/kết quả đầu ra trong Kế hoạch hành động Cebu trên cơ sở tự nguyện để thực hiện và báo cáo kết quả vào cuối năm 2018 và 2020, làm cơ sở đánh giá và đưa ra định hướng triển khai tiếp theo.

 

Thứ trưởng Trần Xuân Hà tại Hội nghị.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà tại Hội nghị.

Các Bộ trưởng cũng đã nghe báo cáo tiến độ và cho ý kiến về các kết quả triển khai các chủ đề ưu tiên của APEC 2016. Đối với chủ đề Thúc đẩy sự phát triển Cổng thông tin PPP, các Bộ trưởng đề xuất cần tăng cường kết nối nhằm cung cấp thông tin về (i) Thực tiễn về hoạt động PPP của các nước; (ii) Các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP do các nước thành viên APEC thực hiện; (iii) Thông tin liên lạc với khu vực tư nhân, các chuyên gia tư vấn làm việc cho các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP; và (iv) Các công cụ về tài chính, pháp lý và công cụ giảm thiểu rủi ro cho khu vực công và khu vực tư nhân đối với các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực APEC.

Đối với chủ đề tăng cường chính sách tài chính toàn diện, các Bộ trưởng đã thông qua báo cáo kết quả hoạt động hợp tác trong năm, theo đó phát triển cổng thông tin với 4 nội dung thông tin liên quan đến (i) Thực tiễn về hoạt động PPP của các nước; (ii) Các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP do các nước thành viên APEC thực hiện; (iii) Đường dẫn đến các công ty tư nhân, các chuyên gia tư vấn làm việc cho các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP; và (iv) Các công cụ về tài chính, pháp lý và công cụ giảm thiểu rủi ro cho khu vực công và khu vực tư nhân đối với các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực APEC.

Về chủ đề Cải thiện bền vững tài chính ứng phó với thiên tai, các Bộ trưởng đã thông qua báo cáo về hoạt động của Nhóm công tác về Tài chính ứng phó với thiên tai trong năm 2016 với các hoạt động hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai và phát triển các sản phẩm tài chính nhằm giảm nhẹ tác động của rủi ro thiên tai như các sản phẩm bảo hiểm.

 

Tham gia tại các phiên thảo luận, đoàn Việt Nam đã đóng góp tích cực vào tiến trình hội nghị. Về vấn đề cải cách cơ cấu, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã nhấn mạnh sự cần thiết của cải cách cơ cấu, những định hướng và giải pháp thực hiện mang tính phổ biến chung của khu vực.

Đồng thời, Thứ trưởng đã cập nhật về tiến trình cải cách cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua trên các khía cạnh: tái cơ cấu đầu tư công, cải cách DNNN mà trọng tâm là cổ phần hóa, cơ cấu lại hệ thống tài chính ngân hàng, trong đó có vấn đề cơ cấu lại ngân sách và an toàn nợ công.

Nhờ nỗ lực trong tiến trình cải cách cơ cấu trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã có được tăng trưởng khá khoảng 6,5% - 6,7% trong năm 2016, lạm phát dưới 5%, hệ thống tài chính đã được tăng cường. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động, chất lượng đầu tư, tạo sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như sức cạnh tranh từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm.

Việt Nam cũng thể hiện sự ủng hộ đối với những đề xuất đổi mới tiến trình Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch hành động Cebu hướng tới các hoạt động cụ thể và hiệu quả, đem lại ý nghĩa thiết thực cho khu vực; đồng thời nhấn mạnh việc thảo luận và đánh giá tình hình tài chính toàn cầu và khu vực cần làm rõ các chính sách và công cụ tài chính mà khu vực cần hướng tới nhằm phát triển bền vững, cân bằng, ứng phó với biến đổi của tình hình kinh tế thế giới; việc đề xuất các sáng kiến cần có tính kế thừa và hướng tới các hành động cụ thể và đem lại kết quả có ý nghĩa trong khu vực.

Thay mặt cho Lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã tiếp nhận vai trò chủ trì tiến trình Bộ trưởng tài chính APEC 2017. Việt Nam cam kết tiếp tục kế thừa các thành quả đã đạt được trong năm 2016 phù hợp với tinh thần đổi mới tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC và thực hiện Kế hoạch hành động Cebu.

 

 

Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính

Theo Tạp chí Tài chính