clock

Tài Chính

11:14 03-01-2018

Vn-Index vượt 1.000 điểm

Tiếp cơn hưng phấn ngày hôm qua, sắc xanh áp đảo đã đưa chỉ số chứng khoán chính trên sàn HOSE vượt mốc 1.000 điểm.

Sáng nay, chỉ số chứng khoán Vn-Index đã chính thức cán qua mốc 1.000 điểm, nhờ vào sức tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và dầu khí. 21 mã trong VN30 tăng giá, trong đó VIC, MSN, GAS tăng giá mạnh nhất, lần lượt cộng thêm gần 2%, chạm mốc 80.000 đồng, 82.000 đồng và 97.000 đồng. HBC hồi phục nhẹ sau nỗ lực mua cổ phiếu cứu giá của Chủ tịch Lê Viết Hải.

ROS là đại diện cho mức giảm điểm trong phiên mở cửa sáng nay, khi mất tới 5,4%, chỉ còn giao dịch quanh mốc 160.000 đồng.

Trên sàn Hà Nội, dù lượng cổ phiếu tăng giá ít hơn hẳn so với cổ phiếu giảm giá, nhưng HNX-Index vẫn đang xanh điểm. SHB, VCS là đầu tàu dẫn điểm trên sàn này. PVS vẫn lọt top cổ phiếu thanh khoản, trong khi .

Chỉ trong vòng 1 tiếng, sàn TP HCM đã sang tay hơn 1.700 tỷ đồng, còn HSX tiệm cận 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, một số chuyên gia chứng khoán đánh giá Vn-Index trong năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng, vượt qua mức kỷ lục năm 2007 và có thể đạt từ 1.200 - 1.300 điểm. Những người lạc quan còn cho rằng khó có dấu hiệu nguội của thị trường trong năm nay, trong khi đà tăng bùng nổ sẽ xuất hiện ngay vào quý I/2018.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường trong năm tới trong tài liệu đánh giá về thị trường năm 2018 với tiêu đề "Sóng sau xô sóng trước". Theo đó, với điều kiện bình thường, VN-Index sẽ tăng 17 - 19%, còn ở kịch bản tốt nhất khi được cân nhắc thăng hạng, VN-Index có thể tăng 45 - 67%.

Với dự báo này, VDSC kỳ vọng VN-Index có khả năng kết thúc năm 2018 ở mức từ 1.170 điểm trong điều kiện bình thường và đạt đến 1.640 điểm trong điều kiện tốt nhất.

Ngoài những yếu tố nói trên, công ty chứng khoán này cũng nhấn mạnh về yếu tố thanh khoản của thị trường khi dự báo giá trị giao dịch sẽ tiếp tục tăng, đạt 5.000 - 6.000 tỷ đồng mỗi phiên. Theo đó, thanh khoản thị trường sẽ được hỗ trợ bởi "nguồn cung" - "nguồn cầu" nhiều hơn, chính sách nới lỏng tiền tệ và các cơ chế mới như chứng khoán, giao dịch T+0.

 

theo Nhịp sống kinh tế