clock

Bất Động Sản

10:14 11-07-2017

Vốn ngoại tỷ đô tiếp tục rót vào thị trường địa ốc Việt

Trong 6 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,24 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những lĩnh vực nổi bật nhất là thị trường bất động sản với nhiều thương vụ có giá trị lớn.

Theo một báo cáo mới đây của JLL Việt Nam, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư, chính trị ổn định và nền kinh tế tăng trưởng nhanh đã thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Theo đó, lượng vốn FDI đang không ngừng gia tăng trong những năm qua. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2017, Việt Nam đã thu hút khoảng 19,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.

Thị trường bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2017 với hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập. Thị trường bất động sản Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động M&A.

Làn sóng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm không thể không nhắc tới nhà đầu tư đến từ Nhật. Tại khu Nam, hai tập đoàn của Nhật là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã thâu tóm 50% cổ phần trong dự án Khu Đô thị Nguyên Sơn (tên mới là Mizuki Park) từ tay Nam Long.

Đây được xem là một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong năm nay, đồng thời có thể giúp Nam Long ghi nhận được lợi nhuận 300 tỷ đồng. Một nhà đầu tư khác của Singapore là Keppel Land cũng chi ra 37 triệu USD để gia tăng thêm 16% lợi ích trong Trung tâm thương mại cao cấp Saigon Centre. Tập đoàn này cũng đang liên doanh với các đối tác trong nước như Tiến Phước, Trần Thái trong dự án cao nhất Việt Nam Empire City 86 tầng trị giá 1,2 tỉ USD.

Sau thương vụ đầu tư vào Năm Bảy Bảy, quỹ đầu tư Creed Group cùng đối tác trong nước là An Gia Investment trong tháng 3 cũng đã hoàn tất việc thâu tóm nốt 5 block còn lại tại dự án Lacasa (quận 7) của Vạn Phát Hưng. Theo Savills Việt Nam, giá trị của thương vụ này vào khoảng 40 triệu USD.

JLL cho biết hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các tập đoàn tại địa phương - những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại.

Qua quan sát của JLL, hiện có hàng trăm triệu đô la đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Phân khúc khách sạn luôn thu hút được sự quan tâm trong thời gian qua với nhiều nguồn vốn từ nước ngoài được đổ vào Việt Nam. Chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, đồng thời những thị trường khác như khu công nghiệp và giáo dục cũng đang không ngừng tăng trưởng. Thị trường nhà ở bình dân được đánh giá là phân khúc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong khu vực, chúng tôi kỳ vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới trong năm 2017 và 2018.

Những thương vụ M&A đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm 2017

 

Dự báo của một số công ty nghiên cứu thị trường cho thấy từ đây đến cuối năm có thể xuất hiện một số thương vụ M&A lớn đáng chú ý, trong đó có thể là thương vụ Quốc Cường Gia Lai hoàn tất việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho một công ty có liên quan đến nhóm Vạn Thịnh Phát; Phát Đạt có thể bán dự án cao cấp The EverRich 3 cho một tập đoàn khác để có nguồn tiền trả nợ cho Ngân hàng Đông Á, trong khi lãnh đạo Nam Long đang xem xét chuyển nhượng Khu Đô thị Waterpoint diện tích 350ha tại Long An cho một nhà đầu tư khác...

Theo Nguyên Minh

Nhịp sống kinh tế