clock

Trong Nước

09:49 10-04-2018

“Xây biệt phủ trên đất nông nghiệp, dân hay quan đều xử công bằng”

Việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật trước hết là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Phương Hoa, việc xử lý vi phạm các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật là công bằng, không phân biệt người vi phạm là tổ chức hay cá nhân, kể cả cán bộ, công chức nhà nước.

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông, lâm nghiệp thành đất ở trái quy định của pháp luật là vấn đề nóng được nhiều nông dân quan tâm. Tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân ngày 9/4, ông Trần Văn Chính (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã chỉ ra thực trạng này.

Theo đó, ông Chính cho biết, ở một số địa phương hiện nay có hiện tượng cán bộ lạm dụng quyền hạn, chức vụ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông, lâm nghiệp thành đất ở trái quy định của pháp luật.

"Thậm chí họ còn ngang nhiên xây biệt thự, biệt phủ trên đất nông, lâm nghiệp. Khi bị dư luận lên án, họ chỉ bị xử lý kỷ luật, còn biệt thự, biệt phủ thì vẫn tồn tại. Trong khi đó, người nông dân nếu có vi phạm thì ngoài việc bị xử lý theo pháp luật còn bị cưỡng chế dỡ bỏ ngay…Vậy, Chính phủ có biện pháp gì để xử lý hiện tượng này nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của mọi người dân trước pháp luật?", ông Chính đặt câu hỏi.

Giải đáp thắc mắc của ông Chính, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Phương Hoa cho biết, pháp luật đất đai đã quy định trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, theo bà Hoa, người có hành vi vi phạm còn chịu xử phạt bổ sung là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; nếu không chấp hành xử phạt sẽ bị thu hồi đất theo quy định tại Điều 64 của Luật Đất đai.

"Việc xử lý vi phạm các trường hợp chuyển mục đích trái pháp luật theo quy định của Luật đất đai là công bằng, không phân biệt người vi phạm là tổ chức hay cá nhân, kể cả cán bộ, công chức nhà nước.

Việc xử lý các trường hợp có vi phạm trong việc xây dựng biệt phủ mà báo chí đã nêu đều đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kết luận mức độ sai phạm và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật", bà Hoa nói.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng này trước hết thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh theo Điều 208 của Luật Đất đai; trường hợp phải thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định theo Điều 66 của Luật đất đai.

Ngoài ra, nếu cơ quan báo chí và người dân còn phát hiện trường hợp kết luận sai phạm chưa đúng hoặc đã kết luận sai phạm mà chưa xử lý thì tiếp tục phản ánh để Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra làm rõ để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

 

Duyên Duyên/ Vneconomy