clock

Trong Nước

05:13 21-03-2018

Xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp là “đột phá của đột phá”

Theo TS. Trần Du Lịch thì chính sách ưu đãi không phải là thứ doanh nghiệp Việt Nam cần nhất...

Đột phá của đột phá để tăng trưởng kinh doanh là xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, TS. Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm tại hội thảo kinh tế Việt Nam thường niên do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, sáng 20/3.

Vị diễn giả rất quen thuộc của diễn đàn cũng nhấn mạnh rằng chính sách ưu đãi không phải là thứ doanh nghiệp cần nhất.

Doanh nghiệp Việt cần gì?

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước vận hội mới để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, tránh 2 nguy cơ: "bẫy nhập trung bình" và "dân số chưa giàu đã già", theo ông Trần Du Lịch.

Và, để tránh 2 nguy cơ này, kinh tế Việt nam phải đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong ít nhất vài thập niên tới.

Để thực hiện sứ mệnh này trước hết tùy thuộc vào khát vọng và niềm tin. "Điều mà doanh nghiệp đang cần mà tôi muốn chia sẻ là: doanh nghiệp Việt Nam cần một môi trường khả dĩ nuôi dưỡng sự sáng tạo; một thể chế kinh tế ở đó sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường. Nhà nước ngày càng phát huy vai trò "bà đỡ" cho thị trường; bổ khuyết những khuyết tật của thị trường", ông Lịch phát biểu.

Vị chuyên gia thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thêm một lần nhấn lại quan điểm ông đã nói nhiều lần. Đó là, để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng trước hết cần nhận thức lại chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường. Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển của quốc gia, chứ Nhà nước không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời.

Kinh doanh kiếm lời là chuyện của thị trường. Thu hẹp lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiện nay chính là tạo điều kiện để thị trường phân bố có hiệu quả các nguồn lực phát triển và tạo lập đầu tư kinh doanh bình đẳng, ông Lịch bày tỏ quan điểm.

Trong tham luận gửi tới hội thảo, vị chuyên gia kinh tế cũng in nghiêng những dòng sau đây: Trong điều kiện nước ta hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh tùy thuộc vào 3 nhân tố: kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Đây chính là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt, chứ không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.

Tâm lý hoài nghi vẫn dai dẳng

Cũng rất gắn bó với hội thảo qua hàng năm là chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.

Cho biết năm 2017 theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, song ông Thành nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Tâm lý hoài nghi vẫn khá dai dẳng. Thâm hụt ngân sách vẫn cao (tính như trước đây vẫn khoảng trên dưới 6%). 

Những vấn đề nội tại của hệ thống tài chính ngân hàng, như nợ xấu, sự yếu kém của một số ngân hàng,.. vẫn là nguy cơ gây bất ổn tài chính và kinh tế vĩ mô. Dù có cải thiện theo hướng tăng năng suất, mô hình tăng trưởng dựa vào tăng vốn và lợi thế so sánh tĩnh (chi phí lao động tương đối thấp,..) chậm thay đổi. Tăng trưởng dựa ngày càng lớn vào khu vực FDI, trong khi mối liên kết với doanh nghiệp trong nước yếu và mức độ lan tỏa về công nghệ, kỹ năng từ FDI còn hạn chế.

Hơn nữa, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đã đẩy mạnh hơn, nhất là đối với một số ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, song vẫn chưa được như mong đợi, ông Thành nhìn nhận.

Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng, kết quả phát triển năm 2017 là tiền đề tốt cho năm 2018. Gần 50% doanh nghiệp trong một điều tra cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sang năm 2018 sẽ thuận lợi hơn. Chương trình cải tổ khu vực doanh nghiệp nhà nước đã rõ và sẽ được đẩy mạnh trên thực tế. Nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua tháng 6/2017 sẽ là cú hích đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

Đặc biệt, với tinh thần một Chính phủ "kiến tạo, liêm chính, hành động", bộ máy hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục là trọng tâm của công cuộc cải cách.

Năm 2018, theo TS. Võ Trí Thành thì Việt Nam rất cần hài hoà câu chuyện tăng trưởng trong ngắn hạn và tăng cường nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô cũng như cải cách thể chế. Cùng với đó là việc cân bằng trong xử lý các vấn đề xã hội và phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động tốt hơn nữa. Đây không chỉ là cách giúp tăng trưởng có chất lượng hơn, phát triển bao trùm hơn, mà còn tạo khả năng kháng cự tốt hơn với các cú sốc có thể có đối với nền kinh tế.

Nhìn tổng thể, ông Thành cho rằng những năm tới đây thực sự là thời khắc hệ trọng đối với tiến trình cải cách, phát triển của Việt Nam. Thách thức là vô cùng to lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế. Đòi hỏi xã hội lại rất cao. Quyết tâm và ý chí chính trị là chưa đủ.

Để tạo dựng và tăng cường lòng tin xã hội và thị trường, Việt Nam cần kiên trì, nhất quán với chính sách tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế một cách thực chất để đón bắt tốt hơn xu thế phát triển mới của thế giới và thời đại. 

Cùng với đó, trong một xã hội ngày càng đòi hỏi và đa dạng, thì cách thức tương tác, giao diện giữa nhà nước với người dân, giữa nhà hoạch định chính sách với thị trường càng cần phải đàng hoàng hơn, minh bạch hơn và có khả năng giải trình cao hơn, ông Thành nêu quan điểm.

 

Hà Vũ/ Vneconomy