clock

Thị Trường

07:37 26-04-2018

Xuất khẩu cao su tăng lượng, giảm giá trị

Giá cao su xuất khẩu trong 3 tháng đầu ở mức 1.496 USD/tấn, giảm 547 USD/tấn so với mức giá bình quân của quý 1/2017...

Khối lượng cao su xuất khẩu trong tháng 4/2018 ước khoảng 62,86 ngàn tấn, với 90,68 triệu USD; lũy kế 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 323,75 ngàn tấn, trị giá 476,38 triệu USD, tăng 7,38% về lượng nhưng giảm 21,6% về giá trị so với cùng kỳ 2017. 

Do chịu tác động trước biến động của giá dầu và diễn biến tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, những ngày đầu tháng 4/2018, giá cao su trong nước giảm mạnh. Tuy nhiên, khi "cuộc chiến" thương mại có phần dịu lại và dần về cuối tháng, giá cao su đã dần tăng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, quý 1/2018, xuất khẩu cao su cả nước đạt 260,91 ngàn tấn, với trị giá 385,73 triệu USD, tăng 4,7% về lượng, nhưng giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. 

Giá xuất khẩu cao su trong tháng 3/2018 trung bình ở mức 1.496 USD/tấn, tăng 0,2% so với giá xuất khẩu trung bình tháng 2/2018 nhưng giảm 28,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Top 3 thị trường xuất khẩu chủ lực của cao su Việt Nam là Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ, duy chỉ thị trường Trung Quốc giảm 2 con số, còn xuất khẩu sang các thị trường khác như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Đức,... đều tăng mạnh.

Theo Trung tâm Thông tin Hải quan Trung Quốc, 2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 2,62 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 3 với kim ngạch đạt 226,3 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trong 2 tháng đầu năm 2018, thị phần nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ Việt Nam đã giảm xuống mức 8,6% so với mức 10,5% của cùng kỳ năm 2017.

Nhìn nhận trong cả năm 2018, Bộ Công Thương nêu rõ: "thị trường cao su thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc có thể chậm lại do ngành công nghiệp ôtô nước này dường như đã đạt ngưỡng".

Nhập khẩu cao su của Hàn Quốc trong các tháng đầu năm giảm, nhưng Hàn Quốc lại nhập khẩu cao su chủ yếu từ Việt Nam, và Việt Nam đang là nước cung cấp cao su lớn thứ 3 tại thị trường Hàn Quốc. 

Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, 2 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 96,5 ngàn tấn cao su tự nhiên, trị giá 62,5 triệu USD, giảm 10,3% về lượng và giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù vậy, trong 2 tháng đầu năm, thị phần nhập khẩu cao su tự nhiên của Hàn Quốc từ Việt Nam lại tăng lên gần 14%, so với mức 11,6% của cùng kỳ năm 2017.

Còn tại thị trường Ấn Độ, theo Hội đồng Cao su Ấn Độ, tiêu dùng cao su tự nhiên tại Ấn Độ đã vượt 1 triệu tấn trong 11 tháng năm tài khóa 2017 - 2018 tính đến hết tháng 2/2018, trong khi sản xuất cao su tự nhiên nội địa chỉ đạt 640.000 tấn, khiến thâm hụt cao su tự nhiên tại Ấn Độ lên tới 360.000 tấn. 

Sản xuất cao su nội địa đã bắt đầu vào giai đoạn thấp điểm, kéo dài đến tháng 9/2018 và gây nhiều khó khăn cho ngành sản xuất lốp xe Ấn Độ. Vì vậy, việc Ấn Độ nhập cao su tự nhiên là cần thiết.

Trong khi xuất khẩu cao su tự nhiên có sự trồi, sụt ở nhiều thị trường thì xuất khẩu sản phẩm cao su lại ghi nhận sự tăng trưởng tốt.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 3/2018 Việt Nam đã xuất khẩu 61,3 triệu USD sản phẩm từ cao su, tăng 69,9% so với tháng 2, nâng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này quý I/2018 lên 153,1 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản phẩm từ cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất sang Nhật Bản đạt kim ngạch cao nhất 29,7 triệu USD tăng 14,45%, tính riêng tháng 3 đạt 11,7 triệu USD tăng 44,26% so với tháng 2/2018. Thị trường đạt kim ngạch đứng thứ hai là Mỹ 29,2 triệu USD, tăng 16,97%, tính riêng tháng 3 đạt 11 triệu USD, tăng trên 50% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm từ cao su sang các nước Đông Nam Á chiếm 13,6%, đạt 10,9 triệu USD tăng 18,3%, sang các nước EU chiếm 16,6% đạt 25,4 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Nhìn chung, quý I đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ cao su sang các thị trường đều đạt mức tăng trưởng tốt...

 

Khôi Nguyên/ Vneconomy