clock

Trong Nước

05:09 20-06-2018

Xuất khẩu sang Nam Phi gặp khó bởi rào cản thương mại

Không ít doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa sang Nam Phi do những rào cản thương mại, bảo hộ thương mại của nước này...

Việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nam Phi chủ yếu vẫn chịu sự cạnh tranh về thuế so với các nước đã ký Hiệp định thương mại tự do với Nam Phi.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cho biết, tính đến hết tháng 4/2018, xuất khẩu của Nam Phi đạt khoảng 357,1 tỷ Rand (tương đương với 29,8 tỷ USD), giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, nhập khẩu của quốc gia này đạt 374,7 tỷ Rand (tương đương với 31,2 tỷ USD), tăng 7,2%.

Trong tháng 4/2018, Việt Nam đã xuất khẩu 349 triệu USD hàng hóa vào thị trường Nam Phi và nhập khẩu 38,6 triệu USD hàng hóa từ thị trường này.

Ba sản phẩm chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi trong tháng 4 là máy móc thiết bị (217 triệu USD); giầy dép (45,8 triệu USD) và rau củ quả (22,5 triệu USD).

Ở chiều ngược lại, những sản phẩm mà Việt Nam nhập khẩu từ Nam Phi bao gồm rau củ quả (13,6 triệu USD); khoáng sản (4 triệu USD) và sắt thép (4,8 triệu USD)...

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu của Nam Phi trong năm 2017 đạt 171,3 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Nam Phi trong năm 2017 đạt 88,3 tỷ USD, giảm 7%; nhập khẩu đạt 83 tỷ USD, giảm 19,7%.

Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cho rằng, tình trạng sụt giảm trong ngoại thương của Nam Phi do nhiều yếu tố tác động, trong đó không thể không nhắc đến những rào cản thương mại và phi thương mại của nước này.

"Cụ thể là quy trình nhập khẩu phức tạp, hàng rào thuế quan, các tiêu chuẩn kỹ thuật, định giá hải quan trên giá hóa đơn hàng hóa, giấy phép nhập khẩu, các biện pháp chống bán phá giá, tình trạng quan liêu, tham nhũng, các quy định quá chặt chẽ, tình trạng mất cắp hàng hóa, ùn tắc tại cảng...", Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cho biết.

Đánh giá tác động của các biện pháp bảo hộ và phòng vệ thương mại của Nam Phi tới Việt Nam, cơ quan này cho rằng, việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Nam Phi chủ yếu vẫn chịu sự cạnh tranh về thuế so với các nước đã ký Hiệp định thương mại tự do với Nam Phi.

Bên cạnh đó là những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, xử lý các quy trình, thủ tục nhập khẩu vào Nam Phi. Những rủi ro do tình trạng an ninh cảng, phiền nhiễu từ nạn tham nhũng tại Nam Phi cũng là mối quan ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Nam Phi.

Khẳng định Nam Phi là thị trường tiềm năng tại Châu Phi và là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước lân cận; để giảm thiểu rủi ro, khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu, cập nhật thường xuyên các thông tin về chính sách thương mại của Nam Phi thông qua các cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp quan tâm thị trường Nam Phi cần mạnh dạn hơn nữa trong việc tìm hiểu thị trường này. Nên tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu thị trường hoặc tham gia các đoàn khảo sát, nghiên cứu thị trường do các đơn vị uy tín tổ chức, tham gia các Hội chợ triển lãm lớn tại Nam Phi và tổ chức liên hệ, đến thăm các doanh nghiệp đối tác tại Nam Phi.

"Nhận thức được những khó khăn còn tồn tại trong quan hệ thương mại Việt Nam - Nam Phi, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Nam Phi đã thiết lập cơ chế làm việc chính thức như tổ chức định kỳ các kỳ họp Tiểu ban Thương mại hỗn hợp giữa hai nước nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý trong việc trao đổi, thảo luận những khó khăn, hạn chế, những rào cản và đề xuất giải pháp nhằm phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy ký kết các Bản ghi nhớ như Bản ghi nhớ về hợp tác khoáng sản giữa hai nước cũng là một trong những sách lược nhằm tạo điều kiện cho những ngành hàng, mặt hàng đặc thù có thể trao đổi giữa hai nước", Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cho biết.

 

Duyên Duyên/ Vneconomy