clock

Trong Nước

06:42 03-10-2015

“Đáng tiền đầu tư” vì sao nông nghiệp vẫn lẹt đẹt?

Cách đây 5 năm tỷ trọng FDI vào nông nghiệp chiếm 5% thì 3 năm gần đây tỷ trọng này chỉ đạt gần 0,5%.

Chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu 2015, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, năm 2014 xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 30,8 tỷ USD, chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Từ năm 2010 đến nay tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tăng gần 2 lần mặc dù đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này vẫn còn thấp, quy mô nhỏ.

Đáng lưu ý, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này lại hạn chế và giảm tương đối mạnh trong thời gian vừa qua. Bằng chứng là cách đây 5 năm tỷ trọng FDI vào nông nghiệp chiếm 5%, thì 3 năm gần đây, tỷ trọng này chỉ đạt được gần 0,5%.

 

Theo Thứ trưởng Doanh, tới đây Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, quan tâm đến các ngành có chuỗi giá trị cao, gắn kết các doanh nghiệp với nhau và xây dựng thương hiệu.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư ngoại, ông Richard Gilmore, Tổng giám đốc Tập đoàn GIC, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu cho biết, nông nghiệp là một lĩnh vực cạnh tranh ở Việt Nam và đáng tiền để đầu tư nhưng đối với các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhiều hạn chế đặc biệt trong giai đoạn đầu tư ban đầu.

Cụ thể, ông Richard cho biết, nếu bước vào nông nghiệp Việt Nam FDI phải làm sao để đầu tư được đến từng giai đoạn của chuỗi giá trị, tức đến tận hạ nguồn của chuỗi giá trị, điều này liên quan mật thiết đến mô hình đầu tư.

Ông Richard cũng cho biết, hạ tầng của Việt Nam còn nhiều hạn chế, đứng thứ 5/7 quốc gia ASEAN về thời gian chuyên chở sản phẩm trong lãnh thổ Việt Nam cũng như thời gian cần để vận chuyển sản phẩm ra khỏi lãnh thổ quốc gia.

“Việc mất nhiều thời gian vận chuyển sẽ ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh, gây thất thoát, thiệt hại cho doanh nghiệp rất lớn. Những ai từng làm hoạt động xuất khẩu có thể hiểu điều này”, ông Richard nói.

Bên cạnh đó, vị này đặc biệt nhấn mạnh việc quản lý sản phẩm để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đặt ra những yêu cầu khác so với những gì nông nghiệp Việt Nam từng làm được cách đây 5 - 10 năm.

“Sẽ cần có nhiều quy định như an toàn thực phẩm chẳng hạn. Mặc dù nhiều cơ quan tổ chức đã triển khai việc này, nhưng chúng tôi vẫn rất quan ngại vì vấn đề này chưa được giải quyết triệt để”, ông Richard bày tỏ lo lắng.

Ngoài ra, theo ông Richard cho biết, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần có khả năng tiếp cận nguồn tài chính ngắn hạn và sử dụng các công cụ tài chính và công cụ phòng ngừa rủi ro như vấn đề bảo hiểm, công nghệ thấp trong nông nghiệp.

"Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa đặc biệt tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh công tác vận chuyển hàng hoá. Việt Nam nên hợp tác với nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội đầu tư", ông Richard cho hay.

Cũng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Michael Louis Rosen, Phó Chủ tịch PAN nhận xét phần lớn hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang hướng tới phần có giá trị thấp trong sản phẩm cuối cùng.

Theo ông Michael nếu các quốc gia khác như Thái Lan có nhiều sản phẩm, nhãn hiệu Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những nhãn hiệu lớn trên thế giới từ mặt hàng gạo.

 

Tâm An/ Bizlive