clock

Bất Động Sản

10:50 30-11-2015

“Giải mã” nguyên nhân giảm lợi nhuận và lỗ của 20 doanh nghiệp địa ốc

Phân tích kết quả kinh doanh 9 tháng đầu 2015 của 9/56 doanh nghiệp bất động sản bị lỗ, 14/56 doanh nghiệp có lợi nhuận bị sụt giảm cho thấy Thông tư 200 không phải là mấu chốt.

7/56 doanh nghiệp tiếp tục lỗ

Thống kê kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015 của 56 doanh nghiệp bất động sản nhà ở, bất động sản du lịch và bất động sản công nghiệp cho thấy có 9 doanh nghiệp bị lỗ, 14 doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhóm 9 doanh nghiệp bị lỗ chỉ có 1 doanh nghiệp có tình hình kinh doanh xấu đi trong 9 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước là CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã NVT) và 4 doanh nghiệp tiếp tục lỗ, tăng lỗ so với 9 tháng đầu 2014 gồm CTCP Địa ốc Dầu Khí (mã PVL), Công ty Petroland (mã PTL) và CTCP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu Khí (mã PVR), CTCP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu (mã VRC).  
Trong khi đó, nhóm các doanh nghiệp gồm ITC, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (mã VCR) và CTCP Vạn Phát Hưng (mã VPH) dù lỗ trong 9 tháng đầu năm 2015 nhưng so với cùng kỳ năm trước, số lỗ đã giảm.
Ở chiều ngược lại, có 14/56 các doanh nghiệp đang có lãi trong 9 tháng đầu năm 2015 nhưng lãi giảm từ 1,3% đến hơn 65% so với 9 tháng đầu 2014 gồm ADM, IDV, HLD (nhóm giảm dưới 10%); RCL, D2D, HAG, HAR, CCL (nhóm giảm từ 10 -30%); và FDC, CSC, D11, BII, KHA, VIC (nhóm giảm từ 30% - hơn 65%).
Đồng thời có 4 doanh nghiệp có chuyển từ kinh doanh bị lỗ trong 9 tháng đầu 2014 sang kinh doanh có lãi trong 9 tháng đầu năm 2015 gồm CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG), LHG, PV2, DTA.
Chưa ghi nhận doanh thu vì Thông tư 200
Thông tư 200 được đánh giá là có thể sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản trong năm nay. Tuy nhiên, phân tích báo cáo tài chính và xem xét giải trình của các doanh nghiệp thuộc các nhóm nêu trên cho thấy chỉ có 3 trường hợp PVR, ITC, VPH bị ảnh hưởng bởi Thông tư 200/2014/TT-BTC (Thông tư 200) về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.
ITC trong phần giải trình của mình cho biết, 9 tháng đầu năm 2015 ITC vẫn lỗ do các dự án của công ty đang trong giai đoạn đầu tư, chưa bàn giao căn hộ nên chưa ghi nhận doanh thu. Tương tự, 9 tháng đầu năm 2015 PVR tiếp tục lỗ do công ty tập trung đầu tư vào 2 dự án Văn Phú và Việt Hưng. Đây là 2 dự án chưa hoàn thành, bàn giao cho khách hàng nên chưa được ghi nhận doanh thu, lợi nhuận.
VPH cũng cho biết chưa thể ghi nhận kịp thời doanh thu từ các dự án đã bán được như Block 1A - 1B và dự án Nhơn Đức do thủ tục bàn giao dự án bị chậm.
Thông tư 200 bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2015. Điều này đồng nghĩa rằng, Thông tư 200 không phải là mấu chốt giải thích cho tình trạng thua lỗ/ lãi sụt giảm của các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết. Vì cả 3 doanh nghiệp nói trên đều đã bị lỗ trong quá khứ. Tuy nhiên, Thông tư 200 có thể khiến doanh nghiệp dù có dòng tiền tốt, “khỏe hơn” trong quá khứ buộc phải hủy niêm yết do tình trạng lỗ bị kéo dài vượt mức quy định.
Lợi nhuận sụt giảm do “vướng” và chi phí tăng
9 tháng đầu năm 2015 NVT gây bất ngờ khi báo lỗ hơn 90 tỷ đồng cho kỳ kế toán 9 tháng đầu 2015. Tuy nhiên, NVT lỗ là do vướng dự án Six Sence Sài Gòn River. Dự án Six Sence Sài Gòn River đã tạm thời dừng thi công trong năm 2015 nên toàn bộ số lãi vay trong 9 tháng đầu năm của dự án này không được vốn hóa. Bên cạnh đó do tiến độ thi công và bàn giao chậm, trong 6 tháng đầu năm Công ty TNHH Hai Dung là công ty con của NVT phải thanh lý hợp đồng bán biệt thự trong năm 2010 qua đó NVT phải ghi nhận giảm doanh thu, giá vốn hàng bán.
Trong khi đó, VRC lại “vướng” các khoản nợ tồn động chưa giải quyết hết nên phát sinh chi phí lãi vay, việc tìm kiếm công trình mới gặp khó khăn.
Ở thái cực khác, CTCP Đệ Tam (mã DTA) cải thiện được kết quả kinh doanh, hoạt động có lãi nhờ DTA đã hoàn tất và bàn giao hạ tầng cho khách hàng. Trước đó, DTA bị lỗ do việc giải ngân vốn tiếp cho dự án bị đình trệ.
DTA cho biết, ngân hàng cho vay vốn thực hiện dự án trong diện tái cơ cấu, sáp nhập vào ngân hàng khác nên việc giải ngân tiếp cho dự án bị đình trệ. DTA đã tìm nguồn tài trợ vốn từ ngân hàng khác là Agribank để bổ sung vốn lưu động, vốn đầu tư vào dự án Nhà ở xã hội năm 2015 đối với dự án Chung cư Detaco tại Nhơn Trạch, Đồng Nai nên tình hình kinh doanh những tháng tới đây sẽ khả quan hơn.
Loại trừ VIC và HAG ra khỏi nhóm do tính chất đa lĩnh vực của 2 doanh nghiệp này, các doanh nghiệp còn lại trong các nhóm nêu trên đều có chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, chi phí tài chính tăng. Thêm vào đó, trong 9 tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận do nguồn bất động sản sẵn sàng để bán đã cạn dần, hoặc cùng kỳ năm trước các doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng dự án.
 

Theo Bizlive