clock

Tài Chính

06:27 06-08-2016

"Gót chân Asin" của Phạm Công Danh ở VNCB

Nợ xấu quá lớn ăn vào vốn chủ sở hữu khiến Ngân hàng Xây dựng dưới thời Phạm Công Danh như một cơ thể thiếu chất, phải nuôi ăn từng ngày.

Theo biên bản cáo trạng của hội đồng xét xử đại án Phạm Công Danh, cho đến cuối năm 2013, lỗ lũy kế của Ngân hàng Xây dựng đạt 18.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 16.000 tỷ đồng. Con số này phình to từ mức 6.000 tỷ đồng và âm 2.800 tỷ đồng trong thời Ngân hàng Đại Tín vừa rời khỏi sự điều hành của nhóm Phú Mỹ.

Do âm vốn chủ sở hữu, nên thời gian đầu, Ngân hàng xây dựng không được phép tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, tín dụng được xem là kênh "kiếm tiền"quan trọng nhất của ngân hàng (bên cạnh các khoản thu hồi nợ xấu, hoàn dự phòng...).

Bị cắt mất nguồn tiền nuôi sống, Ngân hàng Xây dựng trong mắt Phan Thành Mai - nguyên CEO của Ngân hàng Xây dựng - được miêu tả là "phải nuôi sống từng ngày".

Theo đó, ngân hàng này vừa phải tồn tại trong điều kiện không phát sinh lợi nhuận từ các khoản tín dụng, vừa không thu hồi được nợ cũ, vừa phải trả lãi vay lớn cho các nhóm khách hàng chuyển từ ngân hàng Đại Tín sang.

Hơn nữa, vì ngân hàng thiếu thanh khoản, nhóm Phạm Công Danh buộc phải tiến hành "đi đêm lãi suất", hứa trả mức lãi suất cao hơn 1-2% so với quy định của Ngân hàng Nhà nước nhằm thu hút khách hàng gửi tiền. 

Động thái được giải thích nhằm bù đắp sự trì trệ của dòng tiền trong Ngân hàng Xây dựng thời điểm đó đã tạo ra một con số khổng lồ, lên tới hàng nghìn tỷ đồng treo ngoài báo cáo tài chính.

Phần tiền chi ngoài không được phép hạch toán vào chi phí của ngân hàng, do đó, Phạm Công Danh tự nhận đứng ra lo khoản này. 

Theo Hoàng Đình Quyết - nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn - nguồn tiền là từ Tập đoàn Thiên Thanh, công ty đang thua lỗ đứng sau lưng Phạm Công Danh. Và thực tế cho thấy, các động thái lách luật này không những không thể cứu nguy cho VNCB, mà còn tạo ra "gót chân Asin" của nguyên Chủ tịch Phạm Công Danh.

Ngày 4/8, trong phần khai trước tòa, bị cáo Phan Thành Mai cho biết thêm, ngoài gánh nặng trả lãi vượt khung, nhà băng này còn phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các nhóm nợ. Bởi phần lớn nợ tại Ngân hàng Xây dựng tồn dư từ đơn vị tiền thân là Đại Tín, nên chi phí trích lập khá cao.

Cụ thể, Phan Thành Mai cho hay, chi phí cho việc trích lập dự phòng của ngân hàng trong một ngày lên tới 6 tỷ đồng. Theo đó, nếu tính trong toàn năm, số tiền trích lập dự phòng cho các khoản nợ từ nhóm 3 trở lên của Ngân hàng Xây dựng dưới thời Phạm Công Danh lên tới 2.000 tỷ đồng.

Hầu như không có khoản thu thực tế nào bù đắp, số tiền trên buộc phải trực tiếp hạch toán vào phần lỗ kinh doanh của ngân hàng, và ăn mòn vào vốn chủ sở hữu.

"Theo thông lệ là trích lập phải từ lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng đang lỗ không có lợi nhuận nên về mặt hạch toán kế toán phải trích lập vào vốn chủ sở hữu mặc dù đang âm", bị cáo Phan Thành Mai khai trước tòa.

Theo như lời khai của các cựu lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng trước tòa, các hoạt động lớn nhất của ngân hàng này trong thời gian Phạm Công Danh nắm quyền xoay quanh 3 nhóm: trà lãi và thực hiện cho vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm với nhóm của Trần Ngọc Bích; thực hiện trách nhiệm tài chính với nhóm sở hữu cũ là Phú Mỹ và giải quyết khoản nợ xấu ở Phương Trang.

Để có dòng tiền đắp vá vào các hoạt động của ngân hàng, cũng như có tiền dư thực hiện trách nhiệm tài chính với nhóm Ngọc Bích, ngân hàng BIDV, trả tiền cho nhóm Phú Mỹ để lấy được các bất động sản bán kèm ngân hàng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới tiến hành rút ruột từ chính VNCB, nơi đang phải vật lộn sống từng ngày với thanh khoản ở trạng thái "muốn rút 1-2 tỷ đồng cũng khó khăn".

Từ chiêu thổi giá các bất động sản mà VNCB đang nắm dưới dạng tài sản bảo đảm, làm giả đề án tái cơ cấu, lập khống hợp đồng thuê trụ sở, sử dụng ủy thác đầu tư trái phiếu, lấy tiền không cần chữ ký của khách hàng, Phạm Công Danh đã gây nên tổng thiệt hại khoảng 9.000 tỷ đồng trong 17 tháng nằm quyền điều hành cao nhất tại nhà băng trên.

 

theo Trí Thức Trẻ