clock

Thế Giới

06:54 20-10-2015

“Hội chứng Nhật Bản” đang ám ảnh Trung Quốc?

Để tiếp sức cho nền kinh tế đang tăng trưởng ì ạch và tránh né cái bẫy Nhật Bản từng sa vào, Trung Quốc cần phải hạ giá sâu hơn nữa đồng bản tệ nếu cần thiết.

Hiện đồng nhân dân tệ vẫn đang bị định giá quá cao, mặc dù đã giảm 3% so với đồng USD trong tháng Tám khi bạc xanh tăng giá.

Trong một bài viết đăng trên trang Project Syndicate, giáo sư Jeffrey D. Sachs của Đại học Columbia đã liệt kê những điểm tương đồng giữa bức tranh kinh tế Trung Quốc hiện tại với giai đoạn đau thương của Nhật Bản vào cuối những năm 1990. Đây là thời kỳ của những bất ổn được ông gọi là "hội chứng Nhật Bản".

Theo ông, Trung Quốc đang trải qua những triệu chứng từng khiến một thế hệ của Nhật Bản lao đao: Suy giảm tăng trưởng kinh tế sau khi xuất khẩu bị khắc chế.

Cuối những năm 80, Mỹ gán mác "cạnh tranh không lành mạnh" cho Nhật Bản khi lĩnh vực xuất khẩu của đất nước mặt trời mọc tăng nóng.

Mỹ phát đi mọi tín hiệu để "tuýt còi" Nhật, kể cả cảnh báo và đe dọa. Cuối cùng, Washington thành công trong việc ép Nhật hạ giá đồng yen, gián tiếp hãm phanh đà tăng trưởng.

Đây có thể là điều đang xảy ra với Trung Quốc, khi tăng trưởng kinh tế chậm dần trong bối cảnh đồng bản tệ bị định gía quá cao. 

Tỷ giá hối đoái thực của đồng yen Nhật, lấy mốc 100 vào năm 2007.

Biểu đồ trên minh họa tỷ giá hối đoái của đồng yen đã điều chỉnh theo lạm phát kể từ năm 1964 cho đến nay. Biểu đồ đi lên cho thấy đồng yen tăng giá, trở nên đắt đỏ hơn so với các đồng tiền khác.

Có thể thấy, đồng yen tăng giá đều đặn từ những năm 60 đến 70, xu hướng dễ hiểu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Nhật Bản bứt phá mạnh mẽ.

Tuy nhiên giai đoạn giữa những năm 80, Nhật bắt đầu điều chỉnh tỷ giá đồng bản tệ dưới sức ép của Mỹ, bắt đầu bằng Thỏa ước Plaza ký kết vào năm 1985.

Đồng yen tăng giá mạnh mẽ, với mức hối suất đã điều chỉnh theo mậu dịch tăng gần 50% từ năm 1984 đến 1988. Cùng lúc, tăng trưởng xuất khẩu lao dốc.

 Tăng trưởng xuất khẩu thường niên của Nhật Bản (trung bình 3 năm).

Vài năm đầu, đầu tư nội địa bùng nổ bù đắp phần nào mảng xuất khẩu bị khiếm khuyết. Vốn ngoai ồ ạt đổ vào Nhật Bản, thổi phồng bong bóng tài chính.

Trước năm 1990, bong bóng đầu tư và tài sản nổ, đẩy Nhật Bản lún xuống hai thập kỷ trì trệ.

Bất chấp các dấu hiệu bệnh tật của nền kinh tế Nhật, Washington vẫn tiếp tục ép Tokyo duy trì tỷ giá đắt đỏ của đồng yen trong giai đoạn này.

Từ những năm 1990 – 2000, tác giả bài viết nhiều lần hỏi bộ trưởng các ngành của Nhật Bản về việc Tokyo thả lỏng cho yen tăng giá quá lâu. Những câu trả lời ông nhận được đều giống nhau: Nhật Bản sợ bị Mỹ trừng phạt về mặt thương mại nếu hạ giá đồng yen.

Chỉ đến khi Thủ tướng Shinzo Abe tung ra chính sách Abenomics vào năm 2012, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bắt đầu kích thích định lượng, đà tăng giá của đồng yen mới hạ nhiệt.

Ngay lập tức, một số công ty lớn của Mỹ từng "đi đêm" Washington trước đây lên tiếng cáo buộc Nhật Bản thao túng tiền tệ. Mặc dù trên thực tế, mức hạ giá của đồng yen kể từ năm 2012 không thấm vào đâu so với đà tăng giá như vũ bão trong quá khứ.

Hiện giờ, Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro tương tự. Ngành xuất khẩu nở rộ giữa những năm 2000 khiến một số quan chức Mỹ đe dọa trừng phạt về kinh tế, nếu chính quyền Bắc Kinh không có biện pháp kiềm chế xuất khẩu, tăng giá đồng nhân dân tệ và chuyển dịch về mô hình kinh tế chú trọng tiêu thụ nội địa.

Đây là thông điệp mà Nhật Bản đã từng nhận được. Mỹ gia tăng sức ép buộc Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng phát.

Kết quả được thể hiện qua biểu đồ dưới đây, minh họa tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ từ năm 1996 đến nay. Đồng tiền bắt đầu tăng giá mạnh vào năm 2007. Giống như Nhật Bản, nội tệ tăng giá mở đường cho dòng vốn ngoại chảy vào Trung Quốc.

 Tỷ giá hối đoái thực của đồng nhân dân tệ, lấy mốc 100 vào năm 2007.

Với trường hợp của Nhật Bản, bong bóng tài chính song hành với đà tăng giá của đồng yen. Biểu đồ dưới đây cho thấy trong trường hợp của Trung Quốc, đồng nhân dân tệ tăng giá khiến tăng trưởng đẩy sụp tăng trưởng xuất khẩu, từ 15% xuống 10% trước tiên, sau đó cũng dẫn đến suy thoái tài chính.

Từ 2007 – 2014, đồng nhân dân tệ tăng giá 32%. Tính đến tháng 5/2015, mức tăng đạt 40%. Con số này phản ánh một phần mức lên giá tự nhiên (nominal appreciation) so với đồng USD, euro, yen, won Hàn Quốc và nhiều loại tiền tệ khác mất giá so với USD.

Hiện đồng nhân dân tệ vẫn đang bị định giá quá cao, mặc dù đã giảm 3% so với đồng USD trong tháng Tám khi bạc xanh tăng giá. Chưa kể tính đến tháng 5/2015, đồng yen đã giảm giá 7% so với đầu năm, tỷ lệ này của won là 3%, tăng cường sức ép giá cả lên nhà xuất khẩu của Trung Quốc so với các đối thủ tại châu Á.

Để tiếp sức cho nền kinh tế đang tăng trưởng ì ạch và tránh né cái bẫy Nhật Bản từng sa vào, Trung Quốc cần phải hạ giá sâu hơn nữa đồng bản tệ nếu cần thiết.

Tuy nhiên, nước này sẽ phải chịu sức ép chính trị đến từ châu Âu và Mỹ ngụy trang dưới dạng cáo buộc lũng đoạn tiền tệ và cạnh tranh không lành mạnh. "Uy tín" của đồng nhân dân tệ cũng sẽ bị ảnh hưởng trên đường gia nhập giỏ tiền tệ dự trữ của Quỹ tiền tệ quốc tế.

Đầu năm nay, tờ The Economist đăng bài viết khuyên Trung Quốc không nên phá giá đồng nhân dân tệ vì 4 lý do. Thứ nhất, nó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ tại châu Á. Thứ hai, các công ty của Trung Quốc sẽ lún sâu trong nợ ngoại tệ. Thứ ba, Mỹ có thể lật lại các cáo buộc về lũng đoạn tiền tệ nhằm vào Bắc Kinh. Cuối cùng, điều này có thể cản trở kế hoạch đưa nhân dân tệ vào rổ tiền dự trữ quốc tế của Trung Quốc. Đây cũng là những yếu tố từng kéo lùi tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.  

 

Ông Jeffrey D. Sachs, giáo sư giảng dạy tại Đại học Columbia, được xem là cố vấn kinh tế hàng đầu của thế hệ ông.

Từ 2002 đến 2006, ông là Giám đốc dự án thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc và là cố vấn đặc biệt cho Tổng thư ký Kofi Annan về các Mục tiêu thiên niên kỷ.

Ông từng làm cố vấn cho các định chế quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế,Tổ chức y tế thế giới.

 

Lê Phương/ Bizlive