clock

Tài Chính

12:30 21-09-2015

“Nhiều yếu tố giúp tài chính tiêu dùng tại Việt Nam cất cánh”

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng nhất thế giới...

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

Với hơn 90 triệu dân trong đó phần lớn là dân số trẻ, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng nhất thế giới.

“Nhìn vào tốc độ hình thành rất nhanh các kênh tài chính tiêu dùng trong hệ thống ngân hàng và sự ra đời của hàng loạt công ty tài chính, với rất nhiều dịch vụ đa dạng, chúng ta cũng đã thấy được tiềm năng của thị trường này”, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong bình luận.

Hết sức thuận lợi
Cá nhân ông đánh giá thế nào về sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong tương lai?

Trên thế giới, tín dụng tiêu dùng đã rất phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn được đánh giá là đang ở giai đoạn tiềm năng, nhiều người dân chưa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính. 

Nhìn một cách tổng quát thì tôi thấy có những điểm quan trọng để kỳ vọng vào mảng thị trường này:

Thứ nhất, Việt Nam có hơn 90 triệu dân, trong số đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Dân số Việt Nam được dự báo là sẽ tiếp tục tăng và đạt tới 100 triệu vào năm 2025, đó là con số hết sức thuận lợi cho kênh tài chính tiêu dùng.

Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Thời gian vừa qua, Chính phủ tiếp tục có nhiều nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế quan, tạo những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm phát triển tại Việt Nam, đồng thời cũng thúc đẩy tốt hơn công tác thu hút các nhà đầu tư mới.

Nền kinh tế phát triển ổn định, điển hình như năm 2015 đã tốt hơn 2014, và dự báo năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định…, những yếu tố này giúp cho tỷ lệ thất nghiệp giảm, người lao động thu nhập ổn định.

Từ nền tảng đó, kết hợp với yếu tố dân số trẻ có tỷ lệ lớn tập trung nhiều ở các khu vực thành thị ngày càng gia tăng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng để cải thiện cuộc sống, sẽ là điều kiện thuận lợi cho vay tiêu dùng.

Nhìn vào tốc độ hình thành rất nhanh các kênh tài chính tiêu dùng trong hệ thống ngân hàng và sự ra đời của hàng loạt công ty tài chính, với rất nhiều dịch vụ đa dạng, chúng ta cũng đã thấy được tiềm năng của thị trường này.

Song theo ông, cách làm hiện nay của các tổ chức tín dụng đã thật sự thuận lợi để thu hút khách hàng?

Chúng ta thấy đang có nhiều yếu tố thuận lợi cho kênh tài chính tiêu dùng cất cánh, thí dụ như việc Chính phủ nỗ lực thúc đẩy trả lương qua tài khoản thẻ. 

Cách trả lương này giúp minh bạch hơn các khoản thu nhập và các tổ chức tín dụng thông qua đó có thống kê số liệu chính xác hơn với từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, các dịch vụ chăm sóc khách hàng được cải thiện nhanh, thủ tục đơn giản hơn rất nhiều, trước đây người sử dụng dịch vụ phải có xác nhận của cơ quan về khoản thu nhập hàng tháng thì nay các tổ chức tín dụng chỉ cần sao kê 3 tháng gần nhất về thu nhập.

Thậm chí, khi đến với các công ty tài chính cho vay tín chấp, người dân còn được đơn giản hóa thủ tục hơn nữa.

Nhìn rộng hơn, bản thân các khoản vay tiêu dùng không có tác động xấu cho nền kinh tế nếu nó được thực hiện đúng. Các khoản vay chỉ gây ra ảnh hưởng xấu khi nó không minh bạch, do đó khi kiểm soát tốt khâu này thì các dịch vụ và thỏa thuận cá nhân tốt hơn.

Phải có thêm thời gian 
Đấy là những điểm thuận lợi, nhưng liệu đang có những có lý do nào đang làm hạn chế sự phát triển của thị trường này?

Vấn đề đầu tiên cần phải quan tâm là phải hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng, để tạo điều kiện thuận lợi hơn các các ngân hàng, các công ty tài chính hoạt động, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, qua đó mới thu hút được khách hàng tốt hơn.

Hiện nay, trong khi các ngân hàng bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định nhằm tránh rủi ro trong tín dụng, thì các công ty tài chính với đặc thù riêng đã được tự do trong việc quyết định đối tượng, thời gian, lãi suất… 

Vì vậy, nếu điều chỉnh được vấn đề pháp lý theo hướng khu biệt dịch vụ cho vay tiêu dùng tín chấp dành cho khách hàng dưới chuẩn, mà việc cho phép ngân hàng lập công ty tài chính để thực hiện nghiệp vụ này là một ví dụ, thì các ngân hàng sẽ tạo ra nhiều dịch vụ thuận lợi hơn cho khách hàng, đồng thời cũng không lo tới chuyện đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng, khi mà các công ty tài chính trực thuộc ngân hàng có vốn riêng và được quản lý chặt chẽ bởi luật pháp.

Sự cạnh tranh đa dạng như vậy sẽ làm tăng chất lượng dịch vụ và giảm lãi suất, tỷ lệ tăng trưởng cho loại hình dịch vụ này sẽ tăng nhanh hơn.

Thứ hai, cho dù nền kinh tế Việt Nam đang ổn định và có xu hướng tăng trưởng tốt, nhưng đó là xét trên nền tảng vĩ mô, còn đời sống cụ thể của phần lớn người lao động thì chưa thật sự tốt. Tính ổn định vị trí việc làm, tính ổn định về thu nhập chưa cao, do đó đa phần người lao động đều chờ đợi tới khi cầm tiền thật của mình trong tay, rồi mới mua sắm.

Thứ ba, lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với các hình thức vay thông dụng khác, như vay sản xuất kinh doanh… Mức lãi suất này nếu kéo xuống thấp hơn thì chắc chắn sẽ thu hút được khách hàng lớn hơn, tuy nhiên do rủi ro trong vay tín chấp lớn nên thường thì các tổ chức tài chính phải giữ mức lãi cao để bù vào phần rủi ro.

Hơn nữa, các khoản vay thường là nhỏ và kỳ hạn ngắn, trong khi các tổ chức tài chính lại phải chi phí lớn để quản trị hệ thống. Đó là một cái vòng luẩn quẩn, và nó chỉ có thể giải quyết được khi khâu pháp lý và thị trường kinh tế thực sự tốt hơn.

Thứ tư là cần phải có thêm thời gian để nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng, đây là vấn đề không chỉ khó khăn ở Việt Nam mà các nền kinh tế khác cũng vậy.

Để nâng cao nhận thức thì phải có tư vấn tốt cả trước và trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ, bởi vì nhiều khách hàng có thói quen không tìm hiểu hết các quy định, nghĩa vụ, ý thức trả nợ kém, nên có thể dẫn tới những mâu thuẫn. Rất nhiều người sử dụng dịch vụ thường chỉ có cái nhìn một chiều, chỉ muốn được hưởng lợi và né tránh trách nhiệm.

 

Ngọc Quang/ VnEconomy