clock

CEO Việt

05:21 13-07-2016

"Ông vua tour mới": Hạnh phúc khám phá miền đất lạ

Ông Trần Thế Dũng được mệnh danh là "vua tour mới" bởi đam mê khám phá và những chia sẻ không mệt mỏi về điểm đến mới.

Ở tuổi 60, với 31 năm trong nghề lữ hành, trông ông vẫn rất tráng kiện, đượm vẻ phong trần. Trải lòng về nghề, ông luôn nhắc đến vợ - bà Lý Thuận Huê. Ông bảo, với vai trò giám đốc, bà đã mở hướng đi cho Công ty, luôn tiếp sức để ông thực hiện ước mơ khám phá những miền đất lạ, góp phần hình thành nên tour mới cho Thế Hệ Trẻ... 

 Nhờ vợ mở hướng đi mới

Gặp gỡ chúng tôi, do mới tháp tùng đoàn du khách đi đảo Thổ Chu về, gương mặt ông Dũng... đen thui. Tôi bắt đầu trò chuyện với ông bằng một câu hỏi vui:

* Sao mười năm rồi mà ông vẫn chưa lên nổi... chức giám đốc?

- Tôi hiểu mình không thể làm tốt chức giám đốc (cười). Tôi mê đi đây đi đó, thích khám phá điểm lạ để thiết kế tour mới. Sau gần mười năm, tôi thấy bà xã không thăng chức cho tôi là đúng.

* Có nghĩa là chị nhà đã bị ép làm giám đốc?

- Không phải, đó là sự hy sinh. Cách đây 16 năm, tôi là Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Du lịch Thanh Niên. Vợ tôi khi ấy chỉ làm nội trợ, chăm hai con nhỏ. Có tháng tôi phải đi tour 26, 27 ngày. Tôi cứ nghĩ mình gắn bó với Du lịch Thanh Niên đến khi nghỉ hưu. Nhưng đồng lương 1,8 triệu đồng/tháng của tôi không đủ để trang trải cuộc sống. Vợ tôi vốn hiền, nhưng đã rất can đảm khi đi học nghiệp vụ du lịch và mở công ty (năm 2000) làm chung với một số học trò của tôi.

Vốn liếng thì cầm nhà (lúc đó được 150 triệu đồng để đóng ký quỹ) và nhờ chị vợ ở nước ngoài hỗ trợ thêm. Quyết định của vợ tôi đã mở ra hướng đi mới, vừa giải quyết kinh tế gia đình, vừa khiến tôi cảm thấy "có lỗi" để rồi phải lao theo phụ vợ. Dùng giằng mãi sáu năm sau, tôi mới nghỉ hẳn ở Du lịch Thanh Niên, tập trung sức cho Thế Hệ Trẻ.

* Vốn đi nhiều, khi về hẳn với Thế Hệ Trẻ, ông lại tiếp tục rong ruổi khám phá những vùng đất lạ. Như vậy, hạnh phúc gia đình có bị ảnh hưởng?

- Không thể không có lúc "xào xáo". Nhưng vợ tôi luôn chia sẻ đặc thù công việc cùng đam mê của chồng, vừa giúp tôi chăm lo, dạy dỗ con cái, vừa quản Công ty ở hậu phương.

*Thế còn chuyện quản trị Công ty?

- Như đã nói, vợ tôi vốn rất hiền (cười). Nhưng chính cách cư xử mang tính "nhân trị” của vợ tôi đã khiến nhân viên tự nguyện làm việc. Hơn nữa, tham gia điều hành Công ty là một số học trò cưng của tôi trước đây. Họ đều hết mình. Với nghề kinh doanh lữ hành, kiến thức là tài sản vô cùng quan trọng, nhưng tốt nhất vẫn phải đi lên từ hướng dẫn viên.

Làm tour khó để cạnh tranh

* Kinh doanh lữ hành đang bị cạnh tranh rất gay gắt. Có doanh nghiệp cho biết, có khi làm tour mức lãi bình quân chỉ vài chục ngàn đồng một người. Trong bối cảnh như vậy, ông đã làm thế nào để Công ty "sống" được?

- Làm tour khó là chủ trương mang tính chiến lược của Thế Hệ Trẻ. Khoảng chục năm nay, chúng tôi đã chuyển hướng thiết kế tour qua những vùng biển đảo xa xôi, vùng biên cương, vùng thượng du phía Bắc và những vùng sơn cùng thuỷ tận. Cách làm này tạo cho Thế Hệ Trẻ hướng đi riêng, không bị cạnh tranh, không bị mai một, giúp Công ty phát triển bền vững.

Cũng nhờ vậy mà đến nay chúng tôi vẫn duy trì được nhiều đường tour chưa bị cạnh tranh. Chẳng hạn, vùng Đông Bắc, chúng tôi có đường tour cao nguyên đá Đồng Văn - hồ Ba Bể - thác Bản Giốc - ải Chi Lăng với điểm nhấn là "xuôi dòng sông Gâm - ngược dòng sông Năng". Vùng Tây Bắc, chúng tôi có đường tour cao nguyên Bắc Hà - Sapa - Điện Biên - thung lũng Mai Châu với điểm nhấn là thuỷ lộ độc đáo ngược dòng sông Đà.

Cách đây sáu năm, chúng tôi bắt đầu tổ chức ra biển Đông. Chẳng hạn như vòng cung khám phá vịnh Bắc bộ: Móng Cái - Vân Đồn - vượt biển ra đảo Cô Tô rồi quay về vịnh Lan Hạ. Rẻo miền Trung, chúng tôi tổ chức đưa khách lên rừng Trường Sơn (Măng Đen, ngã ba Đông Dương) ngủ một đêm trong rừng rồi ra đảo Lý Sơn hay đảo Nam Du, đảo Phú Quý. Gần đây nhất, Thế Hệ Trẻ là đơn vị đầu tiên khảo sát và tổ chức thành công việc đưa khách đến đảo Thổ Chu.

* Bài viết "Lên rừng xuống biển Thổ Chu" của ông đã đoạt giải báo chí viết về du lịch thành phố Hồ Chí Minh năm 2014, nhưng sao mãi đến nay mới hình thành tour?

- Thổ Chu cách Rạch Giá 220 kilomet, cách Phú Quốc 102 kilomet, là điểm cực Tây Nam của Tổ quốc. Đây là hòn đảo tiền tiêu xa xôi nhất, nếu so với Côn Đảo, Lý Sơn hay Phú Quý. Vị trí của Thổ Chu rất quan trọng vì nằm gần lãnh hải Thái Lan, Campuchia. Từ Thổ Chu ra biển 12 hải lý là đến hải phận quốc tế. Nơi đây đi lại khó khăn, cứ năm ngày mới có một chuyến tàu nối đảo với đất liền.

Do vậy, đây là một trong những tour khó tổ chức nhất. Năm 2014 tôi ra đảo, nhưng mãi đến 2016 mới có cơ hội tổ chức tour. Đây là vùng lãnh hải quan trọng nên để được tổ chức tour, chúng tôi đã phải nhờ Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh ký bốn công văn xin phép năm ngành hữu quan. Cái khó nữa là nơi đây chưa ai biết làm du lịch, dịch vụ lưu trú thì chỉ có nhà trọ. Và tôi đã phải thiết kế, hướng dẫn người dân làm dịch vụ du lịch, như đi lại, ăn, ở.

* Khó như vậy, sao ông vẫn quyết tâm làm?

- Thổ Chu là một nơi hoang dã, môi trường sinh thái nguyên sơ với những rặng san hô còn nguyên vẹn, nước biển luôn xanh biếc, dân cư chân chất. Đây còn là nơi để trải nghiệm cảm giác "đầu sóng ngọn gió” vì từ tháng 5 đến tháng 11 thường có gió cấp 4, cấp 5. Những người thích khám phá thường muốn chia sẻ đam mê với cộng đồng.

Do vậy, tôi muốn giới thiệu với nhiều người về bản sắc, văn hoá của từng vùng miền, về đời sống của người dân bản địa, của những chiến sĩ biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc. Đồng thời, qua việc tổ chức tour du lịch, tôi muốn góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương.

Không chỉ với Thổ Chu, những điểm đến lạ ở Tây Bắc hay đảo Cô Tô, trước đây chúng tôi cũng từng làm như vậy. Mỗi chuyến đi, mỗi hành trình khám phá đều rất vất vả, nhưng tôi luôn thấy vui và hạnh phúc.

Tôi nhớ mãi hồi tổ chưa tour sông Đà. Việc tìm thuyền đảm bảo an toàn cho hành trình trên 100 kilomet rất khó khăn. Chuyến đầu tiên, con thuyền trông rất xác xơ. Chuyến thứ hai, chủ thuyền đã trang bị thêm màn che nắng. Và qua chuyến thứ ba, thuyền có thêm lan can. Chuyến thứ tư, thuyền có thêm nhà vệ sinh...

* Có vẻ như ông rất mê những dòng sông...

- Đi xe có thể dễ dàng hơn, nhưng đi thuyền trên sông luôn đem đến những trải nghiệm đặc biệt. Đi trên sông mới thấy đôi bờ luôn có sức hút mãnh liệt. Dòng sông không chỉ là nơi nhiều người mưu sinh mà mỗi đôi bờ đều có bản sắc riêng, nhất là ở vùng cao nơi người HMông, người Dao, người Tày sinh sống. Cái thú của du lịch đường sông là du khách sẽ được hiêm ngưỡng những con thuyền lạ, những căn nhà sàn, những hội đêm xoè vui bất tận, hay lễ hội gội đầu, lễ hội rước nước... của dân tộc Thái.

Chia sẻ đam mê, có thêm lợi ích

* Được biết, đã có hơn 30 điểm đến mới mà ông là người đầu tiên khảo sát và thiết kế thành tour như vịnh Văn Phong, Cam Ranh, cao nguyên đá Đồng Văn, hang núi lửa Chư BLuk... Trước áp lực cạnh tranh, nhiều người chỉ chực chờ người khác đi khảo sát, thiết kế rồi nhảy vào khai thác. Ông nghĩ gì về tình trạng này?

- Không phải cứ khảo sát xong là có thể đưa vào tour. Chẳng hạn, với tour sông Gâm, chỉ vì một bến thuyền chưa có mà tôi phải đợi ba năm. Việc khảo sát vốn tốn rất nhiều tiền và sức lực. Nhưng tôi nhận thức rằng điểm đến là tài nguyên quốc gia, không ai có quyền khai thác riêng. Do vậy, mỗi lần khảo sát về tôi đều viết báo để chia sẻ thông tin với cộng đồng, đồng nghiệp với hy vọng sẽ có nhiều người cùng chung tay khai thác.

Thử hình dung cái bánh 100 đồng với mười người khai thác, khi có thêm người thứ 11, cái bánh đó có thể lên 130 đồng, hay thậm chí còn cao hơn do người thứ 11 tạo thêm giá trị mới và thu hút thêm khách hàng mới. Như vậy, cả 11 người đều có thêm lợi ích do cái bánh đã lớn hơn.

Tuy nhiên, tôi không đồng ý với cách làm nhái y chang hay gọi chính xác là đạo tour. Tôi từng kiện một đơn vị ở phía Bắc về chuyện này và họ đã phải xin lỗi. Điểm đến là tài nguyên chung, nhưng khi khai thác thì phải có sáng tạo, có điểm nhấn riêng. Không thể bê nguyên xi tour do người khác thiết kế.

* Hội nhập toàn cầu rồi, cạnh tranh là tất yếu và ngày càng gay gắt. Ông có đề xuất gì để gia tăng năng lực cạnh tranh của ngành du lịch?

- Thứ nhất, tôi mong mỏi các đồng nghiệp đầu tư nhiều hơn cho khảo sát để hình thành thêm nhiều tour mới, góp phần làm cho sản phẩm du lịch Việt Nam phong phú hợn, có sức hút với du khách hơn. Thứ hai, có một điều nói hoài mà chưa làm được là phối hợp giữa các ngành, hiệp hội và doanh nghiệp.

Phải biết liên kết thì mới tạo được tour rẻ, tour mới. Phải đa dạng sản phẩm thì mới cạnh tranh được với bên ngoài. Vậy mà trên thực tế vẫn có những đơn vị khi tham gia liên kết lại đưa ra những điều kiện không khả thi, hoặc giảm giá không lành mạnh - tức tự nâng giá lên rồi lại hạ giá xuống!

* Sau mấy chục năm làm nghề, với ông, đều gì là thú vị nhất, tâm đắc nhất?

- Điều thú vị nhất là những khoảnh khắc được thăng hoa khi là người đầu tiên chinh phục sự khắc nghiệt của thiên nhiên cũng như khi khám phá vẻ đẹp của nó, đặc biệt là với những vùng đất lạ. Sự thăng hoa này càng nhân lên khi tôi chia sẻ với cộng đồng qua những bài viết về kết quả khảo sát của chính mình.

* Còn điều khiến ông trăn trở là gì?

- Khi bổ nhiệm cán bộ ngành du lịch địa phương, chính quyền cần chọn người có kiến thức, có tâm. Hiện nay, ở nhiều vùng chúng tôi đi khảo sát, người dân địa phương đã tự ý thức rằng quê hương họ đẹp, và họ đã manh nha làm dịch vụ. Vậy mà chúng tôi hỏi một số cán bộ du lịch địa phương thì thật buồn vì họ chưa từng đi, chưa từng biết!

Nếu cứ để người dân địa phương tự phát làm du lịch mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước hay doanh nghiệp lữ hành chuyên nghiệp thì ắt sẽ dẫn đến hậu quả, như cảnh quan môi trường bị tàn phá, dễ phát sinh nạn ăn xin, chèo kéo, chặt chém du khách. Nguy hại nữa là sự thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến tình trạng thông tin sai lệch về lịch sử, văn hóa của các vùng miền.

* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện thân tình!

 

KIM VÂN thực hiện/ DNSG