clock

Doanh Nghiệp

10:14 21-06-2017

“Soi” đề án tái cơ cấu Sacombank vừa được công bố

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2016. Trong đó, Đề án tái cấu trúc ngân hàng sau sáp nhập phải giải quyết căn bản 75% nợ xấu trong 3 năm đầu.

Ba năm đầu giải quyết xong 75% nợ xấu

Theo Sacombank, quá trình sáp nhập ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) diễn ra suôn sẻ, mọi hoạt động nhanh chóng đi vào ổn định. Quá trình tái cấu trúc sẽ gắn liền với xử lý các vấn đề tài chính tồn đọng, tiến đến lành mạnh hóa tình hình tài chính Ngân hàng.

Quá trình này sẽ được xử lý dứt điểm trước năm 2020 theo đúng tiến độ tái cấu trúc tài chính của Chính phủ.

Mục tiêu trong vòng 3 năm phải giải quyết căn bản từ 65% - 75% nợ xấu/tài sản tồn đọng mà Sacombank đã và sẽ bán cho VAMC.

Đảm bảo trong vòng 3 năm đầu tiên sau khi sáp nhập phải đưa thu lãi thuần quay trở về mức như trước khi sáp nhập.

Theo đó, Sacombank sẽ thực hiện nhiều giải pháp trong đó chú trọng tăng tốc hoạt động kinh doanh, nguồn vốn sẽ được đa dạng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2025 là 13%.

Đẩy mạnh cho vay phân tán và tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, tăng trưởng bình quân 18% - 20%.

Nâng dần tỷ trọng các khoản thu phi tín dụng mà mũi nhọn là thu dịch vụ, tăng trưởng bình quân 17%.

Nâng cao năng lực quản lý rủi ro và kiểm soát chất lượng tín dụng với mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới mức 3%.

Tập trung đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu, nợ đã bán cho VAMC, với mục tiêu xử lý 65% - 75% trong vòng 3 năm đầu.

Song song đó, chiến lược đẩy mạnh các kênh giao dịch hiện đại (ATM/POS/Kiosk Banking/Ngân hàng điện tử) sẽ là giải pháp đột phá trong phát triển thị trường.

Tăng cường năng lực tài chính thông qua việc tăng vốn chủ sở hữu qua nhiều hình thức: Tăng vốn cấp 2, tăng vốn điều lệ từ cổ đông hiện hữu (tăng bình quân 9%), nhà đầu tư chiến lược, tăng lợi nhuận không chia…

Nguồn: Sacombank

Hậu sáp nhập sau 01 năm: Sacombank được gì?

Thực tế, trải qua hơn một năm sáp nhập và triển khai các giải pháp tái cấu trúc, kết thúc năm tài chính 2016, tổng tài sản đạt 329.187 tỷ đồng, tăng 13,4% so đầu năm, đạt 116% kế hoạch tăng trưởng.

Vốn tự có đạt 19.120 tỷ đồng, với vốn cấp 1 đạt 16.632 tỷ đồng, vốn cấp 2 đạt 2.488 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu đạt 21.752 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm, trong đó, vốn điều lệ đạt 18.852 tỷ đồng.

Ngân hàng đã kéo giảm thành công lãi suất tại các đơn vị mới sáp nhập xuống ngang bằng với mặt bằng lãi suất chung từ 6,15% xuống 5,77%/năm.

Đến ngày 31/12/2016, tổng nguồn vốn huy động đạt 302.806 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm, đạt 124,9% hế hoạch.

Dư nợ tín dụng đạt 232.157 tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 193.098 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm, giảm cho vay lĩnh vực có rủi ro cao như giảm cho vay kinh doanh BĐS giảm 1,9%, cho vay chứng khoán giảm 0,2%.

Chuyên môn hóa hoạt động xử lý nợ xấu, nhưng vẫn còn tồn đọng từ yếu tố sáp nhập dẫn đến tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao (tỷ lệ 6,68%).

Thu dịch vụ đạt 1.231 tỷ đồng, tăng 23,2% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 20%. Lợi nhuận từ thẻ đạt 427 tỷ đồng, tăng 39,4% so với năm 2015.

Thu phí dịch vụ ngân hàng điện tử đạt gần 171 tỷ đồng, tăng 46,8% so với năm 2015.

Tuy nhiên, do trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank phải tập trung mọi nguồn lực nhằm tái cơ cấu, xử lý những tồn đọng khiến lợi nhuận trước thuế giảm so với những năm trước đây, đạt 97 tỷ đồng.

Trong năm 2016, Sacombank tự xử lý nợ xấu được 1.992 tỷ đồng, thu hồi được 516 tỷ đồng nợ đã bán VAMC (bao gồm gốc và lãi).

Về thu hồi khoản phải thu quá hạn trong hoạt động đầu tư đạt 16,5 tỷ đồng. Thanh lý các tài sản đã nhận cấn trừ nợ, thu hồi được 539 tỷ đồng.

Sacombank vẫn kiên định mục tiêu ngân hàng bán lẻ hiện đại và đa năng hàng đầu khu vực. Do đó, ngân hàng sẽ tái cấu trúc lại cơ cấu nguồn vốn và sử dụng an toàn, hiệu quả, bền vững.

Kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Sacombank - Nguồn: Sacombank.

Xét trong 03 năm qua, năng lực tài chính của ngân hàng với quy mô tổng tài sản ngày càng tăng, bình quân 3 năm tăng 11,6%, trong đó vốn tự có tăng 6%.

Quy mô nguồn vốn ngày càng lớn và tăng trưởng ổn định trong thị phần bán lẻ, thể hiện năng lực cạnh tranh cao của ngân hàng thông qua chỉ số tăng trưởng tổng huy động bình quân 03 năm ổn định đạt 11,7%; trong đó, nguồn vốn huy động từ TCKT&DC tăng 12,5%.

Tăng trưởng cho vay 3 năm gần đây đạt tăng bình quân 8,8%.

Thu dịch vụ dần chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu nguồn thu ngân hàng, bình quân tăng trưởng 16,8%/năm.

Nguồn: Sacombank

Theo Sacombank, đến nay, công tác sáp nhập về cơ bản đã được xử lý một cách thành công, ngân hàng vẫn ổn định và tiếp tục tăng trưởng, không xảy ra các diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của ngành ngân hàng.

 

theo Bizlive