clock

Trong Nước

10:45 30-09-2015

“Thành công của doanh nghiệp nước ngoài là thành công của Việt Nam”

"Với nỗ lực của Chính phủ chúng tôi hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư, phát triển lâu dài ở Việt Nam. Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Diễn đàn Đầu tư toàn cầu 2015 thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quang Sơn

"Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới có nhiều cơ hội và thách thức. Với nỗ lực của Chính phủ chúng tôi hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư, phát triển lâu dài ở Việt Nam. Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu 2015 diễn ra tại Hà Nội sáng nay (30/9).
Diễn đàn quy tụ sự tham gia của hàng trăm nhà đầu tư là các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Việt Nam vượt qua hạn chế của chính mình

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới từ nước nông nghiệp lạc hậu Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia thuộc nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Trong giai đoạn 1986-2010 Việt Nam liên tục đa tăng trưởng cao, GDP tăng bình quân 7%/năm. Mặc dù khó khăn trong bối cảnh kinh tế nhưng 2011-2015 Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng GDP bình quân là 6%/năm theo hướng tăng dần qua từng năm. Trong đó 2015 dự kiến đạt trên 6,5%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. 9 tháng 2015 GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,5%.

Tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài trong năm 2014 là 270 tỷ USD với hơn 19.000 dự án của 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, giải ngân đạt 135 tỷ USD.

Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2015 đầu tư trực tiếp của nước ngoài với vốn đăng ký mới tại Việt Nam là hơn 17 tỷ USD tăng 53% so với cùng kỳ. Nhiều tập đoàn đa quốc gia trong đó có các tập đoàn đến từ Châu Âu đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.

WTO đánh giá Việt Nam đã hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ, kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới, tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. GDP tăng trưởng 6,5-7% trong 2016-2020, dự kiến kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2020 là 600 tỷ USD; đời sống nâng lên, sức mua và quy mô thị trường ngày càng tăng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh việc Việt Nam đã, đang, sẽ ký kết các Hiệp định thương mại (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á – Âu và việc bước đầu kết thúc đàm phán và dự kiến ký kết với Liên minh châu Âu vào cuối năm 2015 và Hiệp định TPP.

Việt Nam cũng đang cùng các thành viên trong ASEAN nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng AEC vào cuối 2015. ASEAN là thị trường năng động, GDP khoảng 2.500 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng cao dự kiến 2030 tổng GDP của ASEAN sẽ đạt 10.000 tỷ USD .

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn

"Các Hiệp định thương mại mở ra không gian thương mại rộng lớn giữa Việt Nam với các đối tác. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rõ rằng những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, chúng tôi có thể đạt tốt hơn. Môi trường đầu tư,Việt Nam đang triển khai các biện pháp vượt qua hạn chế của chính mình", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài

Trong các vấn đề được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, triển vọng FDI, phát triển thị trường vốn, cổ phần hoá, bất động sản, nông nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 4 vấn đề lớn.

Thứ nhất, về môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đặc biệt khâu thực thi, nâng cao năng lực, chất lượng nhân lực, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng.

Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh Bất động sản, Nghị định về chứng khoán đang tiếp tục được xây dựng và ban hành trong năm 2016 với các chính sách ưu đãi cụ thể, Việt Nam phấn đấu đạt các mục tiêu về tiếp cận điện năng, giải quyết thủ tục đất đai ngang bằng ASEAN 4 vào 2016.

Thời gian tới việc ký các FTA với TPP, EU sẽ làm môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trở nên thuận lợi và có tính cạnh tranh cao hơn trong khu vực. Việt Nam đang hoàn thành kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới.

Thứ hai, đầu tư hạ tầng Việt Nam đề ra mục tiêu xây dựng, đưa chương trình cải cách đầu tư công để tư nhân và quốc tế tham gia ưu tiên các dự án công nghệ cao.

Thứ ba, về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Qua hơn 20 năm thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hoá từ số lượng hơn 12.000 doanh nghiệp nhà nước đã giảm tới 90% sau cổ phần hoá.

Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác và hầu hết các doanh nghiệp cổ phần hoá phát triển quy mô và kinh doanh có hiệu quả.

Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu các tập đoàn tổng công ty lớn, đến tháng 9 đã cổ phần hoá 350 doanh nghiệp và tiếp tục đẩy nhanh, đẩy mạnh. Thời gian tới ngày càng nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đây là cơ hội tốt cho các đối tác nước ngoài tìm hiểu cơ hội mua bán sáp nhập doanh nghiệp nhà nước.

Thứ tư, về thị trường tài chính, Việt Nam với quy mô khiêm tốn đang tiếp tục thay đổi chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Việt Nam đã ban hành quy định nới room, nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên 100% và nhiều nộng dung mang tính mở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh: "Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới có nhiều cơ hội và thách thức. Với nỗ lực của Chính phủ chúng tôi hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư, phát triển lâu dài ở Việt Nam. Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi".

 

NGUYỄN THẢO/ Bizlive