clock

Trong Nước

11:49 07-10-2015

“TPP là cơ hội nghìn năm một thuở mới có của Việt Nam”

Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trước việc Việt Nam cùng 11 nước tham gia đạt được thỏa thuận về hiệp định TPP

Đóng vai trò tham vấn trung gian giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam từ những ngày đầu đàm phán, ông đánh giá ra sao về sự kiện hiệp định TPP vừa đạt được thỏa thuận?

TPP là một cơ hội "nghìn năm một thuở" mới có một lần, cho Việt Nam được sánh vai cùng 12 cường quốc phát triển hàng đầu thế giới. Cũng giống như gần đèn thì rạng, khi "chơi" với những nước lớn, Việt Nam cũng bắt buộc phải tự hoàn thiện nền kinh tế và thể chế chính sách.

Vào được "câu lạc bộ" đó rồi, có tận dụng được cơ hội không thì là hoàn toàn do mình. Vậy nên các doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn, các nhà hoạch định chính sách phải bắt tay, cong lưng mà làm.

Trước đây, hiệp định WTO cũng từng được kỳ vọng rất lớn trong việc thúc đẩy kinh tế của Việt Nam, nhưng trên thực tế, nó làm nảy sinh nhiều vấn đề mà ta phải nhất nhiều năm để tìm lối thoát. Việt Nam có thể rút ra bài học gì để áp dụng với TPP không?

Giống như lên võ đài, trước khi nghênh chiến, anh phải rèn luyện thể lực chứ không thể thắng chỉ bằng "võ mồm".

Tương tự, trước những hiệp định thương mại lớn, ta phải chuẩn bị về nội lực. Một mặt với thị trường trong nước, ta cần bảo vệ thị phần bằng cách nâng cao chất lượng hàng Việt Nam. Hàng hóa mẫu mã dở, chất lượng kém thì lấy đâu cơ sở để kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam? Lúc đó thì mình đã thua ngay trên sân nhà.

Đối với thị trường nước ngoài, khi đem hàng đi bán, mình phải chứng minh được hàng của mình có điểm mạnh hơn so với hàng của họ, giá cả hợp lý hơn thì mới tìm được nguồn tiêu thụ.

Nói tóm lại, củng cố sức mạnh nội tại là điều kiện tiên quyết mà cách nhà hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp tại Việt Nam phải lo nghĩ và ưu tiên hàng đầu.

Khi hàng rào thuế quan được giảm về 0%, liệu thu thuế ngân sách giảm có ảnh hưởng tiêu cực không, trong bối cảnh nợ công Việt Nam đang bị nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo?

Hiệp định TPP nhắm tới mở cửa thị trường trong khối, các nước trong khối thành viên giao thương bình đẳng để phát triển thị trường, vì vậy cần phải “có qua, có lại”, mình bán cho nước bạn thuế bằng 0 thì ngược lại, cũng được mua hàng của họ với thuế bằng 0.

Thuế chỉ là một gam màu trong bức tranh kinh tế vĩ mô. Ở đây chúng ta chỉ đang nói đến thuế nhập khẩu, trong khi còn bao nhiêu thứ thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng,…

Cái cần lo lắng ở đây là phải làm sao phát triển ngành xuất khẩu, rồi thu lợi nhuận từ doanh thu bán hàng, từ thuế doanh nghiệp, chứ không phải thuế hải quan. Giữ thuế cao như trước thì không những kim ngạch giao thương giảm, mà người chịu thuế là ai? Chính là người tiêu dùng.

Đương nhiên khi tham gia TPP, thuế hải quan sẽ mất đi phần nào, nhưng khi nền kinh tế phát triển, tạo thêm hàng nghìn công ăn việc làm, thì thuế thu nhập đánh vào người lao động, thuế thu nhập của các doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng sẽ tạo ra giá trị bằng 5, 7 lần thuế hải quan. Đừng ngại "thả con săn sắt để bắt con cá rô".

Ông có nói đến việc phát triển xuất khẩu, 9 tháng đầu năm Việt Nam ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu tới 9,6%, đây là một tín hiệu đáng mừng trước thềm TPP?

Việt Nam vẫn còn nặng về gia công. Xét trên một khía cạnh nào đó, khi ta nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về gia công rồi xuất khẩu, thì giống như đang "xuất khẩu giùm" Trung Quốc vậy.

Vì vậy, giờ ta phải làm thế nào để tăng nội địa hóa lên, ví dụ trong dệt may, phải hướng tới tỷ lệ 50 – 60%. Theo quy định của TPP đối với ngành dệt may, thì ta phải nội địa hóa từ sợi trở đi rồi chứ không thể mua sợi về may như trước. Điều này có thể tạo động lực để ta nội địa hóa dần dần hàng Việt.

Trung Quốc là một bạn hàng lớn của Việt Nam, nhưng lại không là thành viên trong hiệp định. Liệu quan hệ giao thương trong thời gian tới giữa hai nước có sự chuyển dịch?

Tất nhiên sẽ có sự thay đổi, nhưng theo chiều hướng tích cực cho Việt Nam mà thôi. Bây giờ mình đừng tiếp tục đi bán hàng "giùm" Trung Quốc nữa. Ví dụ với dệt may, đừng xuất khẩu vải gia công nữa, mà hãy sản xuất tại chỗ. Chưa sản xuất được vải ngay, thì ta bắt đầu từ sản xuất sợi.

Vậy kịch bản gì sẽ xảy ra? Có thể Trung Quốc sẽ rời nhà máy sang Việt Nam để sản xuất sợi. Như vậy dòng vốn FDI đổ vào tăng lên, và sợi này sẽ là sợi "made in Vietnam", nâng tỷ lệ nội địa hóa của hàng Việt Nam cao hơn. Chưa kể khi Việt Nam sẽ học được các kỹ thuật sản xuất tơ sợi tiên tiến từ nước bạn.

Xin cảm ơn ông!

 

Lê Phương/ Bizlive