clock

Trong Nước

06:39 02-10-2015

“Việt Nam có cơ hội đón dòng vốn ngoại đang rút khỏi thị trường Trung Quốc”

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) rút khỏi thị trường Trung Quốc đang tìm đến những nền kinh tế đang phát triển ổn định hơn, trong đó có Việt Nam.

Tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu TPCP 9 tháng/2015 (Nguồn: HNX)

"Khả năng FED tăng lãi suất vào cuối năm 2015 cũng như trong năm 2016, mặc dù không tác động đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, nhưng sẽ có ảnh hưởng đối với tâm lý thị trường cũng như mục tiêu ổn định tỷ giá”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.

Theo cơ quan này, thị trường cổ phiếu ổn định trở lại trong tháng 9. VN Index đóng cửa ngày 18/9/2015 tại 566,25 điểm, tăng 0,3% so với cuối tháng 8 và tăng 4,0% so với đầu năm.

Mặc dù khối ngoại bán ròng 1,8 triệu USD trong tháng 9 (tính đến 18/9/2015) trên thị trường cổ phiếu niêm yết nhưng tính từ đầu năm 2015, khối ngoại đã mua ròng 242 triệu USD.

"Nếu FED nâng lãi suất vào cuối năm 2015 cũng sẽ không gây tác động nhiều lên TTCK vì đã được thị trường dự báo và phản ánh vào giá”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.

Khu vực ngân hàng ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt, trích lập dự phòng rủi ro tăng. Tính tới 21/9/2015, tổng tín dụng đối với nền kinh tế (cho vay doanh nghiệp, cá nhân, và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 10,5% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,26% của 9 tháng đầu năm 2014.

"Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá, hệ số NIM tăng nhẹ, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến khả năng sinh lời của khối NHTM giảm”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.

 Nguồn: Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Theo UBGS, tháng 7, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%; những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản.

Tuy vậy, cơ quan này cho rằng mục tiêu phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đang là một thách thức. Tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu TPCP trong tháng 9/2015 chỉ đạt 20,7%.

Tính từ đầu năm, trái phiếu kỳ hạn 15 năm đã phát hành vượt kế hoạch (133,8%), trong khi đó trái phiếu 5 năm và 10 năm hiện mới đạt 29,4% và 12,8% kế hoạch năm. Tỷ lệ huy động TPCP (kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm đấu thầu qua Kho bạc Nhà nước) thành công là 54% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 7,6 năm (Kỳ hạn phát hành bình quân TPCP năm 2014 là 4,95 năm, năm 2013 là 3,21 năm; năm 2012 là 2,97 năm), đạt thấp (38,5%) so với kế hoạch năm 2015.

Nếu tính cả tín phiếu và trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm, đã thực hiện phát hành 156.480 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 63% nhiệm vụ huy động vốn TPCP cả năm.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định tình hình doanh nghiệp và đầu tư tư nhân tiếp tục cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng/2015 tăng 28,5% về lượng và 31,4% về vốn (so với cùng kỳ 2014). Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2014. Đầu tư tư nhân/GDP 9 tháng/2015 ở mức 12,1%, cao hơn mức 11,8% cùng kì 2014. Đầu tư tư nhân cải thiện trước hết nhờ tín dụng tăng trưởng tốt: tính tới 21/9, tổng tín đụng đối với nền kinh tế tăng 10,5% so với cuối năm 2014 (cùng kì 2014 chỉ tăng 7,26%).

"Tình hình doanh nghiệp mặc dù cải thiện nhưng chưa hết khó khăn nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.  Phần lớn những doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản trong 6 tháng đầu năm 2015 là doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng”, UBGS bình luận.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng cổ phần hóa DNNN và tái cơ cấu nền kinh tế tuy đạt được những kết quả bước đầu nhưng còn chậm. 6 tháng đầu năm 2015, 61 doanh nghiệp được tiến hành cổ phần hóa,  hoàn thành được 21% kế hoạch (kế hoạch là 289 DNNN cổ phần hóa năm 2015).

 

TRẦN GIANG/ BIZLIVE