clock

Trong Nước

02:02 12-04-2019

10 năm kẻ đến người đi, hàng không Việt Nam đã khác xưa như thế nào?

Sau 10 năm, ngay cả những lãnh đạo trong ngành hàng không cũng phải thốt lên "có vào thì phải có ra". Tuy nhiên, nếu nhìn nhận dưới góc độ người tiêu dùng, lợi ích từ cạnh tranh của ngành này đã mang lại những giá trị thực tế rất lớn.

Xuất hiện tại buổi toạ đàm Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững do Báo giao thông tổ chức, ông Pham Văn Hảo - Phó cục trưởng cục hàng không Việt Nam - tiết lộ một số con số tổng kết đáng ghi nhận về sự phát triển của ngành này trong một thập kỷ qua.

Theo đó, nếu như năm 2008, tổng số tàu bay của hàng không Việt Nam chỉ có 60 tàu, thì con số hiện tại đã tăng lên gâp 3 lần, đạt 192 tàu. .Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi.

Năm 2008, thị phần hàng không hầu hết nằm trong tay Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, nhưng thị trường đến nay đã được phân chia cho 5 đơn vị. Với việc xuất hiện nhiều công ty có tiềm lực kinh tế lớn, số lượng tàu bay do Việt Nam sở hữu đã tăng lên 57 từ mức 29 vào năm 2008.

"Sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.

Năm 2008, các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, nhưng thời điểm hiện nay đã kết nối với rất nhiều cảng khác như: Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc…. Điều này đã tạo ra bước phát triển tương đối vững chắc, bền vững", ông Hảo chia sẻ.

Trên thực tế, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Trong đó giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có tăng trưởng kép ở mức 17,4% so với trung bình Asean là 6,1%. Dự đoán của tổ chức này cũng chỉ ra mức tăng trưởng 2016-2026 của Việt Nam thậm chí còn cao hơn 20%.

Cùng nhận định tích cực về xu hướng này, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

 
 

theo Nhịp sống kinh tế