clock

Trong Nước

12:02 23-10-2015

4 vấn đề của kinh tế Việt Nam đằng sau những con số đẹp

CIEM tính toán: GDP Quý 4 của Việt Nam sẽ ở mức 6,83%. Dự tính GDP 2015 sẽ ở mức 6,61%. Tất cả các mục tiêu kinh tế năm 2015 đều có khả năng đạt được ở mức cao, trừ mục tiêu Xuất khẩu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg.

“Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 2015 ở mức cao”, ông Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định.

Mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là con số được bàn cãi nhất từ đầu năm, khi mức tăng GDP Quý 1 ở mức 6,03% - mức gây shock cho các Bộ trưởng, kể cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Quý 2 và Quý 3, mức tăng của GDP tiếp tục vượt dự báo của các tổ chức quốc tế, lần lượt ở mức 6,44% và 6,81%.

CIEM dự tính: GDP Quý 4 của Việt Nam sẽ ở mức 6,83% và GDP 2015 sẽ ở mức 6,61%.

Mức này vượt xa mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm, vượt xa mức dự báo của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6,2%), và nhỉnh hơn so với dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 6,6%).

Dự báo các mục tiêu kinh tế khác cũng đạt kỳ vọng, trừ Mục tiêu Xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ông Dương cũng cảnh báo: Nhìn lướt qua thì các con số về kinh tế vĩ mô tương đối tốt, nhưng nhìn sâu xa hơn thì tăng trưởng này là một vấn đề.

Số đơn đặt hàng tháng 9 giảm, ngay cả số đơn đặt hàng tháng 8 đã thấp hơn so với tháng trước. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đang có đà tăng chậm lại”, ông Dương nói.

Ngoài ra, một loạt lĩnh vực khác đang có dấu hiệu đáng lo ngại.

Khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản: Sản xuất ngày càng giảm. Các báo cáo của Tổng cục Thống kê hàng tháng đều chỉ ra diện tích canh tác, trồng lúa đều giảm so với năm trước. Điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp tương đối bị ảnh hưởng, có thể bị ảnh hưởng cạnh tranh từ việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA), do cạnh tranh của ngành nông nghiệp hay mức độ hưởng lợi của người nông dân còn quá thấp.

“Ngay cả lĩnh vực thủy sản cũng có xu hướng giảm. đây là vấn đề tương đối lo ngại”, ông Dương cảnh báo.

Dịch vụ: Có tăng một chút, nhưng thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Đây lẽ ra là khu vực được coi như tương đối năng động và có khả năng hỗ trợ các lĩnh vực khác.

Lạm phát ổn định ở mức thấp. Nhưng có 2 vấn đề.

Một là, giá của một số mặt hàng mà Nhà nước đang quản lý như Y tế và Giáo dục có lộ trình tăng. Việc tăng giá 2 mặt hàng này được cho là không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vì CPI đang thấp, nhưng nhìn vào thực tế, giá các mặt hàng này tăng trong khi các mặt hàng khác giảm tức là mức tăng đã tăng đáng kể, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa và tiêu dùng của người dân.

Hai là, CPI đã giảm trong một thời gian dài nhưng chưa đạt kỳ vọng của người tiêu dùng. Họ cho biết chưa có cảm giác nào cho thấy kỳ vọng lạm phát có xu hướng giảm.

Mọi người vẫn cho rằng CPI có thể tăng do: Giá xăng dầu, giá các mặt hàng cơ bản như Y tế, Giáo dục chỉ có xu hướng tăng, riêng khối doanh nghiệp còn lo ngại do mức tăng lương tối thiểu còn chưa ngã ngũ. Vì vậy, dù lạm phát được coi là ổn định, nhưng kỳ vọng giá thấp của người dân và doanh nghiệp vẫn bất định do các yếu tố đầu vào tác động trong thời gian tới.

Bảo Bảo/ Trí Thức Trẻ