clock

Trong Nước

11:38 06-10-2015

6 kiến thức cần biết về TPP

Sau 5 năm đàm phán, 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối cùng đã đạt thỏa thuận vào ngày 5/10.

Đây được xem là hiệp định về thương mại lớn nhất toàn cầu khi các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP và 30% lượng giao dịch hàng hóa của cả thế giới.

1. TPP là gì?

TPP là hiệp định thỏa thuận thương mại tự do được đàm phán giữa các nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Australia, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia, New Zealand, Peru, Mexico, Canada.  

12 nước tham gia TPP

Với mục tiêu mở cửa thị trường với hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ thuế quan và dỡ bỏ mọi rào cản thương mại, tạo cú hích phát triển mới ở từng nền kinh tế tham gia lẫn toàn bộ các mối quan hệ hợp tác giữa họ với nhau, TPP sẽ xác lập luật lệ cho thương mại và đầu tư trong thế kỷ 21 cũng như tạo ra những biến chuyển lớn về kinh tế, thương mại và cả pháp lý tại 12 nước.

Nói cách khác, những thỏa thuận thương mại hiện đại như TPP bao hàm rất nhiều thứ ở bên ngoài phạm trù thương mại. Chúng đã trở thành một trong những con đường chính để điều hành kinh tế toàn cầu.

TPP cũng gây nhiều tranh cãi bởi các cuộc đàm phán được thực hiện bí mật. Các nhóm lợi ích có kết nối với nhau được tiếp cận với lượng thông tin nhiều hơn và cũng có nhiều cơ hội gây ảnh hưởng lên quá trình đàm phán.

2. TPP có khác biệt gì so với WTO?

So với WTO, mô hình TPP mang nhiều ưu điểm hơn bởi khắc phục được sự khó khăn và thời gian chờ đợi trong việc tiến đến một thỏa thuận chung liên quan đến bất kỳ vấn đề giữa các nước.

Hơn thế, TPP được đặt ra các luật lệ quốc tế vượt qua phạm vi của WTO như: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động...

TPP được kỳ vọng sẽ làm giảm đáng kể những rào cản thương mại, hạ thuế đánh vào các mặt hàng như xe tải, gạo và dệt may

Đồng thời, TPP cũng có cơ chế dàn xếp tranh chấp tương tự như WTO, tức là, khi một nước tin rằng nước khác đã không hoàn thành các cam kết về thương mại, họ có thể tìm kiếm một trọng tài phân xử trước khi đem vụ việc ra WTO.

Nếu hội đồng xét xử tranh chấp ở WTO nghiêng về bên đi kiện, nước bị kiện sẽ triển khai các lệnh cấm vận thương mại được thiết kế để gây áp lực lên nước kia.

Vì TPP cũng có cơ chế dàn xếp tranh chấp tương tự như thế nên nhiều nhóm lợi ích cố gắng kêu gọi bổ sung các điều khoản có lợi cho họ, bao trùm nhiều lĩnh vực: dược phẩm, các ngành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, đầu tư nước ngoài, quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, luật bản quyền, thương mại điện tử…

3. TPP đem lại lợi ích kinh tế gì?

TPP mang nhiều lợi ích về thuế đối với một số sản phẩm nhất định. Ví dụ, hiện nay Mỹ đang áp thuế 25% đối với sản phẩm xe tải nhập khẩu từ Nhật Bản. Sau khi TPP được ký kết, mức thuế sẽ giảm đáng kể, thậm chí bị xóa bỏ, giúp người Mỹ tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Ngoài ra, tự do hóa thương mại cũng đem đến nhiều lợi ích cho các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Việt Nam.

4. TPP ảnh hưởng thế nào đến nông nghiệp?

Nông nghiệp là một trong những thị trường nhạy cảm nhất đối với các nước tham gia TPP, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. Mỹ đang có rào cản lớn đối với đường, trong khi Nhật Bản bảo hộ các sản phẩm như thịt lợn, thịt bò và gạo.

Nếu TPP giảm bớt những rào cản này, người tiêu dùng Mỹ sẽ được mua đường và những sản phẩm có đường với giá rẻ hơn, đồng thời cơ hội xuất khẩu thịt lợn và thịt bò Mỹ sẽ rộng mở.

Các ngành khác nhau sẽ có những quan điểm khác nhau về việc tự do hóa thương mại. Thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm bơ sữa của Mỹ sẽ tràn vào Nhật Bản, đồng thời các nước cũng mong muốn Mỹ mở cửa thị trường hơn nữa.

5. TPP ảnh hưởng tới luật bản quyền như thế nào?

Các hiệp định thương mại được cho là một cách hữu hiệu giúp Hollywood “xuất khẩu” một phần luật bản quyền của Mỹ sang các nước khác, trong đó bao gồm TPP.

Theo dự kiến, trong TPP sẽ có điều khoản buộc tất cả các nước phải áp dụng thời hạn hiệu lực của bản quyền giống như ở Mỹ. Một điều khoản khác yêu cầu các nước phải áp dụng luật cấm mọi người can thiệp vào các chương trình bảo vệ các bộ phim, ca khúc hoặc các tác phẩm khác có bản quyền.

6. TPP có bảo vệ được quyền lợi của người lao động?

Mặc dù phản đối TPP, các tổ chức công đoàn ở Mỹ lại coi TPP là một cơ hội để buộc các đối tác thương mại của Mỹ cung cấp nhiều quyền lợi hơn cho người lao động. Họ cho rằng tự do hóa thương mại nếu không đi kèm với các tiêu chuẩn khắt khe về quyền của người lao động sẽ khiến người lao động Mỹ mất đi lợi thế cạnh tranh.

Nhà Trắng nhấn mạnh rằng TPP sẽ chấm dứt việc lạm dụng lao động trẻ em, bảo vệ quyền lợi của người lao động và nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn lao động.

 
 
P.V/ DNSG