clock

Trong Nước

13:00 28-10-2015

6 nhóm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, TP.HCM (TP) tập trung phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và ước năm 2015, bốn ngành này chiếm tỷ trọng 60% so với toàn ngành (năm 2010, tỷ trọng này là 56,9%).

Trong tương lai, TP sẽ tiếp tục phát triển bốn ngành công nghiệp này trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ (CNHT) gắn với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Đây là định hướng phù hợp với hiện trạng phát triển của TP và xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng.

Thời gian qua, bốn ngành công nghiệp trên tuy có sự tăng trưởng về lượng nhưng xét về chất, cấu trúc của lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn TP phát triển chưa bền vững.

Trên 80% nguyên vật liệu, thiết bị và công nghệ phải nhập khẩu, sản xuất phục vụ sửa chữa thay thế, gia công lắp ráp là chủ yếu, các DN nhỏ và vừa với trình độ quản trị phần lớn dựa vào kinh nghiệm; năng lực phát triển và khai thác thị trường, tiếp cận cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước còn thấp, hạn chế trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo nhận định của nhiều DN, dù thời gian qua, đã có không ít chính sách, cơ chế hỗ trợ cho ngành CNHT phát triển nhưng vẫn chưa có tác động rõ rệt, một phần do ưu đãi quá rộng, mang tính cào bằng và được lồng ghép trong nhiều văn bản pháp luật, thủ tục tiếp cận rất nhiêu khê; mặt khác là do chưa có sự hình thành các liên kết ngành gắn với lĩnh vực CNHT, cũng như thiếu các chương trình hỗ trợ khác, như đào tạo nhân lực, mặt bằng, công nghệ, thông tin và tiếp cận thị trường phù hợp với nhu cầu của DN nhỏ và vừa.

Để hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa phát triển CNHT, Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM đã xây dựng "Đề án phát triển CNHT" theo đúng chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP. Theo đó, sẽ có 6 định hướng phát triển trong thời gian tới.

Cụ thể là ưu tiên thu hút DN nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển trong lĩnh vực CNHT phục vụ bốn ngành trọng yếu trên và hai ngành truyền thống (dệt may, giày da). Trong giai đoạn đầu, cần tập trung ưu tiên phát triển CNHT thuộc các ngành cơ khí chế tạo, hóa chất - nhựa - cao su nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp khác.

Tiếp đến là tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, định hướng DN sản xuất lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh sử dụng sản phẩm CNHT được sản xuất từ DN nhỏ và vừa trong nước; hình thành hệ thống các DN nhỏ và vừa đủ mạnh, tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm CNHT cho các ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp truyền thống của TP; đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác sản xuất giữa các công ty nước ngoài với DN nhỏ và vừa để nhanh chóng làm chủ công nghệ; cũng như phát triển được đội ngũ nhân lực quản lý, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển CNHT của TP.

Trên cơ sở định hướng này, TP đề ra 6 nhóm giải pháp để đẩy mạnh phát triển CNHT trên địa bàn. Theo đó, TP đang từng bước hoàn thiện công tác quản lý về CNHT. Hiện, bên cạnh Ban Chỉ đạo phát triển CNHT thì Trung tâm Phát triển CNHT là đầu mối tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN thuộc lĩnh vực này.

Song song đó là chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng phục vụ sản xuất để thu hút đầu tư, đặc biệt là nhà xưởng cao tầng có diện tích từ 200 - 300m2, phù hợp với nhu cầu của DN nhỏ và vừa. Trước mắt là xây dựng khoảng 100.000m2 (tại KCN Hiệp Phước, Tân Thuận, Linh Trung,...).

TP đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch, dành khoảng 500ha đất trong giai đoạn 2016 -2020 để thành lập các KCN, trung tâm giao dịch chuyên về CNHT. Một vấn đề không kém phần quan trọng khác là TP xác định sản phẩm CNHT tiêu biểu, chú trọng đầu tư có trọng tâm nhằm nâng cao hàm lượng chất xám, khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực, nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa nhằm bổ sung kiến thức cho đội ngũ quản lý, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động là điều không thể thiếu.

Theo đó, cần rà soát chọn các viện, trường có năng lực, quy mô phù hợp để tổ chức gắn kết chương trình đào tạo với thực tiễn sử dụng lao động của DN (như đang làm với Đại học Bách Khoa, Đại học Nguyễn Tất Thành,..); vận dụng, khai thác có hiệu quả sự trợ giúp của các tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật của nước ngoài như JETRO, JICA (Nhật Bản), KATECH (Hàn Quốc), INSA LYON (Pháp),...

Thực hiện thí điểm, mời gọi các chuyên gia trong và ngoài nước để làm tư vấn xây dựng cơ chế, chính sách cho TP, tư vấn đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới cho DN nhỏ và vừa; khuyến khích thu hút lực lượng lao động từ các du học sinh, người hợp tác lao động ở nước ngoài trở về nước để làm việc cho TP...

Giải pháp thứ năm là TP cần có cơ chế, chính sách, nguồn vốn đủ mạnh để hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ. Và cuối cùng là xây dựng cơ sở dữ liệu CNHT.

Các DN hiện nay rất cần thông tin trong lĩnh vực CNHT như thông tin về nguồn cung và nhu cầu sản phẩm CNHT, là cơ sở để kết nối các DN CNHT với nhau và với các DN lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.

 

Theo DNSG