clock

Doanh Nghiệp

01:40 27-12-2018

Agribank mong IPO sớm

Lãnh đạo Agribank mong muốn ngân hàng được cổ phần hóa sớm và cải thiện vốn điều lệ.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết thời gian qua, ngân hàng đã tiết giảm chi phí và ưu tiên vốn lưu động cho tín dụng chính sách và xử lý lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, Agribank cũng đang "áp lực" không thể thực hiện được nếu không nhận được hỗ trợ.

"Nếu không kịp thời cải thiện vốn điều lệ, không thể có nguồn vốn để triển khai có hiệu quả, đồng bộ Nghị định 116". Với lý do trên, ông Vượng đề nghị NHNN quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngân hàng tăng vốn điều lệ. Phó Tổng giám đốc Agribank cũng kiến nghị được đẩy nhanh quá tình cổ phần hóa để ngân hàng có thể nâng cao năng lực, đảm bảo hệ số an toàn vốn.

Theo cập nhật từ Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Trịnh Ngọc Khánh hồi cuối tháng 8, hoạt động cổ phần hóa của Agribank sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

Đến thời điểm đó, ngân hàng đang trình phê duyệt phương án cổ phần hóa và dự kiến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp vào 31/12. Với các mốc thời gian như trên, ông Khánh cho rằng nhanh nhất đến năm 2020 mới có thể IPO.

Hiện Agribank có vốn điều lệ hơn 30.000 tỷ đồng - vẫn thấp nhất trong 4 ngân hàng TMCP Nhà nước dù đã tăng 8.300 tỷ đồng từ năm 2011. Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, nên việc tăng vốn điều lệ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn ngân sách.

Lãnh đạo Agribank cũng cho biết 70% trong tổng dư nợ gần 1 triệu tỷ đồng của nhà băng này là tín dụng nông thôn. 50% tổng cho vay nông nghiệp toàn hệ thống thuộc về ngân hàng trên.

Đối với lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, ngân hàng đang thực hiện chương trình cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014, hỗ trợ thu mua lúa giạo, tái canh cà phê.

Đối với các nhóm khó tiếp cận tín dụng, Agribank khẳng định sẽ dành nguồn vốn để cho vay lĩnh vực này. Cụ thể, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, ngân hàng dành 10% cho đối tượng tiêu dùng trong đó ưu tiên đối tượng tiêu dùng cấp bách chính đáng.

Agribank lên kế hoạch cho vay tín dụng tiêu dùng 12.000 tỷ đồng năm 2019. Trong đó, 5.000 tỷ đồng được ưu tiên cho đối tượng thấp cấp được pháp luật cho phép có yêu cầu cấp bách trong ngắn hạn và sẽ ưu tiên giải quyết yêu cầu hồ sơ trong thời gian ngắn nhất.

 

theo Người Đồng Hành