clock

Doanh Nghiệp

13:45 14-10-2015

An Phước - Từ xưởng gia công nhỏ đến hãng thời trang đình đám nhất Việt Nam

Người tiêu dùng trong nước biết đến An Phước với việc đưa thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp Pierre Cardin vào Việt Nam và phát triển thương hiệu thời trang cao cấp riêng của người Việt.

Tổng giám đốc An Phước Nguyễn Thị Điền cùng con trai Trần Minh Khoa. Ảnh: Vnexpress.

Trong nhiều năm qua, dệt may luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Bên cạnh việc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, các doanh nghiệp Việt cũng đồng thời phát triển những thương hiệu của riêng mình. Những cái tên như Nhà Bè, Việt Tiến, May 10, An Phước,… ngày càng khẳng định chất lượng và uy tín sản xuất bởi người Việt.

Được thành lập từ những năm đất nước mở cửa, công ty may thêu đan giày An Phước được người tiêu dùng trong nước biết đến với việc đưa thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp Pierre Cardin vào Việt Nam, cũng như phát triển thương hiệu thời trang cao cấp An Phước của người Việt.

Làm kinh doanh vì gia đình

Vốn có ước mơ trở thành luật sư, nhà sáng lập An Phước- Nguyễn Thị Điền quyết định học ngành luật. Sau đó bà được chuyển sang ngành ngoại thương trường đại học Kinh tế khi trường chuyển đổi.

Tốt nghiệp ra trường, bà Điền được phân công về làm việc tại bộ phận kế hoạch xuất nhập khẩu của Sở ngoại thương Tp.Hồ Chí Minh (Imex Sài Gòn nay là Imexco Tp.HCM).

Những tưởng công việc công chức ổn định 12 năm tại Sở ngoại thương nhưng đến năm 1989 Imexco bị cháy và giải tán. Đây cũng là giai đoạn đất nước mở cửa, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Bà Điền quyết định nghỉ hoàn toàn việc tại Sở ngoại thương để cùng chồng mở cơ sở may nhỏ với 60 công nhân làm 2 ca và 40 máy may dựa trên vốn tích lũy đặt tên An Phước.

An Phước ban đầu chỉ hoạt động đơn thuần là may gia công lại, làm vệ tinh cho những doanh nghiệp lớn khác để xuất khẩu sang các thị trường Đông Âu. Đến tháng 5 năm 1992, An Phước chuyển hướng sang xuất khẩu thị trường khi các doanh nghiệp Nhật bắt đầu chọn các doanh nghiệp SME tại Việt Nam làm đại diện gia công. Khi được hỏi về cơ duyên lập ra An Phước, bà Điền cho biết động lực kinh doanh là để "đảm bảo kinh tế gia đình".

Từ cơ sở gia công nhỏ đến công ty thời trang

Mặc dù rẽ sang ngành không liên quan là dệt may nhưng với kinh nghiệm làm ngoại thương như tiếp xúc công nghệ, kỹ thuật mới, công việc kinh doanh của cơ sở may An Phước khá thuận lợi. Với việc hợp tác cùng Nissho Iwai Corp, năm 1993 An Phước đảm nhiệm và đáp ứng được chất lượng gia công thương hiệu áo Jacket nổi tiếng nhất của Nhật lúc bấy giờ. Đến năm 1994, An Phước thành lập nhà máy sản xuất giày thể thao. Cũng trong năm này, nhờ là đối tác của Nhật nên An Phước có cơ duyên gia công cho thương hiệu của Pháp Pierre Cardin.

Ông Trần Chiến và Bà Nguyễn Thị Điền gặp mặt công nhân viên nhân dịp đầu năm.

Đến năm 1997, từ cơ sở gia công nhỏ, An Phước có hơn 1.200 công nhân với 3 nhà máy. Tuy nhiên khủng hoảng kinh tế châu Á xảy ra khiến khách hàng An Phước rút về Trung Quốc để may gia công, công ty đối mặt với khó khăn thiếu hụt đơn hàng.

Những người sáng lập An Phước quyết định đầu tư bản quyền của Pierre Cardin để khai thác tại thị trường 3 nước Việt Nam, Campuchia, Lào nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt trên.

Đến tháng 6 năm 1997, An Phước mua bản quyền áo sơ mi nam của Pierre Cardin. Tuy nhiên việc chỉ may riêng sản phẩm của Pierre Cardin không lấp đầy công suất máy, An Phước thương thảo với nhà sáng lập thương hiệu thời trang này để có thể tận dụng sản xuất thêm thương hiệu riêng là An Phước. Đây là những bước đi đầu tiên cho sự thành công của công ty về sau.

Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu là trung và cao cấp, An Phước tập trung đầu tư cho chất lượng sản phẩm để phát triển thương hiệu.

Với mảng gia công cho thương hiệu lớn như Pierre Cardin, An Phước buộc phải tuân theo tiêu chuẩn, quy trình toàn cầu như không được bán với giá thấp hơn 35 USD tại thời điểm 1997 hay hàng năm hãng này đều cử kỹ thuật sang hướng dẫn, gửi mẫu mã sản xuất, đều đặn 6 tháng một lần qua Pháp họp với chính nhà sáng lập Pierre Cardin.

Với thương hiệu An Phước, công ty này cũng có những yêu cầu chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu từ Nhật Bản nhằm đảm bảo chất lượng hay không bán hàng qua đại lý mà qua hệ thống cửa hàng chính thức.

Hiện An Phước là một trong những doanh nghiệp dệt may lớn với hơn 6.000 công nhân và 9 nhà máy sản xuất. Công ty này còn ghi dấu ấn với việc tăng vốn, mở rộng hệ thống bằng cách mua lại nhà xưởng giai đoạn 2007-2013.

Một số thương vụ có thể kể đến như mua lại công ty may Tân Bình Minh năm 2008, công ty Tân Việt, nhà máy Tosgamex của tập đoàn Tomiya và Sumitomo năm 2010, mua lại công ty thương mại- kinh doanh thời trang Gebr.Weiss tại Aschsffenburg Đức vốn sở hữu nhãn hiệu veston va jacket cao cấp được ưa chuộng tại châu Âu.

Năm 2011, An Phước tăng vốn lên 450 tỷ đồng và hoàn tất mua lại nhà máy FLD Việt Nam của SPATZ- Pháp tại Nha Trang chuyên sản xuất đồ lót nữ thương hiệu Anamai (Pháp) và Bonjour (Việt Nam) xuất sang Pháp, Canada.

Nguyên tắc tuân thủ tuyệt đối

Mặc dù là công ty gia đình nhưng trong hệ thống An Phước không có bà con thân tộc mà chỉ gồm 3 thành viên gia đình bà Điền gồm: Ông Trần Chiến giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên, bà Điền đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc, con trai Trần Minh Khoa làm Phó tổng giám đốc.

Theo chia sẻ của nữ CEO này, nguyên tắc điều hành tại An Phước là tuân thủ tuyệt đối và có trật tự trong gia đình, ông Điền luôn là thuyền trưởng, đưa ra mọi quyết định.

Hai vợ chồng bà Điền có hai người con, một trai một gái. Với con gái, ông bà cho phép được tự do lựa chọn theo sở thích riêng nhưng với con trai Trần Minh Khoa từ khi học cấp 3 đã được bố mẹ quyết định phải học quản trị để kế nghiệp gia đình. Từ năm 15 tuổi, Khoa đã được bà Điền đưa con sang Mỹ học để về sau làm việc tại An Phước.

Bị ràng buộc bằng trọng trách gánh vác sản nghiệp của bố mẹ và làm vì trách nhiệm với gia đình, ban đầu Khoa cũng khó chịu vì ép buộc nhưng dần dần cũng bắt đầu yêu thích công việc hơn.

Với tư tưởng “Người ta làm được thì mình phải làm được”, An Phước có thể xem là một trong những tấm gương đáng học hỏi cho những doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang muốn thoát khỏi cái bóng lớn gia công để xây dựng thương hiệu cho riêng mình.

 

Theo Trí Thức Trẻ