clock

Thế Giới

07:11 11-11-2015

Arab Saudi sẽ tiếp tục thúc đẩy “cuộc chiến dầu mỏ”?

Các chuyên gia nhận định rằng đây chính là động thái để tiếp tục “đào sâu thêm” cuộc chiến giá dầu, có thể làm bất ổn định nền kinh tế của các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, từ đó giành thế chủ động dẫn dắt thị trường vàng đen đầy tiềm năng này.

Ảnh minh họa.

Cuộc chiến dầu mỏ kéo dài thời gian qua đã đem lại những thiệt hại không nhỏ đối với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ toàn thế giới. Tuy nhiên, Arab Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, lại không có ý định làm dịu cuộc chiến này, bất chấp cũng chịu những thiệt hại nặng nề. 
 

Tạp chí The Financial Times, trích dẫn nguồn tin thân cận, tin cậy trong Chính phủ Arab Saudi, cho biết giới lãnh đạo nước này nhìn nhận rằng họ đang rất gần đến chiến thắng trong “Cuộc chiến dầu mỏ”. Chính vì vậy, El-Riyadh (tên thủ đô Arab Saudi) sẽ không có ý định cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong vòng ít nhất 1 tháng nữa cho đến khi Hội nghị thượng đỉnh OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) được khai mạc ngày 4/12 tới đây.

Theo giới lãnh đạo nước này, mục tiêu chính không phải là nâng giá dầu mà là phải duy trì được vị thế của mình trên thị trường, có nghĩa là giữ được các bạn hàng cũ và tìm kiếm được các đối tác mới. Chính vì vậy, Arab Saudi sẽ không cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong thời gian tới.

Giám đốc điều hành Công ty dầu mỏ Saudi Arabian Oil Company Khalid al-Falikh khẳng định: “Điều duy nhất cần làm bây giờ là để thị trường tự vận hành. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay đã và đang không có bất cứ cuộc thảo luận nào về việc giảm giá dầu”.

Trong khi đó, Khalid al-Falikh là một nhân vật rất nổi tiếng trên thị trường dầu mỏ, đồng thời là thành viên trong Chính phủ Arab Saudi. Chính vì vậy, các chuyên gia đánh giá cao và rất chú ý đến những phát biểu của Khalid al-Falikh.

Những phát biểu trên là những thông tin không mấy dễ chịu đối với các công ty dầu mỏ lớn- những công ty đang phải gánh chịu thiệt hại hàng tỷ USD vì giá dầu suy giảm mạnh thời gian qua. Khi đó, chính Arab Saudi là nước đưa ra một chiến thuật mới để điều hành thị trường dầu mỏ.

Theo sáng kiến của Arab Saudi, OPEC, thay vì cắt giảm sản lượng khai thác để nâng giá dầu, đã quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác. Bộ trưởng dầu mỏ Arab Saudi khi đó đã thuyết phục được Quốc vương Abdallu, và hiện giờ là Quốc vương mới Salman thực hiện quyết định này.

Quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác khiến giá dầu tụt dốc không phanh thời gian qua. Điều này khiến trong vòng hơn 1 năm qua, người Arab Saudi và cả người dân các nước khai thác dầu mỏ khác đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống khi giá dầu ở mức 50 USD/thùng. Bản thân Arab Saudi cũng đang phải thừa nhận rằng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi khơi mào “cuộc chiến dầu mỏ”.

“Chúng tôi biết rằng đây là bước đi mạo hiểm nhưng quả thực những hậu quả của những mất mát này lớn hơn nhiều so với tính toán của chúng tôi. Thị trường đã phản ứng một cách thái quá vì rất hiếm khi giá dầu xuống thấp như hiện nay” - Khalid al-Falikh thừa nhận.

Để có thể bù lại khoản thâm hụt ngân sách 20% do giá dầu suy giảm, Arab Saudi cần phải sử dụng đến các khoản dự trữ tài chính quốc gia nhưng lượng dự trữ này cũng đang suy giảm một cách nhanh chóng.


Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mở OPEC.

Mới đây, Arab Saudi đã buộc phải thành lập một cơ quan để tìm kiếm các biện pháp giảm các chi phí công. Rất nhiều biện pháp đã được đưa ra, trong đó có việc giảm tiến độ xây dựng tàu điện ngầm ở thủ đô El-Riyadh.

Giới lãnh đạo Arab Saudi tin tưởng rằng họ sẽ chỉ phải chịu cảnh “thắt lưng buộc bụng” trong khoảng thời gian khoảng 1 hoặc 2 năm nữa. Sau đó, sự dư thừa dầu mỏ sẽ kết thúc và giá dầu sẽ dần hồi phục.

Theo dự đoán của Khalid al-Falikh, thị trường dầu mỏ sẽ ổn định trong năm 2016. “Chúng tôi hy vọng rằng, các khoản tiền đầu tư sẽ đủ để đáp ứng được nhu cầu đối với dầu mỏ sau năm 2017”- Khalid al-Falikh nhận định.

Các quan chức cấp cao khác của Arab Saudi cũng có chung nhận định với Khalid al-Falikh khi cho rằng thị trường dầu mỏ cần 1-2 năm để có thể tự điều chỉnh sản lượng dư thừa và sau đó giá dầu sẽ nâng lên tầm 70-80 USD/thùng.

Hiện Chính phủ Arab Saudi đang tin tưởng vào chiến lược của mình vì ngay đợt đầu tiêngiảm sản lượng khai thác, các đối thủ cạnh tranh “sừng sỏ” khác đã xuất hiện (Iran, Iraq). Trong năm 2016, Iran sẽ quay trở lại thị trường dầu mỏ sau khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, còn Iraq mới đây cũng đã nâng sản lượng khai thác lên 4,3 triệu thùng/ngày đêm.

Chính vì vậy, để duy trì được vị thế của mình trên thị trường dầu mỏ, Arab Saudi đã sẵn sàng tác động để giá dầu suy giảm. Trước khi cạnh tranh trở nên gay gắt, bản thân Arab Saudi tuần vừa qua đã đề nghị giảm giá bán cho các đối tác Ba Lan và Thụy Điển- những đối tác chủ yếu mua dầu của Nga thời gian qua.

Các chuyên gia nhận định rằng đây chính là động thái để tiếp tục “đào sâu thêm” cuộc chiến giá dầu để có thể làm bất ổn định nền kinh tế của các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, từ đó giành thế chủ động dẫn dắt thị trường vàng đen đầy tiềm năng này.

 

Theo Infonet