clock

Trong Nước

09:25 13-12-2023

Bà mẹ Hà Nội thót tim vì con trai lớp 8 bị lừa đảo, nhiều người thở phào: Phải ngàn lần cảm ơn cô giáo

Tình cờ quen một "bạn nữ" trong nhóm câu lạc bộ đạp xe, nam sinh này không ngờ mình vướng phải loạt rắc rối sau đó.

Với sự phổ biến của Internet, mạng xã hội đến cả vùng nông thôn, các chuyên gia đều cho rằng, trẻ em đang phải đối mặt với những rủi ro trên mạng - bị lừa đảo, bắt nạt. Ghi nhận từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, các tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến có xu hướng dịch chuyển, nhắm tới đối tượng người yếu thế trong đó có trẻ em.

Hệ thống tiếp nhận cảnh báo an toàn thông tin mạng Việt Nam do NCSC quản lý thời gian qua cũng đã nhận được những phản ánh của phụ huynh về việc con em họ bị đối tượng xấu trên mạng lừa gạt tình cảm, dụ dỗ chụp ảnh nhạy cảm để tổng tiền gia đình.

Mới đây, chia sẻ trên một hội nhóm dành cho phụ huynh có con tuổi dậy thì, một phụ huynh cho biết, chị vừa trải qua một tình huống "chưa từng nghe, biết, không ngờ tới" và cũng là một bài học lớn.

Bà mẹ Hà Nội thót tim vì con trai lớp 8 bị lừa đảo, nhiều người thở phào: Phải ngàn lần cảm ơn cô giáo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo bà mẹ này, con trai chị đang học lớp 8. Cháu có quen một bạn nữ trên nhóm câu lạc bộ đạp xe qua mạng, thỉnh thoảng nói chuyện với nhau cũng một thời gian. Đến cách đây mấy hôm cô bé đó đăng ảnh hút thuốc lá điện tử, con trai chị nhắn tin nói chuyện và hỏi thăm.

"Cô bé đó kể là gặp chuyện buồn và từ hôm đó ngày nào cũng nhắn tin cho nhau. Cách đây 5 hôm bạn nữ đấy nhắn tin kể là hôm nay bị bạo lực học đường (nhắn tin gửi hình ảnh) cho con em từ sáng đến lúc sẩm tối, rồi nói sợ không dám về nhà hiện đang ở công viên. Lúc đó trời bắt đầu tối lạnh (Hà Nội đang là mùa đông, trời tối rất nhanh).

Lúc đó con em đã cuống lên vì lo cho bạn. Con đang đi học thêm cùng bạn thân và kể chuyện cho bạn nghe. Bạn nghe xong còn rủ đi đến xem bạn nữ kia thế nào. Xong con em nói sợ bố mẹ không cho đi với lại để nói chuyện này với cô giáo con đang học và cũng là người con tin tưởng rồi hãy quyết định có đi đến công viên hay không?", bà mẹ chia sẻ.

Khi các con nói chuyện với cô giáo, cô đã lắng nghe và đưa ra 2 tình huống:

1. Nếu là thật thì tội cho bạn (phải làm gì đó giúp đỡ).

2. Là nhỡ đây là vụ lừa đảo thì sao?

Cô đã hướng dẫn các con xử lý tình huống: Nhắn tin cho bạn kia để trì hoãn kéo dài thời gian nếu như chuyện này là thật. Trong khi đó gọi số hotline nhà trường nơi bạn nữ kia đang học và gọi tổng đài bảo vệ trẻ em 111 để nghe tư vấn. Nhưng cô giáo gọi số hotline nhà trường mấy lần vẫn không được. Cô có khuyên các con bình tĩnh không được tự ý hành động cứ nhắn tin xem bạn thế nào.

"Tối con về đến nhà em thấy con khang khác nên có hỏi chuyện con thì con kể cho em nghe. Em hỏi con: Con gặp bạn bao giờ chưa? Con bảo chỉ thỉnh thoảng nói chuyện qua tin nhắn chưa gặp ngoài đời, chỉ biết tên, trường, lớp qua lời bạn ý nói.

"Sao bạn đấy không nói cho bố mẹ biết?" - Con nói là bạn có kể rồi nhưng bố mẹ không tin, không quan tâm đến bạn ý chỉ quan tâm đến em gái thôi. Em bảo con có thể em bạn đấy bé hơn nên được quan tâm chăm sóc. Còn đã là con thì bố mẹ nào cũng yêu thương lo lắng chỉ là cách quan tâm của bố mẹ với mỗi con khác nhau thôi. Mà nếu chuyện đúng là như vậy thì không bố mẹ nào không can thiệp cả.

Em cũng phân tích một số vấn đề cho con và nói con cần bình tĩnh, tỉnh táo, không được để bị thao túng tâm lý, không được nghĩ quá nhiều để cuốn vào việc này, làm gì cũng nên nói cho bố mẹ biết và không được tự ý hành động theo cảm xúc. Em cứ có cảm giác như con bị thôi thúc, dẫn dắt vào câu chuyện chứ không cảm thấy lo lắng bồn chồn cho bạn nữ kia ý?", người mẹ kể tiếp.

Sáng hôm sau chị gọi điện hẹn gặp cô giáo trao đổi. Lo cho tâm lý các con, chị quyết định tối sẽ về nói chuyện với con và sáng ngày hôm sau sẽ đến trường bạn nữ kia xem thực hư thế nào. Nhưng bất ngờ, chiều chị đi đón con về, gặp mẹ con nói ngay là bọn con tìm trên mạng được những hình ảnh kia rồi. Và "tất cả các ảnh bạn ấy gửi cho con đều có trên mạng". Chứng tỏ khả năng cao đây là vụ dàn cảnh lừa đảo.

Và con cũng nghi ngờ: Tại sao nhắn tin cho con thời gian lâu như thế mà điện thoại không hết pin khi chưa về nhà, ở công viên lấy đâu điện để sạc điện thoại. Con đã chặn hết rồi không liên lạc nữa. "Tự nhiên em cảm thấy như giông bão đã tan, lòng nhẹ tênh", người mẹ cảm thán.

Dù không khẳng định 100% đây là vụ lừa đảo nhưng bà mẹ này cho biết, nếu đúng thật như chị dự đoán thì các mánh khóe bây giờ quá tinh vi. Chúng dẫn dắt, dụ dỗ, thao túng tâm lý các kiểu… muôn hình vạn trạng. Mọi người cần bật chế độ cảnh giác cao nhất. Dùng mạng phải thật tỉnh táo.

Dưới phần bình luận, nhiều người cũng "thở phào" thay cho bà mẹ này. Đồng thời, may mắn là con tin tưởng và còn biết xin ý kiến cô giáo, và cô cũng có quan tâm hướng dẫn con cách giải quyết tình huống.

"Thực sự phải cảm ơn cả cô giáo mà các con học thêm. Vì có rất nhiều điều, nhiều khi con chưa kịp nói với bố mẹ (vì có quá ít thời gian để gặp nhau, trò chuyện) nhưng các con lại có thể tâm sự với cô. Nhưng thực sự may mắn vì chính bản thân con đã tự trải nghiệm và có bài học đáng nhớ khi có sự việc xảy ra với con", một phụ huynh nêu ý kiến.

Lừa đảo trực tuyến đang nhắm đến trẻ em

Vào đầu tháng 7/2023, trang cảnh báo không gian mạng của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - National Cyber Security Center đã nhận được phản ánh của một phụ huynh. Được biết, con gái đang học lớp 5 của chị qua 1 diễn đàn những người chơi game online đã bị một đối tượng lừa gạt tình cảm và dẫn dụ gửi chụp ảnh nhạy cảm. Kẻ xấu sau đó đã dùng hình ảnh nhạy cảm của bé gái để tống tiền gia đình em.

Trong 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến được Cục An toàn thông tin ghi nhận nửa đầu năm 2023, các vụ lừa đảo nhắm tới trẻ em chủ yếu tập trung vào 3 hình thức gồm lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm và lừa cung cấp dịch vụ lấy lại Facebook.

Các chuyên gia cho biết, ai cũng có thể bị lừa đảo nhưng nguy cơ với đối tượng trẻ em và người già cao hơn cả. Bởi lẽ, trẻ em chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm, còn nhiều người già lại muốn kiếm thêm thu nhập và cũng không quá rành về công nghệ.

Vì thế, những người thân trong gia đình như bố mẹ, con cháu, hay những giáo viên, người hướng dẫn ở trường phải là những "tấm lá chắn" để hỗ trợ bảo vệ các đối tượng này trước các cuộc tấn công lừa đảo trên mạng. Bên cạnh việc cập nhật thông tin, hướng dẫn đầy đủ, những người trợ giúp cần thường xuyên trao đổi, lắng nghe nhu cầu của trẻ em và người cao tuổi để kịp thời tư vấn, hỗ trợ họ giao dịch trực tuyến an toàn.

Vấn đề quan trọng, cốt lõi hơn cả là nâng cao nhận thức của người dùng, giúp họ nhận biết được các tình huống lừa đảo hay xảy ra, không tin vào người lạ, luôn xác thực lại thông tin trước khi giao dịch…