clock

Trong Nước

08:21 28-09-2022

Bão dữ Noru đổ bộ miền Trung

Khuya qua 27.9, bão Noru (bão số 4) đã đổ bộ, uy hiếp miền Trung. Dự kiến bão kéo dài đến trưa nay và suy yếu dần với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8 - 9 (62 - 88 km/giờ), giật cấp 11.

Cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 (bão Noru) do Phó thủ tướng Lê Văn Thành (Trưởng ban chỉ đạo) chủ trì tối qua 27.9 tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần khẩn trương ứng phó.

Khu vực chợ Cửa Việt (TT.Cửa Việt, H.Gio Linh, Quảng Trị) tan hoang vì gió xoáy chiều 27.9

Rà soát đến tận "giờ G"

Theo Phó thủ tướng, dù bão chưa vào bờ nhưng lốc xoáy đã xuất hiện tại tỉnh Quảng Trị gây ra nhiều thiệt hại. Phó thủ tướng cho hay, thông tin dự báo bão vào đến bờ với cấp 13, giật cấp 15 - 16 càng khiến các địa phương cần chuẩn bị kỹ càng, nhất là việc sơ tán và bố trí chỗ ở cho người dân. "Đây là nhiệm vụ số 1", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Thời điểm đó, khi bão cách không xa đất liền, nhiều địa phương vẫn đang rà soát các phương án. Tại cuộc họp, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết mặc dù địa phương đã tập trung công tác tuyên truyền nhưng có nơi có chỗ vẫn chủ quan. Một số nơi sẽ cưỡng chế nếu chưa di dời kịp trước khi bão vào...

Bão dữ Noru đổ bộ miền Trung
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND VN, cho rằng việc kiểm soát lao động là ngư dân lên bờ thường gặp nhiều khó khăn. Tại TP.Đà Nẵng, cần có phương án cứu hộ người bị nạn trong lúc xảy ra bão; tận dụng các camera nhà dân, giao thông để kiểm soát tình hình, sẵn sàng triển khai việc cứu hộ, cứu nạn bằng các loại xe đặc chủng có thể di chuyển trong bão… Liên quan vấn đề này, đến chiều qua 27.9, theo báo cáo của Phòng Tác chiến Quân khu 5, để ứng phó với bão Noru, các đơn vị đã tổ chức lực lượng hơn 53.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân, công an và các lực lượng khác cùng gần 1.400 ô tô, gần 110 xe đặc chủng, xe chuyên dụng, 715 xuồng máy; phối hợp Quân chủng Phòng không - Không quân điều động 1 máy bay chuẩn bị ứng phó bão. Quân khu 5 cũng đã điều động 5 xe thiết giáp của Lữ đoàn T-TG 574 sẵn sàng tham gia cơ động ứng phó bão.

Qua báo cáo của lãnh đạo các địa phương, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhắc đi nhắc lại việc các địa phương phải hết sức chú trọng kiểm soát người trên các tàu thuyền neo đậu. "Nếu còn vài trăm tàu mà mỗi tàu còn 1 người là đã rất nguy hiểm. Phải rà soát để đảm bảo an toàn cho người dân, không di dời phải cưỡng chế. Các lực lượng biên phòng phải xuống vận động, phối hợp chính quyền không để người dân trên tàu", Phó thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải rà soát, kiểm tra đê điều, hồ đập, cử các lực lượng ứng trực để xử lý các tình huống.

Đường đi của bão Noru, cập nhật lúc 23 giờ ngày 27.9  NGUỒN: TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA

Đảm bảo lương thực cho dân
Kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo tiền phương, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận định vì cơn bão lần này rất lớn và mang nhiều bất lợi (vừa gió mạnh, vừa sóng biển, vừa thủy triều, vừa mưa lớn) nên cần có biện pháp cụ thể, ứng phó phù hợp. Ngoài việc tập trung cao độ, huy động tất cả lực lượng vào cuộc ứng phó…, các địa phương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng biên phòng, công an, chính quyền địa phương rà soát đồng bộ người dân ở các khu vực có nguy cơ. Với tình hình bão cấp 14, giật cấp 17, để người dân yên tâm thì phải có lực lượng bảo vệ tài sản cho dân. Các công trình quan trọng như hồ đập, bệnh viện, đê điều, hệ thống điện… phải có ứng trực thường xuyên, kịp thời ở các khu vực trọng yếu tại những hồ đập, trường hợp mất điện phải có giải pháp ngay… Lực lượng chức năng vừa bảo vệ tính mạng người dân vừa phải bảo vệ tính mạng của mình khi tham gia chống bão.

Tối 27.9 tại Quảng Trị, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp trực tiếp về công tác bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống bão Noru. Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Công an lưu ý việc yêu cầu phương tiện giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ tại hai đầu Bắc - Nam tạm dừng hoạt động khi bão vào đất liền để đảm bảo an toàn, trừ phương tiện làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương, xe phòng chống lụt bão, xe công vụ…

Dự kiến sẽ triển khai đóng các tuyến đường như: QL1A, QL14, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… từ 22 giờ đêm qua theo dọc tuyến từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và từ các tỉnh Tây Nguyên xuống các tỉnh miền Trung.

Yếu tố thông tin cũng được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm nhằm xử lý kịp thời những phát sinh. Đặc biệt, để chủ động ứng phó với lũ lụt sau bão, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã cấp 1.500 tấn lương thực lên các huyện vùng cao để đảm bảo nếu có tắc đường thì các địa phương vùng cao vẫn có lương thực trong 1 tháng.

Cảnh tan hoang quanh khu vực chợ Cửa Việt (Quảng Trị) sau cơn lốc chiều 27.9  THANH LỘC

Cảnh báo thảm họa
Trong khi đó, những cảnh báo về mưa lũ sau trận bão cũng rất đáng chú ý. Ông Trương Tuyến, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, cho biết với cường độ của bão Noru, hệ thống cơn bão này sẽ gây ra với sức gió rất mạnh ở vùng ven biển cấp 11 - 12 và giật 13 - 14. Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn nên phải đề phòng lũ quét, sạt lở. Ở địa bàn vừa xảy ra thảm họa sạt lở núi như Quảng Nam, ngoài cảnh báo nước biển dâng cao ở khu vực ven biển, mối lo sạt lở vùng cao cũng rất đáng chú ý. “Trong hoàn lưu bão này, lượng mưa rất lớn, phổ biến từ 300 - 400 mm, có nơi trên 500 mm. Thời gian mưa ngắn nhưng lớn như vậy thì ở các địa phương miền núi phải đề phòng sạt lở đất đá, lũ quét và “thảm họa” sạt lở như cuối năm 2020 tại huyện miền núi Nam Trà My và Phước Sơn”, ông Tuyến cảnh báo.

Thiệt hại ngay trước bão

Khoảng 15 giờ chiều qua 27.9, lốc xoáy xảy ra tại địa bàn khối phố 3 (TT.Cửa Việt, H.Gio Linh, Quảng Trị) khiến chợ Cửa Việt bị tốc mái, 2 nhà dân bị sập hoàn toàn, 300 ngôi nhà và hàng quán bị tốc mái, 4 người bị thương phải chuyển cấp cứu… Chiều qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tình hình ứng phó bão tại Quảng Trị và đến thăm, động viên các hộ dân bị lốc xoáy. Dịp này, Phó thủ tướng cũng kiểm tra khu neo đậu tại xã Triệu An (H.Triệu Phong) và thăm điểm tập kết di dân tránh bão tại trường tiểu học Triệu An.

Tại Thừa Thiên-Huế, ông Ngô Xỉ (54 tuổi, trú thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc) bị ngã từ trên cao xuống khi giằng chống mái nhà, được lực lượng công an hỗ trợ cấp cứu.

Hôm qua, sân bay Đà Nẵng đóng cửa để chống bão Noru, tuy nhiên một máy bay của hãng Pacific Airlines gặp sự cố kỹ thuật, mắc kẹt lại sân bay; hành khách được chuyển qua chuyến bay khác của hãng hàng không Vietnam Airlines để tiếp tục hành trình. Sau đó, nhân viên mặt đất tại sân bay Đà Nẵng đã dùng biện pháp neo trụ cố định tại chỗ chiếc máy bay của hãng Pacific Airlines gặp sự cố kỹ thuật.

Nguyễn Phúc - B.N.Long - L.H.Nhân - Nguyễn Tú

Theo Thanh Niên