clock

Thị Trường

12:03 09-12-2015

Báo Mỹ: Chúng ta đã không giữ lời hứa với Việt Nam

Tờ New York Times cho rằng quyết định mới về cá da trơn đã đi ngược lại với lợi ích người tiêu dùng Mỹ cũng như trái với các thỏa thuận trong Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Khi chính quyền Washington ra các quy định giám sát khắt khe hơn với mặt hàng cá da trơn của một số nước, trong đó có Việt Nam, tờ New York Times đã cho rằng quyết định này đi ngược lại với lợi ích người tiêu dùng Mỹ cũng như trái với các thỏa thuận trong Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mặt hàng cá da trơn là sản phẩm thủy sản đứng thứ 6 về độ phổ biến tại thị trường Mỹ sau cá tuyết và cua. Nguyên nhân chính khiến mặt hàng này được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng là giá thành nhập khẩu rẻ.

Hiện cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác chiếm khoảng 75% tổng doanh số tiêu thụ tại Mỹ. Trái ngược lại, doanh số của các trang trại cá da trơn tại Mỹ, chủ yếu ở vùng Mississippi, đã giảm 60% so vời thời kỳ đỉnh cao cách đây 10 năm.

Đây là lý do khiến thượng nghĩ si bang Mississippi, ông Thad Cochran dẫn đầu các chính trị gia trong việc bảo vệ người nuôi cá da trơn tại Mỹ trước những đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Năm 2002, nhóm người này đã cố gắng để nghị viện Mỹ thông qua quyết định cấm các sản phẩm cá tra, cá basa nhập khẩu từ Châu Á được đưa vào mặt hàng cá da trơn. Năm 2003, những chính trị gia này đã vận động để điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá da trơn từ Châu Á.

Năm 2008, nghị sĩ Cochran đã đề nghị các cơ quan chức năng Mỹ giám sát mặt hàng cá da trơn nhập khẩu theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thay vì tiêu chuẩn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).

Điều trớ trêu là tiêu chuẩn của USDA chỉ chuyên dùng cho các sản phẩm thịt và gia cầm chứ không phải thủy sản.

Rõ ràng, nguyên nhân chính cho đề nghị này không phải là bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng Mỹ mà là để bảo hộ những người nuôi cá da trơn. Động thái này sẽ khiến chi phí kiểm tra mặt hàng cá da trơn khi nhập khảu vào Mỹ cao hơn rất nhiều, qua đó loại bỏ nhiều đối thủ nước ngoài.

Văn phòng chính phủ Mỹ đã từ chối đề nghị này 9 lần do quy trình kiểm tra mới chồng chéo với tiêu chuẩn cũ và lãng phí quá nhiều tài chính.

Quy trình kiểm tra cũ chỉ tốn 700.000 USD mỗi năm, nhưng với tiêu chuẩn mới của USDA cho cá da trơn, chính phủ Mỹ sẽ phải chi 30 triệu USD để thành lập tiến trình xét duyệt và tốn thêm 14 triệu USD mỗi năm để duy trì. Tuy nhiên, cuối cùng thì quy định này cũng đã được thông qua vào ngày 25/11/2015.

Những nghị sĩ chống đối quy trình này đã nhiều lần kiến nghị nhưng đều thất bại do không đủ sự ủng hộ tại nghị viện. Trong khi đó, tờ New York Times cho rằng nếu Việt Nam và những đối tác thương mại Châu Á khác kiện vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) thì họ có nhiều khả năng giành chiến thắng.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ tiêu chuẩn của FDA sang USDA dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 18 tháng kể từ tháng 11/2015. Điều khó hiểu là hiệp định TPP mới được ký kết gần đây cho thấy các cơ quan giám sát của Mỹ đã cam kết sẽ không áp đặt nghĩa vụ thuế như hiện nay đối với sản phẩm cá da trơn của Việt Nam.

Rõ ràng, quyết định chuyển đổi tiêu chuẩn USDA của Mỹ đã vi phạm thỏa thuận này bởi chúng gia tăng sự khó khăn cho hoạt động nhập khẩu cá da trơn mà không có lý do hợp lý.

Tờ New York Times cho rằng phía Mỹ đã phá vỡ cam kết đối với Việt Nam, một đối tác thương mại ngày càng quan trọng, nếu xem xét theo các thỏa thuận của WTO và TPP. Hơn nữa, động thái này có thể kích thích hàng loạt các quốc gia Châu Á có xuất khẩu cá da trơn thực hiện những biện pháp trả đữa với các mặt hàng của Mỹ, như thịt bò và đậu nành.

Trang tin uy tín của Mỹ này cũng nhận định các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên quan tâm đến vấn đề này hơn và Tổng thống Barack Obama nên bãi bỏ các chương trình xét duyệt phi lý đối với cá da trơn.

Hoàng Nam

Theo Trí Thức Trẻ