clock

Công Nghệ

07:31 13-11-2015

Bát nháo “công nghệ nano”!

Công nghệ nano ra đời có thể nói là một phát hiện lớn, là bước tiến của khoa học. Nhìn chung, công nghệ này hiện vẫn ở mức thử nghiệm, nghiên cứu, chỉ mới có một số ứng dụng vào đời sống nhưng tập trung ở lĩnh vực công nghiệp, chế tạo thiết bị, tăng độ bền cho sản phẩm.

Thế nhưng, chưa bao giờ từ “nano” lại bị lạm dụng nhiều như hiện nay. Mỗi khi ra đường, nhất là vào những cửa hàng chọn lựa một sản phẩm nào đó, ta có thể nghe thấy từ nano trong những lời chào mời nhiệt tình. Vậy nano là gì, sức mạnh ra sao mà người ta phải dùng nó để lôi cuốn người tiêu dùng, người bệnh đến như vậy?

Theo các nhà khoa học, nano là những phân tử bạc có kích thước cực kỳ nhỏ (đơn vị tính là nanomet = 1 phần tỉ mét). Sở dĩ nó có được quyền năng ứng dụng vì có tính năng đặc biệt về độ bền, độ nhỏ… so với bất kỳ vật liệu nào của thế giới công nghệ hiện nay. Nó được mệnh danh là siêu vật liệu.

Giới chuyên môn cho biết “công nghệ nano” là một thuật ngữ chung trong công nghiệp. Thế nhưng, ngay cả khi chưa tạo ra các vật liệu mang kích thước nano, các nhà sản xuất đã dùng ngay từ nano để “áp” cho sản phẩm của mình. Cũng chính vì cái chung chung mơ hồ đó, cộng với sự hiểu biết có hạn của người dân mà thuật ngữ nano bị lạm dụng.

Ngoài lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng, lĩnh vực y học liên quan đến sức khỏe con người cũng đang có dấu hiệu lạm dụng thuật ngữ này, thường thấy nhất là trong lĩnh vực làm đẹp. Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhan nhản các loại sản phẩm như kem thoa, dầu gội, thực phẩm chức năng… được quảng cáo ứng dụng công nghệ nano có khả năng “hóa lão thành đồng”, chữa trị được bệnh tiểu đường, u nang buồng trứng, phục hồi màng trinh… Vậy đấy, nhưng theo Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng Việt Nam, chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu nào cho rằng công nghệ nano có thể trị dứt một loại bệnh cụ thể.

Tại Việt Nam, các nhà khoa học khuyến cáo do công nghệ nano còn mới mẻ nên nhiều người đã lạm dụng cụm từ này để “gắn mác làm sang” cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Trong khi chờ những công bố khoa học thật sự chuẩn mực về sản phẩm, để tránh tiền mất tật mang, người tiêu dùng hãy tỉnh táo, đừng để lọt vào “mê hồn trận” của các sản phẩm được vẽ vời bằng “công nghệ nano”.

 

Theo Báo Người Lao Động